Lý Sự Tung Hoành Thập Niên 70

Chương 3

Tống Tri Nam điềm nhiên nhét tờ tiền vào túi.

Chủ thân thể này là một cô gái mười lăm tuổi, vậy mà trong tay chẳng có nổi một xu tiêu vặt, trong khi hai anh em trai thì luôn được cho đều đều. Có không ít lần cô ngỏ ý xin bố mẹ nhưng đều bị họ lờ đi. Thế mà lần này mới dọa Tống Thượng Tiến một phen đã được ông ta cho hẳn một tệ.

Theo ký ức của nguyên chủ, có một lần chị cả về nhà thấy em gái tội quá nên đã cho cô năm hào, nhưng cuối cùng bị em trai Tống Đông Bảo cướp hết. Cô tức mình giằng co với em, thế là bị cả bố lẫn mẹ hợp sức người đánh người chửi cho một trận.

Nhưng đó vẫn chưa phải là chuyện bất công nhất. Những năm này có chính sách là trong gia đình đông con, nếu có nhiều đứa con chưa lập gia đình hoặc thất nghiệp, thì chỉ được một người ở lại thành phố.

Vì vậy chị hai Tống Tri Hạ để không phải xuống nông thôn đã nhanh chóng vớ được một người tuy xấu nhưng gia cảnh tốt, rồi lén lút đi đăng ký kết hôn – cưới rồi nên dĩ nhiên được miễn. Tống Đông Bảo còn đi học nên nghiễm nhiên không phải lo. Anh hai Tống Thu Thực đã tốt nghiệp cấp ba nhưng không muốn đi.

Vì vậy suất ấy rơi lên đầu người ít được coi trọng nhất: Tống Tri Nam.

Nguyên chủ Tống Tri Nam không muốn xuống nông thôn bởi cô muốn học tiếp cấp ba, nhưng gia đình kiên quyết phản đối. Cô gái nhỏ dù có vùng vẫy phản kháng thế nào thì cũng vô vọng, vì vậy cô ôm uất ức rồi phát bệnh. Khi đó chính là lúc Tống Tri Nam xuyên tới.

Mà dĩ nhiên Tống Tri Nam này cũng không muốn xuống nông thôn.

Nông thôn vài chục năm sau còn chưa dễ dàng cho một cô gái, nói gì thời kỳ chưa diệt trừ hết lối sống luật rừng này. Ở nơi đó phụ nữ là tầng lớp thấp, những cô gái nhỏ thân cô thế cô như Tống Tri Nam lại càng là món mồi ngon cho bọn lưu manh.

Kiểu gì nhà này cũng có người phải đi, mà Tống Tri Nam không muốn, vậy cứ để cho Tống Thu Thực thôi. Đàn ông con trai mà, phải rèn luyện nhiều mới thành người.

Nói mới nhớ, hình như nhà này chưa đi đăng ký, thế là Tống Tri Nam quyết định ra tay giúp anh trai một phen. Anh em mà, đỡ đần nhau được cái gì thì làm thôi.

Cô vào phòng bố mẹ tìm sổ hộ khẩu, thấy trong ngăn kéo có ít tiền lẻ thì tiện thể vơ luôn một nắm nhét vào túi. Lấy tiền nhà mình thì sao gọi là trộm được, em trai lấy được thì tại sao cô lại không thể?

Nhắc tới đứa em, Tống Tri Nam vẫn ghim việc nó cướp tiền của mình. Thế là cô vào phòng chung của cậu ta và anh ba rồi lục tung mọi ngóc ngách lên. Tìm được tổng số tiền gần một tệ và phiếu lương thực hai cân, được, cô thu hết.

Trên giá có sách cấp ba của Tống Thu Thực vẫn còn mới đến chín phần mười, cô thuận tay bê về phòng luôn. Tuy chị hai Tống Tri Hạ cũng đã học xong cấp ba, nhưng vừa tốt nghiệp thì sách cũng đem bán, do vậy cô có muốn đọc thì cũng chẳng còn cuốn nào.

Tống Tri Nam cầm sổ hộ khẩu ra khỏi nhà, dựa theo trí nhớ đi đến ủy ban khu phố.

