Phần đất đào ra vừa khéo dùng để đắp thân lò. Đường Tranh gom đất thành một đống, khoét lõm ở giữa, dùng bát gốm múc nước suối đổ vào, sau đó đẩy thêm đất bên ngoài vào, để Sơn giẫm nhuyễn.
Chỗ đất khô đào hôm trước còn chưa dùng hết, trộn thêm vào gần như vừa đủ. Thấy đất đạt độ dẻo, cô bảo Sơn dừng lại, nắm một khối to nắn vài lần rồi đắp quanh đế lò. Cô dùng tay miết cho mặt lò phẳng đều. Vì một bên có rãnh, cô còn lấy thêm mấy cành cây mảnh lót lên, rồi mới đắp đất lên trên. Cứ thế đắp vòng quanh tạo thành một vành đất dày khoảng mười phân, sau đó cùng Sơn tiếp tục đắp cao lên theo từng lớp.
Lúc nhóm người đi săn và hái lượm quay về, thì lò đất của Đường Tranh và Sơn cũng vừa hoàn thành,mất nguyên một ngày trời vất vả mới làm xong.
Người đi hái lượm hôm nay thu hoạch vẫn dồi dào như mọi khi, có lẽ với từng này rau củ thì thêm nửa tháng nữa bước vào mùa tuyết cũng không cần lo.
Nhóm đi săn thì không may mắn lắm,e là lần trước dọa sợ đàn hoẵng, nên hôm nay không con nào dám ra suối uống nước. Mà do cả nhóm ngồi rình ở đó, thành ra cũng chẳng săn được loài nào khác.
Đào mang về cho Đường Tranh hai món,một đoạn ngắn của cây tre và một cây cải bẹ xanh.
Tre thì khỏi nói,ở đâu cũng là báu vật đa năng. Thực ra trước đó Đường Tranh cũng từng thấy tre, nhưng không để ý. Giờ được mang tận tay đến, đúng là vui mừng khôn xiết.
Cải bẹ thì nhìn hơi giống rau cải xanh, thường mọc to, dùng để muối chua cũng rất ngon. Cả hai món đều khiến Đường Tranh mừng rỡ như vớ được vàng. Bữa tối hôm đó, giữ đúng lời hứa, cô nấu cho Đào một bát súp nấm thơm ngào ngạt.
Ăn xong cơm tối, Đường Tranh đem chuyện mình đã suy nghĩ từ lâu nói với lão tổ mẫu,cô muốn nhận đệ tử, chính thức nhận Sơn làm học trò của mình.
Dù xuất thân là người hiện đại thế kỷ 21, nhưng Đường Tranh vẫn rất coi trọng mối quan hệ sư đồ truyền thống,thậm chí còn đặc biệt yêu thích nó. Sau mấy ngày quan sát, cô nhận thấy Sơn là người có tính kiên nhẫn, phẩm hạnh tốt, tư chất cũng không tệ. Dù là học trò học hỏi hay là người truyền dạy sau này, anh đều sẽ là một người rất đáng tin cậy.
Lão tổ mẫu không hiểu rõ khái niệm “sư đồ” là gì, nhưng bà hiểu “truyền thừa" một điều vô cùng quan trọng. Bà chăm chú lắng nghe lời Đường Tranh giải thích: “Con muốn làm rất nhiều việc, nhưng cần có người phụ trách riêng về gốm. Nung gốm là việc trọng yếu, không thể ai cũng học. Người học phải thề sống chết trung thành với bộ lạc, rồi đời đời truyền lại. Nếu để nhiều người biết, sau này dễ bị các bộ lạc khác đánh cắp.”
Lão tổ mẫu im lặng suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng gật đầu đồng ý. Bà cho người dựng đống lửa thật lớn, bảo mọi người yên lặng quây quanh một bên. Bà lấy loại nhựa cây xanh sẫm đặc biệt, vẽ hai đường lên má Đường Tranh, để cô ngồi ở phía bên kia. Sau đó, bà vào trong hang lấy ra tấm bia đá khắc totem của bộ lạc.
Bà đặt một cái đầu thú ngay trước bia,chính là cái đầu hoẵng hôm trước,rồi quanh đống lửa, lão tổ mẫu cùng Đường Tranh bắt đầu một điệu múa kỳ lạ. Vừa múa, bà vừa lẩm nhẩm những lời chú khó hiểu. Đường Tranh không nghe rõ, nhưng chắc là lời khấn xin tổ tiên phù hộ.
Mọi người xung quanh đều giữ im lặng tuyệt đối, quỳ ngồi trên mặt đất, thân mình cúi rạp sát đất.
Kết thúc vũ điệu kỳ dị, lão tổ mẫu giơ cây gậy kỳ quái,giống như phần xương sống của một loài vật nào đó,chấm nhẹ lên đầu Đường Tranh.
“Đi đi.”
Đường Tranh gật đầu, đứng dậy: “Sơn, lại đây.”
Sơn từ dưới đất bò dậy, tập tễnh bước đến trước mặt cô rồi quỳ xuống. anh không biết chuyện gì sắp xảy ra, nhưng anh nhận ra đây là một nghi lễ truyền thừa,chẳng qua người đứng trước anh không phải là lão tổ mẫu, mà là Chân.
Một người lớn quỳ trước một đứa trẻ thoạt nhìn có vẻ rất lạ lùng, nhưng không một ai tỏ ra ngạc nhiên hay phản đối,tất cả đều vẫn cúi mình, tỏ lòng kính trọng.
“Sơn, từ hôm nay trở đi, tôi nhận anh làm đệ tử, dạy anh làm gốm.”
Vừa dứt lời, Sơn ngẩng phắt đầu lên, gương mặt tràn ngập kinh ngạc xen lẫn vui mừng không sao kìm nén nổi. Sau lưng, có thể nghe thấy những tiếng trầm trồ khe khẽ.
Đường Tranh nhận cây gậy từ tay lão tổ mẫu, đặt nhẹ lên trán Sơn. Dù đang quỳ, anh vẫn cao gần bằng cô,đúng là khác biệt thể chất thật sự.
“Tôi là sư phụ của anh, dạy cho anh kỹ nghệ, để anh có một bản lĩnh nuôi sống bản thân, cống hiến cho bộ lạc. Còn anh là đệ tử của tôi, phải kính trọng tôi, nghe lời tôi.”
Đứa bé nhỏ nhắn đứng thẳng, nét mặt nghiêm túc, lời nói tuy lạ tai nhưng Sơn vẫn hiểu được đại ý, trong lòng chấn động mãnh liệt.
Trả gậy lại cho lão tổ mẫu, khuôn mặt nghiêm trang của Đường Tranh bỗng giãn ra, nở nụ cười: “Dập đầu ba cái với tổ tiên, rồi ba cái với tôi, gọi tôi một tiếng sư phụ.”
Sơn làm theo từng bước một cách nghiêm túc, dập đầu sáu lần kêu vang, trán đỏ ửng. Sau đó, anh ngẩng đầu, nhìn cô bằng ánh mắt rạng ngời: “Sư phụ!”
Một tiếng “sư phụ” vang lên rắn rỏi, đầy hạnh phúc.