Khương Hướng Bắc lấy giấy bút ra, đặt số tiền vốn mười tám đồng của ba người lên bàn.
“Ngày mai chúng ta mang tiền theo, sáng sớm đi thẳng đến đường Tô Gia.”
Khương Hướng Bắc đầy khí thế, lập tức bắt tay vào chuẩn bị. Khương Hướng Nam thì cẩn thận hơn nhiều, chỉ ra mấy vấn đề cần giải quyết ngay trước mắt.
Đi đến đường Tô Gia bằng cách nào?
Dùng gì để đựng cá mang về?
“Nếu xa quá phải đi xe, thì chi phí xe có đắt không? Còn nữa, mình phải mua gùi...”
Khương Hướng Bắc: “…”
Khương Ái Quốc ăn sáng xong lại ngồi dưới gốc cây mận trong sân mài đồ mộc.
Mắt Khương Hướng Bắc sáng rực lên, lôi kéo Khương Hướng Nam: “Mình đi nhờ ông nội! Ông nội biết làm gùi.”
Khương Ái Quốc đâu chỉ biết làm gùi, dưới màn làm nũng của cháu trai cháu gái, ông lập tức đứng dậy đi chặt tre ở phía sau ngõ.
Ở Lạc Xuyên tre mọc đầy, sau hẻm Tam Thủy còn có cả một rừng tre nhỏ trên sườn núi.
“Mẹ mấy đứa nhỏ nói đúng, việc mà chính phủ không cấm thì không thể gọi là đầu cơ tích trữ.”
Tự thuyết phục bản thân, lại biết mấy đứa đang làm việc đứng đắn, Khương Ái Quốc không chỉ đồng ý làm gùi mà còn giúp ba đứa mượn được một chiếc xe ba bánh.
Chiều hôm đó, Khương Thành Quân và Khương Hướng Nam tập đi xe trong hẻm, Khương Hướng Bắc thì phụ ông nội bổ tre.
Tay nghề của người thợ mộc lão luyện, đan gùi bằng nan tre khít đến mức không lọt nước, hoàn toàn giải quyết được nỗi lo cá bị khô nước trên đường vận chuyển.
Khương Hướng Bắc cảm thấy nhà họ Khương lại lòi ra thêm một cao nhân ẩn danh nữa.
Tinh thần hăng hái khiến cả ba đứa nhỏ dậy từ năm giờ sáng, đạp xe ba bánh đi xuyên màn sương sớm còn se lạnh, vừa đi vừa hát vang.
Quãng đường từ đường Tô Gia đến hẻm Tam Thủy khoảng hai mươi dặm.
Khương Thành Quân và Khương Hướng Nam thay phiên nhau đạp xe, xe đạp gần như tóe lửa, vậy mà cũng phải mất đến bốn mươi phút mới đến được đường Tô Gia.
Không cần ba người phải hỏi đường, ngay đầu đường đã có người đeo gùi đi vào.
Họ cứ thế dắt xe đi theo sau đám người ấy, lắc lư trên con đường đất gồ ghề một lúc thì đến một trạm thu mua đồ cũ.
Người nuôi cá lén lút không phải là dân làng, mà chính là trạm trưởng trạm thu mua.
Ao cá nằm ngay sau trạm, cách đó vài chục mét chính là đập chứa nước đường Tô Gia.
Thật ra mọi người gọi “đường Tô Gia” chính là chỉ đập chứa nước ở đường Tô Gia.
Từ lời nói của những người mua cá có thể đoán được, phần lớn cá trong ao là do mấy người con trai của trạm trưởng lặn xuống hồ bắt được.
Chỉ một phần nhỏ trong đó là do họ tự nuôi.
Đúng là vì tiền mà không màng mạng sống.
“Ai mua cá thì qua bên này cân.”
Trạm trưởng sẽ vớt cá cho vào thau, sau đó mang vào trạm để cân tính tiền.
“Bên này một hào, bên này một hào hai.”
Hai thau cá không chênh lệch nhiều về kích cỡ, chỉ là loại một hào thì một số con đã bắt đầu trương bụng, rời nước là sẽ chết rất nhanh.
“Mình mua loại nào?”
Đứng trước hai thau cá, Khương Thành Quân lúng túng.
Khương Hướng Bắc kém môn tính toán, nên từ trong gùi lấy giấy bút đưa cho Khương Hướng Nam.
“Không cần.” Khương Hướng Nam xua tay, từ lúc trạm trưởng báo giá, trong đầu anh đã tính ra xong từ lâu:
“Mua một trăm bốn mươi cân, phần còn lại để sau tính.”
Mười tám đồng, vừa đủ để mua một trăm năm mươi cân, nhưng cá đâu như thóc gạo, đâu thể cân đúng được.
Còn lại bao nhiêu tiền thì tùy đó mà mua thêm.
Những người mua trước đều đeo gùi, phần lớn chọn cá chết giá một hào, người mua nhiều nhất cũng chỉ là hai ông cháu mua ba mươi cân.
Chờ mãi mới đến lượt ba người bọn họ.
“Một trăm bốn mươi cân cá loại một hào hai.”
Khương Hướng Bắc bước lên trực tiếp báo con số, rồi bày mười chiếc gùi đã buộc dính lại thành từng cặp ra.