Sau khi đi một vòng quanh các bàn rượu trong sân, Diệp Huyên theo Hướng Miễn đi đến bàn chính trong chính phòng.
Bà cố họ Kim, tên Hải Đường, ăn mặc chỉnh tề, ngồi ở ghế chủ vị với nụ cười hiền hậu, đón ly trà được chắt dâu dâng lên.
Hai bên trái phải là con trai và con dâu của bà, cũng chính là ông bà nội và ông bà hai của Hướng Miễn.
Mọi người lần lượt nhận trà từ Diệp Huyên dâng lên.
Cuối cùng sóng gió cũng lắng xuống, trước mặt bà cố, không ai nhắc đến chuyện cô từng bỏ trốn khỏi hôn lễ.
Bà cụ Kim mắt vẫn tinh, tai vẫn thính, ngoài việc lúc nãy bị ngất ra thì không có vấn đề gì lớn. Nhìn đứa chắt dâu xinh xắn đoan trang trước mắt, bà vô cùng hài lòng, gật đầu không ngừng.
Vui mừng một hồi, bà lại đột nhiên cảm khái buồn bã: “Hướng Miễn à, nếu bố mẹ con còn sống thì tốt biết mấy.”
Diệp Huyên: “…”
Ông nội lên tiếng: “Ngày vui như thế này, đừng nhắc chuyện buồn. Họ chắc chắn cũng đang vui mừng cho Hướng Miễn ở bên kia thôi.”
“Ừ, cũng đúng.”
Sau khi dâng trà, rượu xong, Diệp Huyên trở về phòng tân hôn.
Tới cuối buổi tiệc, Hướng Miễn được đưa về phòng, cả người nồng nặc mùi rượu, đầu óc có phần lơ mơ, được đỡ nằm nghỉ trên chiếc ghế dài trong phòng.
Một bà thím họ đưa vào chậu nước ấm, nhờ Diệp Huyên giúp lau mặt cho anh.
Rượu đều là Hướng Miễn uống, còn Diệp Huyên chỉ dùng trà hoặc nước ngọt thay thế, nên đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Xem ra tửu phẩm của anh cũng khá tốt, sau khi say không nói nhảm, cũng không đập phá, chỉ lặng lẽ nằm ngủ.
Nhìn người đang nằm trên ghế, Diệp Huyên nhúng khăn vào nước, vắt khô, nhẹ nhàng lau mặt cho anh.
Hô hấp của anh rất đều đặn, khi lau mặt cũng không có phản ứng gì, nên Diệp Huyên không thấy ngại. Cô chỉ chú ý đến gương mặt và đường nét của anh- ngũ quan sắc sảo, xương mặt và làn da đều rất đẹp, thật sự giống như người được số phận ưu ái.
Rõ ràng sinh ra đẹp như thế, gia cảnh cũng không tệ, mà lại muốn làm một kẻ ăn chơi lêu lổng, Diệp Huyên cảm thấy đầu óc anh chắc chắn từng có vấn đề.
Có lẽ đúng như anh đã nói bỗng dưng tỉnh ngộ, nên mới muốn trở thành người tốt?
Lau mặt xong, cô lấy một chiếc chăn đắp cho anh, rồi bắt đầu thu dọn đồ cưới trong phòng, sắp xếp lại tủ quần áo. Sau đó, khi ánh mắt dừng lại ở chiếc máy may hiệu Bướm, cô bất giác chìm vào suy nghĩ.
Nguyên chủ chỉ học hết cấp hai rồi nghỉ, sau đó theo một người thầy học cách sử dụng máy may đạp chân. Giờ đang làm việc ở một xưởng may, dùng loại máy may công nghiệp chạy điện.
Chiếc máy may trong phòng là sính lễ mà nguyên chủ đã cố gắng tranh thủ được cho mình.
Nhưng Diệp Huyên thì chưa từng sử dụng thứ này. Cô có hơi nghi ngờ liệu mình có biết dùng không, thế là bất giác ngồi xuống trước máy may, lục ra ít chỉ và vài mảnh vải trong đồ cưới, tùy ý nghịch thử.
Không ngờ lại thần kỳ đến vậy, Diệp Huyên vừa chạm tay vào liền thành thạo, cứ như trong người cô đã khắc sẵn ký ức cơ bắp: luồn chỉ thế nào, đạp chân ra sao, quay vòng như thế nào… cô đều thao tác rất trơn tru.
