Hơn hai tháng sau.
Đồn công an phường An Bình, Kinh thị.
Một chiến sĩ công an mới mặc bộ cảnh phục mẫu 83 màu ô liu, dáng người cao gầy nhưng rắn rỏi, tóc cắt ngắn gọn gàng, đang ngồi trên ghế nghiêm túc tiếp đón cư dân.
Người đàn ông này rất cao, khoảng 1m9, dù ở phương Bắc cũng thuộc dạng cao lớn vượt trội, ngồi trên băng ghế đã toát ra vẻ mặt nghiêm nghị, khiến người khác không dám trêu ghẹo.
Theo lý thuyết, đồn công an phường có người mới đến, các cư dân đều sẽ trêu ghẹo bắt chuyện vài câu.
Chỉ là người này rõ ràng diện mạo anh tuấn, nhưng cứ giữ bộ mặt nghiêm nghị, không chút biểu cảm, thật sự khiến người ta nhìn vào có chút e dè, không dám bắt chuyện làm quen.
Vì vậy, đồn công an ngày thường ồn ào náo nhiệt hôm nay lại yên lặng lạ thường, những cư dân vốn không mấy tuân thủ trật tự giờ phút này cũng răm rắp xếp thành hàng dài chờ đợi giải quyết công việc.
“Tôi nói rồi, tuổi tác không sửa được, người tiếp theo.” Trần Sầm mệt mỏi rã rời nhắc lại lần nữa, cây bút trong tay anh đã sắp bị bóp nát.
“Đừng mà, đồng chí công an trẻ, sao lại không sửa được chứ? Con gái nhà lão Vương Ngũ cách vách nhà tôi còn sửa được, sao nhà chúng tôi lại không được?”
Một bà cụ trông đã ngoài sáu mươi tuổi ngồi đối diện Trần Sầm, mặc cho người phía sau đã thúc giục, bà ta vẫn như không nghe thấy, ngồi lì trên ghế không chịu đi.
“Tôi nói rồi, muốn sửa thì phải có giấy khai sinh!” Giọng Trần Sầm đã khàn đi, anh gần như nghiến răng nói ra những lời này, yêu cầu này anh đã lặp lại không biết bao nhiêu lần.
Sự kiên nhẫn của anh sắp cạn kiệt, anh không dám tưởng tượng nếu bà lão này còn tiếp tục lằng nhằng, anh sẽ không nhịn được mà văng tục...
“Chúng tôi không có giấy khai sinh, nhưng cháu trai nhà tôi đúng là sinh năm 80, không phải 82."
"Đồng chí công an, cậu chỉ cần động tay sửa số 2 thành số 0 thôi, được không? Sao người khác được mà tôi lại không được? Ông trời ơi, ông xem bọn họ bắt nạt tôi, một bà già không biết chữ thế này này...”
Bà cụ khóc trời khóc đất, vừa lau nước mắt vừa bắt đầu thao thao bất tuyệt kể lể chuyện mình nuôi dạy con cái vất vả ra sao, bây giờ thân già này còn bị quan trên bắt nạt thế nào.
Trần Sầm đảo mắt lên trời, sắp đến ngày khai giảng rồi, đủ loại thành phần phức tạp đều mò ra.
Bà lão này vừa mở miệng đã đòi sửa năm sinh của cháu trai thành 1980, rõ ràng là để thằng bé năm nay có thể thuận lợi vào lớp một.
Tuy rằng mọi người đều ngầm hiểu chuyện sửa tuổi tác, thường cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng bà lão này không mang bất cứ giấy tờ gì đã chạy đến đồn công an đòi sửa tuổi trực tiếp thì đương nhiên phải làm theo đúng quy định.
Người xếp hàng phía sau đợi nửa ngày cuối cùng không nhịn được nữa, một bác gái trông rất ghê gớm chỉ vào mũi bà cụ mắng té tát:
“Bà già không biết điều này, bà định lằng nhằng đến bao giờ? Đồng chí công an người ta nói rồi, cần giấy khai sinh. Cháu trai nhà bà chẳng lẽ từ kẽ đá chui ra à? Không có thì biến đi, không thấy người khác còn đang chờ làm việc sao?”
Bản năng chiến đấu của bà cụ lúc này cũng bị đánh thức, hai tay bà ta ôm chặt lấy lưng ghế đang ngồi, ngang ngược nói: “Mụ đàn bà nhiều chuyện kia, ba mẹ mày không dạy mày phải kính già yêu trẻ à? Ghế này tao thích ngồi thì tao ngồi, mày quản được chắc?”
Cứ như vậy, hai người cãi nhau ỏm tỏi, màn đấu khẩu cũng rất có tính nghệ thuật, đáng xem vô cùng.
Trần Sầm nhìn nước miếng bay tứ tung, lặng lẽ đậy nắp chén trà của mình lại; anh nhìn hai người mày tới tao đi, vừa chửi vừa khoa chân múa tay, lén dịch ghế của mình lùi ra sau để tránh ảnh hưởng đến người vô tội là anh.
Anh nhìn đám đông cư dân xung quanh đang thích thú xem náo nhiệt, trong lòng thầm đếm từng giây.
Cuối cùng, kim đồng hồ cũng chỉ đúng 12 giờ.