Tin đồn lan nhanh hơn gió tháng ba.
Không ai rõ ai là người khơi mào, nhưng chỉ trong vòng ba ngày, khắp trấn nhỏ đã xôn xao chuyện nhà họ Từ thuê toàn quả phụ và người già để làm trà. Có người chậc lưỡi bảo “làm phúc cũng phải có chừng”, có kẻ lại mỉa mai: “Nữ nhi khắc chồng đi giúp đàn bà xui xẻo, tổ thành cái xưởng ủ mùi tang tóc.”
Ở đầu chợ, bà Tứ vừa bán chè vừa nói như rắc muối: “Từ Mộ Dung đó, trước khắc phu, giờ thì khắc cả xưởng trà! Tui nghe nói trà nhà cô ta giờ chẳng ai dám uống!”
Đám đàn bà bu lại, kẻ thêm người bớt.
“Có mùi lạ lắm. Chắc do mấy bà già già lụ khụ, tay run bỏ nhầm lá thối vào trà.”
“Chưa kể… nghe nói còn ướp hoa. Trà gì mà đàn bà đến mức đó, có khác gì nước ngâm tóc?”
Tin tức đến tai Mộ Dung không lâu sau đó. Nàng đang ngồi thử mẻ trà mới với hai bà cụ thì tiểu nhị xưởng vội vã chạy vào, mặt tái mét, lắp bắp mãi mới thốt nên lời.
"Mộ Dung cô nương… đơn hàng nhà Lý viên ngoại bị trả rồi.”
Mộ Dung khựng tay, tách trà trong tay khẽ rung. “Lý viên ngoại?”
“Vâng… ông nói trà có mùi lạ, như mùi son phấn… nghi không sạch sẽ.”
Một tràng im lặng. Những lời ấy, chẳng khác nào lưỡi dao cứa vào lòng bàn tay đang nắm chặt.
Mộ Dung đặt tách trà xuống. “Được rồi. Ta sẽ đi gặp ông ấy.”
Trong xưởng, không khí như đặc lại. Vài bà cụ lặng lẽ gói đồ, có người nhét mấy đồng lẻ vào tay Mộ Dung khi nàng trở về.
“Cô để mấy người chúng tôi nghỉ một thời gian đi. Không muốn liên lụy cô.”
Một bà khác ngập ngừng: “Cô tử tế, nhưng... người ngoài họ không hiểu. Cứ nói tụi lão già này đem vận rủi đến cho cô. Nghe đau lắm.”
Mộ Dung không nói gì. Nàng chỉ đứng đó, ánh mắt dịu mà lạnh. Sau một hồi lâu, nàng mới cất lời: “Có phải người ngoài nói, là các vị tin? Các vị quên mất rồi à? Chính các vị đã làm nên hương vị trà mà bây giờ ta đang bán.”
Một cụ bà ngẩng đầu, giọng nghẹn: “Nhưng họ không chịu uống, cô nương ơi. Không ai chịu uống nữa…”
“Thì ta sẽ tìm người khác uống.” Mộ Dung mỉm cười, nhưng giọng nàng sắc như dao: “Một lần bị trả, không có nghĩa là mãi mãi bị chối bỏ.”
Một lúc sau, nàng ngồi xuống giữa xưởng, mở quyển sổ, tay cầm bút: “Ta cần danh sách những người giỏi hái hoa, ai có thể ướp trà chính xác nhất, ai đã từng học chữ, ai có thể ghi sổ phụ ta. Từ mai, ta dạy các vị cách ghi nhãn trà và phân loại.”
Một bà run run hỏi: “Cô… cô không định bỏ tụi già này à?”
Mộ Dung nhìn họ, ánh mắt nghiêm túc đến mức khiến cả xưởng im phăng phắc.
“Ta không thuê các vị vì thương hại. Ta thuê vì ta tin các vị làm được. Đừng để mấy lời rẻ rúng khiến ta thấy mình đã nhìn lầm người.”
Buổi tối hôm ấy, Mộ Dung đến thăm mẹ.
Phu nhân họ Từ đang thêu bên ánh đèn dầu. Thấy con gái đến, bà nhướng mắt: “Lại có chuyện gì nữa sao?”
Mộ Dung ngồi xuống đối diện bà, không vòng vo: “Mẹ, con muốn mang trà đến hội chợ xuân năm nay.”
Phu nhân thở dài: “Chợ lớn à? Con nghĩ mình có thể chen vào giữa bao nhà buôn danh tiếng sao?”
“Không cần chen. Chỉ cần đứng một góc. Chỉ cần người ta nếm thử.”
Bà đặt khung thêu xuống, giọng dịu đi: “Mộ Dung, con đã chịu khổ đủ rồi. Mẹ biết con thông minh, nhưng không phải cái gì cũng dùng đầu mà thắng được. Có những lời đồn, càng chống lại càng bị ghét hơn.”
Mộ Dung không đáp. Nàng đứng dậy, gập người thật sâu.
“Con hiểu. Nhưng lần này, con nhất định đi. Nếu không, những người ở xưởng kia sẽ chẳng còn lý do gì để tin vào con.”
Ba hôm sau, một xe trà nhỏ rời khỏi trấn, theo hướng về chợ Xuân Phồn Hoa.
Trên xe, ngoài Mộ Dung và tiểu nhị, còn có mấy hòm gỗ thơm được chèn cẩn thận, từng hòm chứa đầy những mẻ trà ướp hoa – thứ bị gọi là “nước đàn bà”, “trà son phấn”.
Nàng không sợ. Vì nàng biết, khi người ta chưa hiểu thì sẽ dè bỉu. Nhưng khi đã nếm rồi, vị trà sẽ tự lên tiếng.
Chiều xuống, khi trấn chìm trong màu ráng hồng nhạt, bà Nhị – một trong những quả phụ đầu tiên bước vào xưởng trà họ Từ – đứng giữa sân, lặng lẽ đun nước.
Hơi nước bốc lên, bà đặt vào ấm một nhúm trà nhài, rót nước sôi, đậy nắp.
Một bà cụ khác hỏi nhỏ: “Làm gì thế?”
Bà Nhị khịt mũi: “Ta đang đợi. Mai hay mốt gì đó, con bé kia sẽ về. Nhớ mà trải chiếu, bày ấm, tiếp khách. Phải để người ta thấy, quả phụ cũng biết đón người tử tế.”
Mọi người cười. Một nụ cười nhỏ thôi, nhưng chân thật, và ấm như chén trà trong tay bà Nhị.