Diệp Huyên thở phào nhẹ nhõm, trong lòng dâng lên cảm giác như vừa được thần linh ban tặng kỹ năng vui sướиɠ ngỡ ngàng như một bàn tay vàng bất ngờ được điểm sáng.
Vậy thì cô có thể yên tâm tiếp tục đi làm ở xưởng may, không cần lo lắng việc không biết dùng máy nữa.
Tuy chưa chắc mình có thể quen với cuộc sống trong nhà máy hay không, nhưng hiện tại đã cuối năm rồi, công xưởng sẽ phát lương và thưởng Tết. Dù thế nào cô cũng phải lấy cho bằng được, rồi sang năm tính tiếp.
Hơn nữa, bản thân cô cũng có hứng thú với việc thiết kế, may mặc, thật lòng muốn học hỏi một chút.
Trước khi lấy chồng, lương tháng của nguyên chủ đều phải giao nộp cho bố mẹ. Còn bây giờ, tiền kiếm được có thể giữ lại cho riêng mình. Đợi tích góp được một khoản kha khá, có nền tảng kinh tế rồi, cô sẽ không còn sợ khi rời khỏi nhà họ Hướng nữa.
Lúc đó, mới tính chuyện làm ăn: ví dụ bán quần áo? Làm phiên dịch? Hay là thi đại học? Giờ cô vẫn còn trẻ, mà thời này thì sinh viên đại học quý như vàng…
Tất nhiên, đó là chuyện sau này. Hiện tại, Diệp Huyên cứ say sưa bên chiếc máy may, tiếng “tạch tạch” vang lên thật êm tai. Suốt cả buổi chiều, cô ngồi trước máy nghiền hết đám vải vụn mà chẳng thấy mệt mỏi gì.
Chẳng lẽ mình sinh ra để đạp máy may?
Cười chết mất.
*
Hướng Miễn ngủ một mạch đến tận sáu giờ tối mới tỉnh. Lúc này, Diệp Huyên vừa dọn dẹp xong đống “sớm sinh quý tử” trên giường.
Ra khỏi phòng ngủ, cô thấy anh đã ngồi dậy, tay ấn ấn huyệt thái dương.
“Tỉnh rồi à?” Diệp Huyên hỏi một câu.
“Ừm…” Anh rên nhẹ một tiếng, giọng kéo dài, có vẻ vẫn chưa ngủ đủ. “Khách khứa về hết rồi sao?”
“Đi hết rồi.”
Đang nói thì Hướng Lâm đi tới gõ cửa: “Anh, chị dâu, ăn cơm tối thôi.”
Diệp Huyên đi ra mở cửa, nói: “Vào đi, anh em mới vừa tỉnh.”
Hướng Miễn có hai cô em gái. Hướng Lâm mười sáu tuổi, đang học cấp ba; Hướng Giai mười ba tuổi, còn học cấp hai. Cả hai đều gầy gò, dáng người giống như que củi.
Ngoài ra còn một đám em họ gái nữa. Do tứ hợp viện không quá rộng mà người thì đông, nên phía nhà sau được chia một phòng làm “ký túc xá tập thể”, để các cô gái ở chung một chỗ.
Hôm nay Diệp Huyên đã gặp khá nhiều người nhà họ Hướng, phát hiện Hướng Miễn đúng là người trúng vé số di truyền, lớn lên quá nổi bật trong một đám họ hàng.
Hướng Lâm giục: “Ở chính phòng còn bày vài bàn nữa, hai người mau qua đó đi.”
Vừa mới định bước đi, Hướng Giai cũng dắt theo đứa bé ba tuổi chưa biết nói đi tới.
Cậu bé nhỏ trông thật sự rất đáng yêu, giống hệt như em bé trong tranh Tết, khiến cho Diệp Huyên không kìm được mà véo má nó một cái, còn muốn bế lên.
Nhưng đứa nhỏ lại không chịu cho bế, cứ thế lao thẳng về phía chân của Hướng Miễn.
Hướng Miễn ôm lấy đứa bé rồi ngồi xuống giường.
“Thằng bé có tên chưa?” Diệp Huyên hỏi.
