Mùa Xuân Thứ Hai Của Cá Mặn Thái Hậu

Chương 3: Mùa đông năm ấy cùng nhau săn bắn

Mùa săn năm ấy, Thái tử Trần Cẩm Tông hai mươi tuổi, Trình Hoài Chi mười chín, còn nàng mới tròn mười sáu. Khi đó, cả ba vẫn còn cùng theo học tại Quốc Tử Giám. Phụ thân nàng, Nguỵ Lạc Lạc, chính là phu tử của bọn họ, đồng thời cũng là Thái phó của Thái tử sau này.

Nguỵ Lạc là người nghiêm nghị, dáng vẻ nho nhã, để vài sợi râu dài. Ông không chỉ nghiêm khắc với Thái tử Trần Cẩm Tông và Trình Hoài Chi trong việc học hành, mà ngay cả nàng cũng không ngoại lệ.

“Nguỵ Hạnh Anh, lại để hai vị ca ca giúp con viết bài nữa à? Lần này là ai? Lần trước ta đã phạt con quỳ trong Phật đường vẫn chưa đủ hay sao? Sao con vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục lười biếng thế này?”

Ông đứng giữa chính đường, giọng quát nghiêm nghị, ánh mắt đầy trách cứ.

Sau một hồi im lặng, ánh mắt Nguỵ Lạc lướt qua y phục hôm nay của nàng, sắc giận càng bừng lên, đến mức bộ râu mép cũng như muốn dựng ngược. Giọng ông lạnh lùng:

“Công sức con bỏ ra để chải chuốt quần áo mỗi ngày, nếu dồn vào việc học hành, thì ta đâu cần phải ngày ngày trách phạt con thế này!”

Nàng vận một bộ váy màu vàng nhạt, váy lụa mềm thêu hoa xanh ngọc, tóc búi kiểu bách hợp, hàng lông mày cong thanh tú, dung mạo kiều diễm. Mọi thứ đều hoàn hảo, chỉ tiếc rằng đầu óc cũng không được lanh lợi cho lắm.

Bị phụ thân trách mắng, nàng chỉ ngơ ngác lắng nghe, chẳng biết nên phản bác thế nào. Nhưng có một điều nàng hiểu rõ — có thể không giỏi bài vở, nhưng tuyệt đối không thể phản bội đồng minh.

Hôm qua, Hoài Chi đã thay nàng viết bài luận suốt một canh giờ, còn cố gắng mô phỏng nét chữ của nàng. Chỉ tiếc rằng trình độ của nàng quá kém, phụ thân vẫn nhìn ra sơ hở.

Giữa lúc giằng co, một giọng nói trầm ổn vang lên từ ngoài cửa:

“Tiên sinh, là lỗi của học trò, vốn dĩ Hạnh Anh đã ngăn cản, là học trò tự cho mình là đúng xin tiên sinh chỉ phạt một mình học trò là được.”

Nguỵ Lạc Hạnh Anh ngước nhìn, dù ngày ngày gần gũi, nhưng vẫn có đôi lúc bị gương mặt tuấn mỹ vô song kia làm cho thất thần.

Chàng vận trường bào xanh khói, bên hông đeo đai ngọc xanh trúc. Làn da trắng nhợt hòa vào hình ảnh phản chiếu, hàng lông mày rậm rạp mà sắc nét. Thế nhưng, vẻ diễm lệ ấy lại bị khí chất cao ngạo, lạnh lùng áp chế, khiến người khác không dám khinh nhờn.

Nguỵ Lạc thở dài, nhìn đồ đệ đang quỳ thẳng trước cửa, lòng trăm mối tơ vò — vừa vui, lại vừa lo.

Vui vì chàng đối xử tốt với nữ nhi của mình, sau này dù là với thân phận nghĩa huynh hay phu quân, cũng có thể chăm sóc nàng.

Nhưng ông cũng không khỏi lo lắng — Hoài Chi vốn thiện lương, không tranh giành, không thích đấu đá chốn quan trường. E rằng sẽ sống một đời phiêu bạt tự tại, hoặc cùng lắm cũng chỉ làm một tiên sinh dạy học, thật đáng tiếc cho tài trí và mưu lược. Với năng lực ấy, đạt Trạng nguyên hay Thám hoa chỉ là chuyện trong tầm tay.

Nguỵ Lạc khẽ chau mày, trong lòng trĩu nặng nỗi ưu tư — Hạnh Anh từ nhỏ đã quen sống trong phú quý, liệu có thể thích nghi với cuộc sống thanh bần hay không?