Thập Niên 80: Hóa Ra Anh Ta Muốn Cùng Tôi Nói Truyện Yêu Đương

Chương 3

Lâm Nịnh lấy từ túi xách ra chiếc bánh bao đã nguội lạnh từ lâu, vừa bước nhanh về phía nhà sách Tân Hoa ở thành Đông, vừa cắn từng miếng lớn.

Cô không giống Lâm Diệu Tổ. Dù học hành không giỏi nhưng em trai vẫn được gia đình chu cấp để tiếp tục việc học.

Trái lại, cô trí nhớ không tốt, thi không đỗ cấp ba hay trung cấp, học xong cấp hai liền ở nhà.

Với bố mẹ cô — những người rời quê lên thành phố làm công nhân — đáng lý ra, con gái khi học xong cấp hai thì có thể tính đến chuyện kết hôn.

Nhưng khi thực sự bắt đầu suy xét vấn đề này, họ lại nhận ra rằng xung quanh rất ít người gả con gái đi sớm như vậy, trừ phi là gả về quê.

Trong mắt họ, Lâm Nịnh có hộ khẩu thành phố, diện mạo lại ưa nhìn, chắc chắn có thể tìm được một chàng rể giàu có. Vì thế, chuyện hôn nhân cứ tạm gác lại.

Nhưng hôn nhân bị trì hoãn đồng nghĩa với việc trong nhà lại có thêm một người vừa không đi học, vừa không có công việc, chỉ ăn không ngồi rồi. Khoảng thời gian đó, Lâm Nịnh sống vô cùng khổ sở.

Ngày nào cô cũng phải dậy từ năm giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng, đi chợ, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Buổi tối còn phải nấu cơm, rửa chén, lo tất cả việc trong nhà.

Nếu chỉ là việc nhà, cô vẫn có thể tự an ủi bản thân, dù sao gia đình cũng nuôi cô, làm việc nhà nhiều hơn một chút cũng là chuyện nên làm.

Nhưng ngoài những công việc đó, cô còn phải chịu đựng sự bất mãn của mẹ. Trong mắt bà, Lâm Nịnh là đứa vô dụng, chẳng làm được gì ngoài ăn.

Lâu dần, sự cam chịu cũng có giới hạn. Con người không thể cứ nhẫn nhịn mãi, một khi bị dồn ép đến đường cùng, ai mà biết được họ có thể làm ra chuyện gì.

Một năm trước, Lâm Nịnh đã làm một việc mà cô cho là táo bạo nhất từ trước đến nay — giấu gia đình, tự mình đi xin việc ở nhà sách Tân Hoa.

Năm đó, chuỗi nhà sách lâu đời này bắt đầu mở rộng hoạt động trên toàn quốc, chuyển đổi mô hình kinh doanh và tuyển dụng hàng loạt nhân viên.

Lương tháng 55 tệ, có chế độ biên chế nhà nước, yêu cầu nữ nhân viên phải có hộ khẩu địa phương, trình độ từ cấp hai trở lên, ngoại hình ưa nhìn.

Dưới những tiêu chí tuyển chọn nghiêm ngặt ấy, Lâm Nịnh may mắn vượt qua nhiều ứng viên khác để giành được một suất làm việc.

Chỉ có một điều không được như ý: cô đăng ký làm việc ở chi nhánh thành Tây, nhưng cuối cùng lại bị điều sang chi nhánh thành Đông, cách nhà khá xa.

Cô vẫn nhớ như in ngày nhận được thông báo trúng tuyển, đó là khoảnh khắc cô thấy tự hào nhất.

Cô háo hức muốn chứng minh với mẹ rằng bản thân không hề vô dụng, rằng cô có thể tự kiếm tiền để phụng dưỡng gia đình.

Nhưng đáp lại, mẹ chỉ nhìn cô bằng ánh mắt lạnh nhạt và chất vấn gay gắt. Cô vẫn nhớ câu nói như dao cứa vào tim của bà:

"Lớn rồi, có cánh cứng cáp rồi, chuyện lớn thế này cũng dám giấu. Về sau không biết còn dám làm ra chuyện gì nữa đây."

Cô từng nghĩ, có công việc rồi, ít nhất sẽ không còn phải gánh hết mọi việc trong nhà.

Nhưng sự thật không như mong đợi. Ngoài việc thỉnh thoảng giúp cô một số việc lặt vặt, mẹ vẫn để mọi công việc nhà chất đống, chờ cô tan làm về giải quyết.

Không những thế, vì nơi làm việc ở thành Đông, cô còn bị giao thêm nhiệm vụ đưa cơm cho em trai. Tiền lương hàng tháng cũng phải nộp hết, cô chỉ được giữ lại mười tệ làm tiền tiêu vặt.

Đừng nghĩ mười tệ là nhiều. Ở thành phố, cái gì cũng tốn kém. Một ngày cô phải đi bốn chuyến xe buýt, mỗi chuyến tốn năm xu, dù đã mua vé tháng cho rẻ hơn, nhưng riêng khoản này cũng đã mất năm tệ.

Số tiền còn lại chẳng đáng là bao. So với Lâm Diệu Tổ mỗi tháng được cho hai mươi tệ, tiền tiêu vặt của cô chẳng khác gì muối bỏ biển.

Nhưng mẹ cô luôn nói rằng em trai còn đang đi học, chi tiêu tốn kém, cô là chị thì nên nhường nhịn nó.

Đôi khi, Lâm Nịnh thấy hoang mang. Cô không hiểu vì sao mẹ lại hà khắc với mình như vậy, cứ tưởng đó chỉ là tư tưởng trọng nam khinh nữ mà thôi.

Nhưng ba tháng trước, vào ngày sinh nhật của Lâm Diệu Tổ, cô đã vô tình nghe được một chuyện khiến mình bàng hoàng.

Dù vậy, cô vẫn không dám chắc liệu bản thân có nghe nhầm hay không.

Mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, tâm trạng cô lại bức bối khó chịu.

Lâm Nịnh thất thần đứng ở trạm xe buýt, chờ chuyến xe số 301 đến.

Nhà sách Tân Hoa không có căng - tin, nhân viên phải tự lo cơm trưa, nên buổi trưa họ có hai tiếng nghỉ ngơi.

Chỉ riêng thời gian đi lại và việc nấu cơm đã chiếm hết phần lớn thời gian của cô. Nếu không đi xe buýt mà phải cuốc bộ, e rằng cô chẳng còn kịp quay về nhà sách đúng giờ.

Cô kiễng chân nhìn về phía cuối con đường, chờ đợi chiếc xe buýt màu xanh xuất hiện.

Nhưng xe buýt chưa thấy đâu, ngược lại, một chiếc ô tô màu đen lại lướt qua trước mắt cô.

Thời buổi này, dù là ở Kinh Thị, ô tô vẫn là thứ vô cùng xa xỉ. Vì thế, ánh mắt của Lâm Nịnh lập tức bị thu hút.