Nữ Giả Nam Trang: Hạ Dược Thái Tử Hắc Liên Hoa

Chương 2: Có mai phục

Đêm qua vốn là sinh thần của tam công tử nhà Thứ sử Nam Châu, đám con cháu thế gia được mời đến chúc mừng, bao trọn hoạ phường lớn nhất Nam Châu, mời ca cơ nổi tiếng của Xuân Phong lâu cùng đoàn hát Lê Hương Viên đến góp vui.

Trong tiệc chẳng rõ là ai đã chọn vở “Hoàn quân minh châu”, kể về hai đứa trẻ sơ sinh bị tráo đổi, công tử thật bị lưu lạc chốn dân gian chịu muôn vàn khổ ải, còn công tử giả thì lấy giả tráo thật, được nuông chiều trong phủ công khanh. Công tử giả lo sợ bị lộ thân phận, mấy lần ra tay hãm hại công tử thật, cuối cùng công tử thật sau muôn trùng sóng gió đã vạch trần âm mưu, đoạt lại thân phận vốn có của mình.

Tống Chiêu vốn không hứng thú với hí khúc, vậy mà lại bị làn điệu bi thương và câu chuyện éo le ấy cuốn hút, vô thức uống thêm vài chén, đến lúc xuống thuyền thì chân tay đã chẳng nghe theo sai khiến.

Trên xe ngựa trở về phủ, nàng mới dần nhận ra hàm ý phía sau vở kịch về công tử thật giả kia.

Ai ai cũng biết, Thái tử đương triều sinh ra nơi dân gian, đến năm sáu tuổi mới được tìm thấy và đưa trở lại hoàng cung. Tin đồn xoay quanh thân thế của Thái tử, rằng liệu có thực là con của chính cung hay không vẫn ngấm ngầm lan truyền trong giới thế gia đại tộc.

Nhưng Hầu phủ bọn họ chưa từng hé răng về những lời dị nghị đó, chỉ vì năm xưa chính phụ thân nàng, Trung Dũng Hầu là người đã tìm được Thái tử ở Nam Châu và đưa ngài hồi kinh.

Người ngồi trên họa phường hôm nay đều là con cháu các gia đình quan lại lớn nhỏ ở Nam Châu, trong mắt người ngoài thì toàn là hạng ăn chơi. Vậy vở kịch ấy là cố tình diễn cho ai xem, hay chỉ là trùng hợp?

Xe ngựa chạy tới một con hẻm dài, vắng lặng ở phía tây thành thì bất chợt gió lớn nổi lên, mưa như trút nước ập xuống.

“Thế tử, có thích khách!” Tâm phúc Kinh Mặc bất chợt thét lên.

Trong màn đêm, mấy kẻ mặc đồ đen bịt mặt, tay cầm đoản đao, như sét đánh không kịp bưng tai lao lên tấn công.

“Các ngươi là ai, dám cướp xe ngựa của Trung Dũng Hầu phủ?”

“Người chúng ta muốn gϊếŧ là Tống Yến.”

Sắc mặt Tống Chiêu lập tức trắng bệch, bảy năm rồi mới lại có người gọi tên A đệ như thế một lần nữa. Tim nàng đập dồn dập như trống trận, con dao găm giấu trong tay áo bị siết chặt đến trắng bệch các đốt ngón tay.

Tống Yến là đệ đệ song sinh của Tống Chiêu. Bảy năm trước, vào đêm Thượng Nguyên tại Kinh Đô, hai người cùng nhau đi thưởng đăng, chẳng ngờ bị một toán người mặc áo đen tập kích. A đệ vì bảo vệ nàng mà trọng thương, ngã xuống trong vũng máu.