Phát Sóng Trực Tiếp Cuộc Sống Kỳ Dị Của Tôi Ở Giới Quái Đàm [Vô Hạn]

Chương 8

Khi cô lật sang trang sau, nạn nhân đầu tiên của phòng thi này xuất hiện.

Nạn nhân đó có một thói quen không tốt, đó là khi căng thẳng sẽ vô thức liếc nhìn bài của người xung quanh, đúng lúc cậu ta ngẩng đầu lên, giám thị chính quay lại và nhìn thấy ánh mắt của cậu ta.

Giám thị chính đi đến trước mặt cậu ta: "Em vừa nhìn bài của người bên cạnh đúng không?"

Cậu ta vội nói: "Em không có! Em không nhìn thấy gì hết!"

Giám thị chính khẽ cười khẩy: "Em đã vi phạm quy tắc, em học sinh."

Lời giám thị chính vừa dứt, An Tây liền nghe thấy tiếng cơ thể bị thứ gì đó chém nát.

Nhiệt độ trong phòng thi lập tức giảm xuống.

An Tây chỉ ngẩng đầu liếc nhìn để xác nhận tình hình, cô thấy giám thị chính đang đứng trước mặt nam sinh đã chết. Mặc dù cô không nhìn thấy chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng cậu trai đó chắc chắn đã vi phạm một điều khoản nào đó trong quy tắc thi đại học, hoặc là bị phán xét là đã vi phạm một điều khoản nào đó.

Tay cô vẫn tính toán không ngừng, đồng thời nhanh chóng nhớ lại các quy tắc thi.

Nếu không nhầm thì điều 9 có nhắc đến "Thí sinh dự thi đại học phải nghiêm túc tuân thủ quy chế phòng thi. Không được phép mạo danh, nói chuyện riêng, nhìn bài của người khác, mang và sửa chữa bài làm. Người vi phạm sẽ bị coi là gian lận thi cử, và sẽ bị hủy bỏ tư cách dự thi ngay lập tức, bị đuổi khỏi phòng thi."

Vừa nãy khi giám thị chính chất vấn nam sinh kia, cậu ta đã lập tức trả lời.

Nếu nam sinh này thực sự vi phạm điều 9, bị coi là gian lận, thì đáng lẽ cậu ta phải bị đuổi khỏi phòng thi, chứ không phải chết ngay tại chỗ.

Nếu không phải vi phạm quy chế gian lận, vậy cậu ta đã vi phạm điều khoản nào?

Lẽ nào... khi giám thị chính nói, giọng cậu ta quá lớn, hoặc là không được phép trả lời trực tiếp?

Chẳng lẽ là điều 7?

Những người kinh hãi kêu lên trước đó, chính là vì làm ảnh hưởng đến trật tự phòng thi mà bị phán xét là vi phạm quy tắc.

Nếu nói rằng giáo viên hỏi, học sinh trả lời đều bị coi là làm ảnh hưởng đến trật tự phòng thi, vậy thì phải dùng cách nào mới có thể trả lời giáo viên mà không vi phạm quy tắc?

An Tây vừa suy nghĩ về quy tắc, vừa làm bài.

Cô làm xong câu hỏi nhỏ thứ hai của bài toán lớn thứ ba, bắt đầu làm câu hỏi nhỏ thứ ba.

Lúc này, đôi giày cao gót đó lại xuất hiện trên sàn nhà trước mặt, giám thị chính lại đi đến gần cô.

An Tây hoàn toàn không ngẩng đầu, chỉ liếc mắt nhìn rồi lập tức tiếp tục làm bài.

"Em học sinh, em vừa nãy cứ nhìn ngang nhìn dọc, là đang nhìn trộm đáp án của người khác đúng không?" Giọng cô ta hướng về phía An Tây, ngữ điệu dịu dàng, nhưng lại mang theo vẻ uy nghiêm không thể chống cự.

An Tây: "..."

An Tây không muốn để ý đến cô ta.

Nhưng, cô ta là giám thị chính, nếu hoàn toàn không để ý đến cô ta, dù có đúng quy tắc, cô ta cũng sẽ khó chịu vì An Tây không hợp tác, từ đó lại nhắm vào cô.

Bài thi trước cô đã bị nhắm vào rồi, bài thi này cô làm bài vừa nhanh vừa tốt, cô phải tránh bị tiếp tục nhằm vào, như vậy mới có thể nộp bài sớm mà rời đi.

Cô phải nghĩ cách khiến giám thị chính tạm thời không để ý đến mình, dù sao cũng không thể từ chối trả lời.

Vậy thì, cô cần phải làm gì, dùng cách nào mới có thể trả lời câu hỏi của vị giám thị chính này mà không vi phạm quy tắc?

An Tây nhớ đến điều 4 của quy tắc.

"Thí sinh có thắc mắc về đề thi, không được hỏi giám thị; nếu phát hiện đề thi bị phát không đúng, chữ viết không rõ ràng và các vấn đề khác không liên quan đến nội dung bài thi (không được yêu cầu giám thị giải thích ý nghĩa của câu hỏi), thí sinh có thể giơ tay hỏi, giám thị có thể trả lời công khai."

Cô có thể đặt câu hỏi.

Đúng rồi, đôi khi đặt câu hỏi cũng là một cách trả lời!

An Tây lập tức giơ tay, nhìn về phía giám thị.

Người phụ nữ kia thấy cô giơ tay lên, không khỏi nhướng mày, rồi hỏi: "Có vấn đề gì?"

An Tây liền hỏi: "Thưa cô, cô vừa hỏi em có nhìn thấy đáp án của người bên cạnh không, xin hỏi cô có bằng chứng gì không ạ?"