Xuyên Không Làm Thợ May Ở Dân Quốc

Chương 63

Cứ thế lặp lại vài lần, thần kinh Kỷ Khinh Chu dần thả lỏng. Tâm trí bắt đầu lạc đề, cậu liếc nhìn A Hựu bên cạnh hỏi:

“Cậu có thấy cảnh này giống kiểu thầy giỏi dạy kèm một kèm một không?”

“Hả?” Hoàng Hựu Thụ tỏ vẻ không hiểu.

Kỷ Khinh Chu siết siết nắm tay, cười:

“Giáo đầu đại sư, giảng dạy trực tuyến!”

Phản ứng của Giải Dư An là thẳng thừng buông bút.

“Tôi sai rồi, sai rồi, anh viết tiếp đi mà.” Kỷ Khinh Chu vội nhặt cây bút nhét lại vào tay hắn.

Sau đó, cậu mím môi, kìm nén cơn thèm nói, ngoan ngoãn làm một cái giá kê thiệp sống.

Cứ thế hai người phối hợp, một người chỉnh góc tấm thiệp và ngòi bút, một người chỉ chuyên tâm viết. Một hơi viết xong mặt trước của hai mươi bốn tấm danh thϊếp.

Viết xong, Kỷ Khinh Chu trải thiệp ra trên mặt bàn để hong khô.

Nhìn những con chữ quen thuộc mà dường như mang một vẻ lạ lẫm, cậu khẽ bĩu môi cảm thán:

“Mặc dù chúng ta chẳng có nền tảng tình cảm gì, nhưng hành động này nói ra thì cũng hơi lãng mạn đấy chứ. Nhắm mắt cũng viết được tên tôi đẹp đến vậy.”

Giải Dư An xoa nhẹ mu bàn tay phải, như thể đang phủi đi hơi ấm của người khác còn sót lại.

Nghe vậy, giọng hắn bình thản:

“Đổi sang tên Tam Vượng, tôi viết cũng y như thế.”

“Tam Vượng? Ai thế?”

“Cậu hỏi A Hựu đi.”

Kỷ Khinh Chu quay đầu nhìn Hoàng Hựu Thụ.

Thấy gương mặt đầy khó xử của người hầu, cậu cũng đoán tám phần là không phải lời hay, nhưng vẫn dửng dưng trấn an:

“Cứ nói đi, tâm trạng tôi đang tốt, sẽ không nổi nóng đâu.”

Hoàng Hựu Thụ nở nụ cười gượng gạo, đáp:

“Tam Vượng là con chó mà Lạc thiếu gia nuôi từ nhỏ, đặt tên đầy đủ là "Phúc Vượng – Tài Vượng – Vận Vượng", mọi người gọi tắt là Tam Vượng.”

“Sao không gọi là Vượng Vượng?” Vì đã lường trước được, Kỷ Khinh Chu hoàn toàn không thấy tức giận.

Cậu nghĩ bụng, Giải Dư An giỏi lắm cũng chỉ biết nói móc lòng vòng như thế, không tục cũng chẳng thô, với cậu chẳng gây tổn thương gì cả.

Hoàng Hựu Thụ tưởng cậu thật lòng hỏi mình, liền đáp:

“Hồi trước đúng là gọi Vượng Vượng, sau không biết sao đổi cách xưng. Nếu cậu muốn biết thì đi hỏi Lạc thiếu gia vậy.”

Kỷ Khinh Chu gật đầu lấy lệ, lơ đãng nói:

“Đặt cái tên dài ngoằng như thế cho chó cũng kỳ tài thật. Có dịp tôi nhất định hỏi thử vị thiếu gia ấy.”

Có lẽ là vì danh tiếng chưa đủ, biển hiệu cũng không thu hút, mấy ngày tiếp theo Kỷ Khinh Chu không nhận được đơn đặt hàng nào. Danh thϊếp phát đi, người tìm đến đều chỉ muốn vá víu, sửa lên sửa xuống.

Những lúc không có khách, Kỷ Khinh Chu rảnh rỗi lại đi dạo quanh các tiệm vải, hiệu lụa, cả cửa hàng vải của người Tây, chọn ít nguyên liệu mang về may đồ.

Mô hình người đặt ở tiệm mây tre trước đó cũng được giao đúng hẹn trong vòng một tuần. Kỷ Khinh Chu thấy tay nghề bọn họ ổn, bèn trả thêm tiền đặt thêm một manơcanh nam.

Cứ bận rộn như thế, chớp mắt đã mười ngày trôi qua, lại đến cuối tuần.

Hôm nay là ngày Giải Dư An châm cứu trị liệu. Buổi sáng, Kỷ Khinh Chu ở nhà theo sát việc khám bệnh, ăn trưa xong mới đến cửa tiệm làm thêm mấy tiếng.

Gần chiều tối, cậu quay lại biệt thự nhà họ Giải, đang định đến phòng ăn lớn chờ dùng bữa, thì bị quản sự Lương gọi lại, dẫn lên lầu hai khu Tây đến phòng khách riêng của Thẩm Nam Khỉ.

Phòng khách nhỏ quay về hướng Tây ngập ánh hoàng hôn, nửa gian phòng được nhuộm sắc đỏ ấm.

Khi Kỷ Khinh Chu đến nơi, Thẩm Nam Khỉ đang đứng trước gương soi toàn thân, mặc chiếc sườn xám màu đào nhạt, chỉnh lại mái tóc uốn lượn lệch vai có phần bồng xù.

“Bác gọi cháu ạ?” Cậu bước vào phòng, thấy vài chiếc áo khoác trải trên ghế sô pha, liền đoán được sơ sơ lý do Thẩm Nam Khỉ tìm mình.

“Đến đến lúc lắm. Ta thật sự không chọn nổi nữa, cháu giúp ta xem nên phối với cái nào thì hợp hơn?”

Giọng Thẩm Nam Khỉ có chút vội vã, như thể đang tranh thủ thời gian.

Kỷ Khinh Chu cẩn thận quan sát mấy món áo khoác trải trên sô pha.

Một chiếc áo choàng màu xanh đậm viền lông thỏ trắng ở cổ tay, một chiếc áo khoác dáng Tây màu be nhạt, còn lại là một áo gi-lê đen thêu họa tiết trúc và một áo dài tay phồng bằng gấm hoa tơ tằm.