“Có rồi, Hướng Kỳ Lân.” Hướng Miễn mang giày xong, đi tới bàn uống trà, súc miệng một cái: “Cô gọi nó là Tiểu Kỳ Lân cũng được.”
“Thính lực của thằng bé ổn chứ?”
“Ổn mà, nghe được âm thanh, chỉ là không chịu mở miệng nói chuyện.”
Hướng Giai lại nói: “Thằng bé chỉ nói chậm thôi, hôm nay bắt đầu học nói rồi.”
“Học được gì rồi?” Hướng Miễn hỏi.
“Bố.” Bất thình lình, từ phía sau vang lên một tiếng gọi non nớt.
Hướng Miễn: “…”
Anh vui mừng khôn xiết bước lại gần, bế đứa nhỏ lên ôm vào lòng: “Ôi chao, con đang gọi bố sao?”
Diệp Huyên: “…”
“Gọi lại lần nữa nào?”
“Bố.”
“Ôi ôi ôi…” Hướng Miễn vui sướиɠ đáp lại, Diệp Huyên nhìn anh, cảm thấy người này có vẻ còn hơi trẻ con, giống mấy nam sinh trong trường học, rất thích được người ta gọi là ba.
Thế là cô không nhịn được mà hỏi: “Anh thật sự định làm bố của thằng bé sao?”
“Không thì sao?” Anh còn nhướng mày: “Con trai nhặt được không mất đồng nào, có người gọi mình là bố, tất nhiên là tôi không từ chối rồi.”
Diệp Huyên: “…”
Nhíu mày, quả nhiên… đàn ông ai cũng giống nhau, đều thích làm bố người khác.
“Cơm cơm.” Đứa nhỏ lại gọi một tiếng.
“Được được, bố dẫn con đi ăn cơm.”
Anh vừa nói vừa bế đứa nhỏ đi luôn, để lại Diệp Huyên đứng phía sau nghẹn lời không nói nổi.
Cô không nhịn được mà hỏi với theo sau lưng Hướng Miễn: “Hướng Miễn.”
“Hửm?” Hướng Miễn quay đầu lại, vẫn bế đứa nhỏ trong tay.
Diệp Huyên mở rộng trí tưởng tượng hỏi: “Thằng bé thật sự không phải là con riêng bên ngoài của anh đấy chứ? Kiểu như mẹ nó tìm đến, bắt anh phải nuôi, anh đành nhận về.”
Hướng Miễn nhếch môi cười: “Cô nhìn tôi bằng ánh mắt gì thế, nhìn thằng bé giống tôi à?”
Hướng Lâm và Hướng Giai đồng thanh: “Tôi/Em thấy giống đấy.”
“Vớ vẩn” Anh vừa đi vừa nói: “Con ruột thì tôi lại không nhận chắc?”
*
Mọi người cùng đi vào phòng chính ăn tối.
Phòng khách lớn trong phòng chính bày ba bàn tròn, người nhà họ Hướng sống trong tứ hợp viện đều có mặt, chỉ chờ chú rể và cô dâu đến.
Bà cố Kim vẫn như buổi trưa, ngồi ở vị trí chủ tọa.
Bà cố có hai người con trai, tên là Hướng Chương Bình và Hướng Ngọc Bình.
Hướng Chương Bình có hai con trai: Hướng Chí và Hướng Trung, Hướng Chí chính là bố của Hướng Miễn, còn Hướng Trung là chú hai.
Hướng Ngọc Bình có ba con trai: Hướng Hồng, Hướng Quân và Hướng Hoa, tức là chú ba, chú tư, chú năm,…
Thêm vào đó là các thím dâu họ Hướng, và bảy người em gái ruột và họ hàng của Hướng Miễn…
Khiến cho người ta hoa cả mắt, đến lúc chào hỏi và nhận người trong tiệc rượu hôm nay, Diệp Huyên hoàn toàn không thể nhớ nổi ai với ai.
Tóm lại một câu: Quá, nhiều, người, rồi!
Diệp Huyên không nhìn xuể, đành phải giữ nụ cười tiêu chuẩn khi bước vào phòng.
Tinh thần của bà cố đã khá hơn nhiều, vừa nhìn thấy Diệp Huyên là ánh mắt liền cong cong, cười hiền hậu.