Tới nơi cô cũng không cần hỏi han nhiều, bởi đã thấy ngay tấm biểu ngữ đỏ rực treo trước Văn phòng Đoàn Thanh niên: "Đất rộng trời cao, sức người thỏa chí. Nông thôn thành thị, một thể đồng tâm. Chiến sĩ nhân dân, học nơi quần chúng.”

Bàn làm việc của Văn phòng Đoàn Thanh niên đã được chuyển ra ngoài, nơi đó đang có một đám người vây quanh.

Tống Tri Nam không chen vào được, liền đứng bên ngoài lớn tiếng nói: “Đồng chí, tôi muốn đăng ký về nông thôn.”

Vừa hô xong thì nghe bên trong có một nữ đồng chí lớn tiếng đáp lại: “Người muốn đăng ký thì vào trong này, mọi người đừng đứng chắn cửa, để người ta còn vào làm thủ tục.”

Nghe vậy, mọi người dần dần nhường ra một lối đi nhỏ, Tống Tri Nam nghiêng người chen vào. Bên trong có hai người làm việc, một nam một nữ. Nam là một thanh niên khoảng hai mươi, nữ thì khoảng ba mươi, tóc ngắn gọn gàng.

Nữ cán bộ đang cúi đầu sắp xếp giấy tờ, ngẩng lên nhìn Tống Tri Nam một cái rồi hỏi: “Đồng chí nhỏ, em muốn đăng ký về quê à?”

Tống Tri Nam rút sổ hộ khẩu ra: “Em đăng ký thay anh em. Anh ấy tên là Tống Thu Thực, mười tám tuổi, vừa tốt nghiệp cấp ba. Anh ấy nhiệt tình mong được đến nơi Tổ quốc cần nhất, để cống hiến tuổi xuân.”

Lời đó nữ cán bộ không có gì hoài nghi cả, đúng là thời này có rất nhiều thanh niên nhiệt huyết, đã quyết tâm đi thì cha mẹ cũng không cản nổi.

Nhưng cô vẫn phải hỏi: “Sao anh em không tự tới đăng ký?”

Kỳ thực Tống Tri Nam không chắc có thể đăng ký hộ người khác hay không, cô cân nhắc rồi đáp: “Anh trai em vốn định tự đến nhưng nửa đường gặp bạn tới gọi đi. Bạn của anh ấy cũng sắp xuống nông thôn, họ sau này mỗi người một phương, không biết bao giờ mới gặp lại.”

“Anh em muốn tranh thủ chút thời gian còn lại cho bạn bè, vì thế mới bảo em đi đăng ký hộ. Nhưng nếu việc thay mặt không đúng quy định thì thôi, em sẽ nói anh trai em hôm khác tự mình đến làm.”

Tống Tri Nam tỏ vẻ không bận tâm, một bộ cho thì tốt, không cho thì em về, có gì quan trọng đâu. Nữ đồng chí nọ thấy thái độ của cô như vậy thì càng yên tâm. Chứ nếu cô tỏ ra phải nằng nặc đăng ký cho bằng được thì họ mới thấy bất thường.

Tống Tri Nam giả vờ định rời đi, nữ cán bộ tóc ngắn lập tức gọi lại: “Khoan đã, ghi danh hộ người nhà không có vấn đề gì cả, em lại đây đăng ký đi.”

Việc vận động người thành phố xuống nông thôn đã khó khăn rồi, hiếm lắm mới có người tình nguyện còn chủ động đến đăng ký thì sao họ bỏ qua được. Dù ở trên quy định là đích danh người đi tới ghi tên, nhưng trường hợp bận quá, em gái đến làm hộ thì vẫn linh động được.

Tống Tri Nam nhanh tay điền xong biểu mẫu, còn cố tình ghi thêm nguyện vọng là muốn đến Bắc Đại Hoang ở Hắc Long Giang cống hiến. Nơi đó mai sau trong tương lai là vựa lúa lớn của cả nước đấy, đang rất cần người như anh trai cô tới góp sức.

Điền xong biểu mẫu, cô thuận miệng hỏi: "Đồng chí ơi đợt thanh niên trí thức này khi nào sẽ xuất phát?"

“Ba hôm nữa, bảy rưỡi sáng, sẽ có thông báo cụ thể sau.”

“Được, cảm ơn đồng chí.”