Tiếng Vả Mặt Vang Vọng Núi Sông

Chương 19: Hắn sĩ diện

Thiết Hán Tài hạ giọng hỏi dò:

- Người ta còn cho những gì nữa?

- Cho… trứng…

- Tao biết trứng rồi. Cái khác đi. – Thiết Hán Tài mất kiên nhẫn, quá lên. – Còn cho gì nữa…

Tư Tư dỏng tai nghe xem con gái có kể thịt không.

Tịnh Hương ậm ừ một lát rồi reo lên:

- Muối nữa…

- Hết chưa?

- Hết rồi.

- Con ngốc, còn rau, mày đã kể đâu.

Tịnh Hương im lặng không nói nữa.

Thiết Hán Tài ghé sát hàng rào gọi:

- Này… Mày đi đâu rồi?

- …

Bé vẫn ngồi tại chỗ quạt khói nhưng không trả lời.

Thiết Hán Tài ghé mắt nhìn qua lỗ thủng hàng rào, quát:

- Tao hỏi, sao mày không trả lời.

- Lêu lêu…

Bé lè lưỡi ra trêu ngươi rồi chuyên tâm quạt khói, dù Thiết Hán Tài có nói gì, quát gì cũng không đáp nữa.

Tư Tư hài lòng, khoái chí vì con gái nghe lời. Bé đã nhớ kỹ lời cô, không được nhắc đến thịt, không nói nhà có thịt ăn kẻ bà nội và anh họ lấy mất.

Thiết Hán Tài cố gắng gỡ rào chui sang thì bị Thiết Đường, bố chồng cô, quát ầm lên:

- Thằng kia… vào nhà ngay… Muốn chết hả?

- …

Thiết Hán Tài vội chạy vào nhà, không dám cãi nửa lời.

Giờ cô mới nghe giọng bố chồng. Ổng vẫn ở nhà suốt, sao lúc cô cãi nhau với mẹ chồng không thấy ổng ló mặt ra?

Ngày thường Thiết Nghiêu biếu xén các kiểu, thái độ của ổng tốt lắm mà…

Nhớ lại lúc nguyên chủ báo Thiết Nghiêu đột nhiên ngã bệnh, sắc mặt ổng lập tức đổi khác, mắt trợn lên, lắp bắp hỏi kỹ triệu chứng rồi bỏ vào trong buồng. Mẹ chồng là người phụ trách đuổi nguyên chủ, cấm cửa cả nhà họ, đóng vai kẻ ác.

Phía sau kẻ ác là kẻ sợ chết, tiếp tay, chứ bố chồng cô tuyệt không phải kẻ sợ vợ. Ổng không nói thì thôi, khi ổng nói, mẹ chồng phải nghe răm rắp.

Cứ nhìn Thiết Nghiêu là biết bố chồng gia trưởng thế nào.

Nấu cơm xong, cô mang Tịnh Hương ra tắm gội sạch sẽ từ đầu đến chân, tự mình tắm rồi bưng cơm lên nhà.

Ba người ngồi quanh bàn gỗ cũ kỹ ở gian ngoài. Hai mẹ con sạch sẽ, chỉ có Thiết Nghiêu chưa được tắm gội. Chắc hắn cũng ngứa ngáy khó chịu nhưng người ốm yếu, vừa cắt cơn sốt, ai dám cho tắm. Lau chùi là tốt rồi.

Nhìn cơm trắng, rau xào, thịt kho tươm tất, mắt Thiết Nghiêu sáng rực.

Tịnh Hương cười toe toét, vỗ tay hoan hỉ, chờ cô xới cơm.

Thiết Nghiêu hỏi:

- Thịt ai cho?

- Nhà Lưu Tứ. Còn có trứng gà…

Tư Tư vừa lấy cơm vừa kể sơ sơ nhà nào cho cái gì.

Hai cha con nhận bát, cắm đầu ăn, chẳng ư chẳng hữ nửa lời.

Thịt ở cổ đại không nuôi bằng cám công nghiệp, ăn ngon kinh khủng.

Có điều heo nuôi lâu lớn, thịt rất đắt. Ba chỉ bán 50 đồng, thịt vai 45 đồng, mỡ 60 đồng. Trong khi trứng gà chỉ có 1 đồng một quả. Cho nên nhà nghèo quanh năm không dám mua thịt ăn. Có cho con trẻ ăn, bồi dưỡng người ốm cũng chỉ trứng gà mà thôi. Ngày thường thì ra sông bắt tôm, cá, ốc… về ăn. Không bắt được thì ăn cháo rau, khoai lang, ngô.

Tư Tư không nhớ lần cuối cùng nguyên chủ và Tịnh Hương được ăn thịt heo là khi nào.

Thiết Nghiêu thì khác. Thỉnh thoảng hắn đi làm trên thị trấn, bữa trưa được nhà chủ nuôi cơm, ít nhiều cũng có vài miếng thịt.

Khi hắn có tiền, mua thịt biếu bố mẹ, về nhà thường cãi nhau với Tư Tư rồi bỏ sang bên đó ăn cơm, cũng chẳng thiếu mấy miếng ăn. Vậy nên hắn đâu biết vợ con nhịn thèm khổ sở thế nào.

Thấy con ăn vội, sợ bé nghẹn, Tư Tư nhắc:

- Ăn từ từ thôi, mẹ để phần miếng ngon cho… Nhai kỹ. Có ngon không?

- Ngon… ngon lắm… hi hi…

Bé toét miệng cười khiến cô cười theo, lòng hoan hỉ.

Con gái gầy quá, phải tẩm bổ cho mập mạp trắng trẻo mới xinh.

Tâm trạng đang tốt thì Thiết Nghiêu buông một câu mắc nghẹn:

- Hồi trước em nấu ăn dở tệ.

Ơ cái của nợ!

Muốn khen ngon chỉ cần nói một chữ là được, chê ngày xưa làm gì.

Sĩ diện!

Cô lập tức “mềm mỏng” đáp trả:

- Hồi trước có cái gì để nấu à?

- …

- Mỡ không, đường không… Lọ muối lúc còn lúc hết, đừng nói thịt. Có thịt, ai nấu chẳng ngon.