Bà cố nói năng cũng rất có lý: “Bây giờ người ta tổ chức tiệc cưới toàn ở nhà hàng, bà thấy như vậy chẳng có tí tình cảm nào, vẫn là tổ chức ở sân nhà mình mới ấm cúng.”
Hướng Chương Bình phụ họa: “Chắc chắn rồi, tổ chức ở nhà hàng vừa đắt đỏ, mình tự nấu nướng, vừa náo nhiệt vừa đúng chất.”
Bà cụ bảo Diệp Huyên và Hướng Miễn ngồi bên cạnh mình, nhìn ngắm Diệp Huyên từ trên xuống dưới: “Xinh thật đấy, ánh mắt của chắt trai bà đúng là không tệ.”
“Sau này cứ sống tốt với nhau là được rồi, nhà chúng ta chẳng có gì nhiều, chỉ là nhà to một chút.”
Khi bà cụ nói câu này, Diệp Huyên rõ ràng thấy khóe miệng thím Hai hơi nhếch lên một cái.
Tứ hợp viện tuy rộng thật, nhưng chia cho từng gia đình nhỏ thì lại chẳng được bao nhiêu. Hiện tại, thím Hai và chú Hai đang ở căn phòng phía sau thời xưa vốn là nơi ở của người hầu, nên thím Hai vẫn luôn không vui.
Giờ Hướng Miễn cưới vợ, bà cụ liền bảo con trai cả dọn sang phòng ở phía Đông, nhường lại phòng chính phía Đông đẹp nhất cho chắt trai làm phòng tân hôn, thiên vị một cách rõ ràng.
Thím Ba, thím Tư, thím Năm là thím của Hướng Miễn bên nhánh họ hàng xa hơn, tình cảm tuy không thân thiết, nhưng họ cũng có lời ra tiếng vào về chuyện bà cụ cưng chiều Hướng Miễn.
Đặc biệt là thím Năm, mới về nhà chồng được hai năm mà vẫn chưa có con, hiện đang chen chúc với chú Năm trong một căn phòng nhỏ ở góc cửa chính, vốn là phòng học của thầy đồ ngày xưa.
Miệng thì ai cũng khách sáo, nhưng Diệp Huyên cảm thấy rõ ràng: một đại gia đình lớn như vậy, ai cũng có suy tính riêng, sau này mà có chuyện tháo dỡ, bán nhà hay gì đó… chắc chắn sẽ xảy ra tranh giành…
*
Sau bữa cơm tối, mấy bà thím cùng nhau dọn dẹp bát đũa trong nhà. Diệp Huyên thì ngồi uống trà, nói chuyện phiếm với bà cụ.
Bà cụ hỏi: “Ngày mai con về nhà bố mẹ à?”
Diệp Huyên: “Theo kế hoạch thì là vậy ạ. Ngày mai là Chủ nhật, con về nhà một chuyến, thứ Hai còn phải đi làm.”
Trong phòng mọi người trò chuyện rôm rả, còn ngoài sân, bên bồn rửa cũng sôi nổi chẳng kém.
Nhà bếp công cộng nằm sát phòng tân hôn ở phía Nam, trước cửa có xây một hàng bồn rửa sát tường ngăn, dùng để rửa rau, rửa bát, đánh răng, rửa mặt, giặt giũ…
Phía đối diện nhà bếp, sát phòng ở phía Tây là phòng tắm và nhà vệ sinh, nhìn chung khá tiện nghi.
Đêm đông tháng Chạp lạnh buốt, hơi lạnh bao trùm cả tứ hợp viện. Bên bồn rửa, các bà thím làm việc nhanh nhẹn, vừa rửa bát vừa tám chuyện rôm rả.
Thím Hai nói: “Phải nói là, cháu dâu đúng là đẹp thật.”
Thím Ba thì lẩm bẩm: “Nhưng các chị thấy hai đứa nó có sống được với nhau lâu dài không?”
Thím Tư: “Bây giờ là thời nào rồi, sinh con rồi cũng có thể ly hôn mà.”
Thím Hai hạ thấp giọng: “Suỵt, nhỏ tiếng thôi.”
Bà nội Hai múc ít nước nóng đi ra từ trong bếp, lắc đầu: “Ngày vui mà cũng không biết kiêng kỵ, toàn nói linh tinh. Để bà cụ nghe thấy thì các chị biết tay đấy.”
“…”