Nhưng vở kịch duy nhất cô từng nghe chỉ là "Hồng Đăng Ký" và "Trí Thủ Uy Hổ Sơn" thường được phát trên đài phát thanh mấy năm trước mà thôi.
"Bộp." Gói đậu phộng rang tỏi ớt Thịnh Mộ Hòe cầm trên tay rơi xuống đất.
Cô gái không xa và người đàn ông được gọi là "chú Mạnh" lập tức phát hiện ra cô.
Hai người quay đầu lại, chú Mạnh thu lại nụ cười trên mặt, ngay cả sợi lông trên nốt ruồi cũng dựng đứng lên, lớn tiếng nói: "Con bé ở đâu tới đây? Mau bỏ tay ra khỏi đồ nghề! Rách hỏng mày đền nổi không?"
Vừa nói ông ta vừa đẩy cô: "Đi đi đi, mau ra ngoài!"
Thịnh Mộ Hòe bị đẩy suýt ngã, nhưng không chịu đi, ưỡn ngực nói: "Nhà cháu ở đây, các bác là ai?"
Nhìn rõ khuôn mặt Thịnh Mộ Hòe, động tác của chú Mạnh khựng lại, trong lòng nghĩ: "Con bé này hóa trang lên chắc chắn là một đào hát đẹp."
"Chú Mạnh, chú đừng đẩy con bé. Em gái, em bị lạc đường à? Chỗ này trước kia là một cái nhà kho cũ, đoàn Kinh kịch Phượng Sơn bọn chị đã thuê lại rồi, hai ngày nữa cả đoàn sẽ chuyển đến đây, sao em lại ở đây?" Đinh Tiếu Lan đứng giữa Mạnh Đông Huy và Thịnh Mộ Hòe, khom người hỏi cô.
Thịnh Mộ Hòe chưa kịp mở miệng, giọng nói khàn khàn của ông nội vang lên phía sau: "Đứa bé này là cháu gái tôi."
"Ông nội!" Thịnh Mộ Hòe lập tức quay người lại.
Ông nội mặc chiếc áo vải xanh đã sờn nhưng giặt rất sạch, sắc mặt hơi u ám, khiến vết sẹo đỏ au trên mặt càng thêm dữ tợn.
"Ra là cháu gái của bác Thịnh." Đinh Tiếu Lan nói.
Ông nội không đáp lời, cũng không để ý đến hai người kia, nắm tay cô đi về phía căn phòng nhỏ cũ nát bên cạnh cổng lớn.
Thịnh Mộ Hòe khó hiểu ngước nhìn, nhưng lại thấy trong đôi mắt luôn sáng ngời của ông nội có một thứ cảm xúc phức tạp mà cô không thể hiểu được.
"Lão già giữ cửa kia!" Mạnh Đông Huy hét lên: "Ông trông coi cháu gái ông cho cẩn thận, đồ nghề ở đây của chúng tôi đều quý giá, là bảo bối của trưởng đoàn đấy, lỡ mà đυ.ng hỏng thì cả nhà các người đền không nổi đâu!"
"Ông..." Thịnh Mộ Hòe muốn quay đầu lại, nhưng tay ông nội siết chặt tay cô, kéo cô vào nhà.
Vừa vào nhà, ánh sáng liền tối đi nhiều. Ánh mặt trời cũng không xuyên qua được tấm kính ố vàng và lớp báo dày dán trên những chỗ kính vỡ.
"Ông nội, đây là đậu phộng con mua cho ông." Vừa bước vào cửa, Thịnh Mộ Hòe đã đưa túi đậu cho ông nội.
Ông nội nhìn Thịnh Mộ Hòe, vẻ mặt vô cùng phức tạp, xoa đầu cô: "Con ngoan."
Thịnh Mộ Hòe dụi người tới nhón một hạt đậu phộng, trước tiên mυ'ŧ hết vị mặn trên vỏ, rồi chậm rãi nhai, cuối cùng nuốt xuống: "Ông nội, bên ngoài có chuyện gì vậy? Họ thật sự sẽ chuyển vào cái nhà kho lớn đó sao? Sau này chúng ta có hàng xóm rồi đúng không ông?"
Trẻ con mà, dù thế nào cũng thích náo nhiệt.
"Bọn họ là một đoàn hát tư nhân, thuê cái nhà kho này. Lão Lý đã thương lượng với trưởng đoàn của họ rồi, sau này chúng ta vẫn có thể ở đây, bình thường khi họ đi diễn thì giúp họ trông coi cửa." Lão Lý chính là chủ nhà kho. Ông nội dừng một chút, rồi lại nghiêm giọng nói: "Họ là họ, mình là mình. Sau này con tan học về nhà ngay, đừng tiếp xúc nhiều với họ, biết chưa?"
"Nhưng mà..." Thịnh Mộ Hòe muốn kể về cảm giác kỳ lạ vừa rồi của mình, nhưng ông nội đã nghiêm mặt: "Ăn cơm xong thì đi làm bài tập, điểm giữa kỳ của con tụt xuống thứ mười lăm của lớp rồi đấy."
Thịnh Mộ Hòe không nói gì, cô không kể với ông nội rằng Vương Minh và Lý Đại Hồng luôn quấy rối cô trong giờ học, hết giành bút chì, vở, vẽ bậy lên sách giáo khoa của cô, lại còn xô ghế, ép bàn cô. Nhưng nếu có tiếng động, thầy cô luôn mắng mỏ chỉ mình cô.
Sự bất công như vậy, một đứa trẻ chín tuổi cũng không biết phải làm sao, cô chỉ biết không thể nói với ông nội, không thể khiến ông lo lắng.