Lúc túng thiếu nhất, Trần Quý Lương từng mua mì gói theo thùng, cả thùng.
Những thùng mì gói hết hạn, nếu mua số lượng lớn, chỉ khoảng 3 hào một gói. Có lần anh ăn liền một tháng trời, đến mức chỉ cần ngửi thấy mùi mì là muốn ói!
“Chắc chắn mình đã sống lại rồi chứ gì nữa? Việc cần thiết nhất nhất sau khi sống lại về cấp 3, là phải giải quyết chuyện ăn thịt. Nhưng tiền ở đâu ra?”
Trần Quý Lương đưa mắt nhìn về chiếc giường của mình.
Chỗ sát tường trên giường được anh xếp đầy sách vở, tạp chí, chồng nọ đè lên chồng kia.
Anh trèo lên giường, cởi giày rồi tiện tay rút ra một quyển tạp chí “Ý Lâm”, lại rút thêm một quyển “Độc Giả”.
Sau đó anh lật một chồng sách xuống, nhìn từ gáy sách thấy tên các đầu sách như: “Bầu Ngực Đầy Đặn, Mông Nở Nang”, “Quê Nhà và Xứ Người”, “Người Trung Quốc Xấu Xí”, “Hành Trình Văn Hóa Đau Khổ”, “Biên Niên Sử Hồ Ô Nê”...
Trời má ơi, mùi vị tinh thần gì đâu mà gắt dữ vậy?
Hồi trẻ mình đọc mấy cái quỷ gì thế không biết?
Mấy quyển này, thế mà hồi đó lại khiến anh nhịn ăn, thắt lưng buộc bụng, ôm bụng đói mà vẫn cắn răng mua cho bằng được.
Trần Quý Lương lục hết đống tạp chí, rồi lại chọn ra một lượt các tác phẩm văn học nói trên.
Nghĩ đi nghĩ lại, mấy tiểu thuyết như “Sống”, “Bạch Lộc Nguyên” dường như cũng không cần giữ lại làm gì.
Từ cả đống sách và tạp chí, Trần Quý Lương chỉ giữ lại vài quyển như: "Thơ Hải Tử", "Từ Điển Cổ Hán", "Cổ Văn Quán Chỉ", "Chu Dịch Thông Luận", "Kim Bình Mai", "Phê Phán Lý Tính Thuần Túy", "Hiện Hữu và Hư Vô"...
Còn lại, anh quyết định bán hết!
Bán lấy tiền ăn thịt.
Bồi bổ cho cái thân xác ốm nhách ốm nhom của mình.
Anh xé vài tờ giấy từ vở bài tập, dùng bút lông luyện chữ của bạn cùng phòng, viết: "Tạp chí cũ: 2 hào/quyển, 5 hào/3 quyển, 1 tệ/8 quyển."
Rồi thêm dòng nữa: "Danh tác Đông Tây kim cổ: 3 đến 5 tệ/quyển."
Viết xong, anh thổi cho khô mực rồi cúi xuống gầm giường lục lọi.
Rất nhanh, anh tìm thấy một chiếc va-li cũ kỹ. Không rõ là của ai, nhưng giờ tạm thời "trưng dụng". Nhét đầy sách báo vào rồi kéo đi.
Bán sạch đống này, bắt đầu lại cuộc sống mới!
***
Trần Quý Lương chọn chỗ bày sạp ở ngay trung tâm giao thông nội khu trường, nơi có một dãy bảng tin tuyên truyền dựng sừng sững, ai đi qua cũng liếc mắt dòm lấy một cái cho đỡ trống trải.
Anh tìm một gốc đa tán rộng lá rậm, rồi thản nhiên ngồi xổm dưới bóng mát, mở chiếc vali cũ nát ra chuẩn bị hành nghề.