Thôn Đào Nguyên, người ngoài nghe đến liền liên tưởng tới thế ngoại đào nguyên mà Đào Uyên Minh miêu tả, cho rằng nơi đây dù không phải là thôn biệt lập với thế giới bên ngoài, thì cũng sẽ là một nơi phong cảnh tươi đẹp, hoa đào nở rộ khắp chốn.
Lịch sử hình thành của thôn Đào Nguyên không dài, đa số gia đình sống ở đây là những người tị nạn đến trong thời chiến năm xưa.
Khi đó, những người cùng nhau chạy trốn, vượt núi băng rừng, vô tình phát hiện ra mảnh đất được núi non sông nước bao bọc này. Lúc đó lại đúng vào mùa xuân.
So với cảnh khói lửa ngút trời bên ngoài, nơi đây, khắp núi đồi đều là hoa đào, khiến người ta cảm thấy vô cùng an tâm.
Có một vị túc nho thuở xưa thốt lên cái tên Đào Nguyên, từ đó nơi này lấy tên như vậy.
Bây giờ ở thôn Đào Nguyên, vẫn còn những cụ già nhắc lại cảnh tượng huy hoàng của thôn thuở ban đầu. Chỉ tiếc là sau khi thời bình đến, để hưởng ứng chủ trương phát triển sản xuất và xây dựng của cấp trên, lãnh đạo đã cho người nổ một ngọn núi của thôn Đào Nguyên, xây đường và một cây cầu.
Từ đó, thôn Đào Nguyên không còn tách biệt với thế giới bên ngoài nữa. Thế nhưng phong cảnh tươi đẹp của thôn cũng bị phá hủy nghiêm trọng trong quá trình xây dựng, không còn thấy được cảnh hoa đào rực rỡ khắp núi.
Trước đây để ra khỏi núi, người dân làng Đào Nguyên phải vượt qua một đỉnh núi, rồi đi thuyền mới có thể đến thị trấn gần nhất là Tây Loan. Việc đi lại trở nên thuận tiện hơn rất nhiều sau khi xây cầu và làm đường.
Diệp Tư dừng xe đạp trước cửa nhà, Diệp Văn Bác xuống mở cổng.
Trong sân là ba gian nhà ngói cùng với hai gian bếp.
Đây là do bố của Diệp Tư gửi tiền về trước khi cậu ra đời để Diệp Văn Bác xây dựng, trước đó chỉ là nhà đất.
Ngược lại, khi bác trai Diệp Tư kết hôn, tự lập hộ, Diệp Văn Bác đã dốc hết tiền tiết kiệm và vay thêm một ít để xây nhà ngói cho họ, còn mình vẫn ở nhà đất.
Một người đẩy xe vào sân, một người vào bật đèn. Căn nhà bỗng sáng sủa hẳn lên. Diệp Văn Bác không kịp thu dọn nhà cửa mà mang rau vào nhà bếp trước, vừa đi vừa quay đầu lại dặn: "Nếu Tiểu Tư đói thì ăn trước vài cái bánh bao cho đỡ đói."
"Ông nội yên tâm đi, con không đói, lát nữa con sẽ đi nhóm bếp."
Hai ông cháu, một người bận nhặt rau, một người dọn dẹp nhà cửa. Một thời gian không ở, nhà đã phủ đầy bụi. Diệp Tư xắn tay áo, múc nước giếng, lau chùi bên trong bên ngoài căn nhà, rửa mặt rửa tay rồi đi vào bếp phụ giúp.
Trong nhà này từ trước đến nay chỉ toàn đàn ông, nên già trẻ đều phải làm cả trong lẫn ngoài. Diệp Văn Bác ngay cả việc vá áo cũng làm được, nấu ăn càng là sở trường. Tay nghề của Diệp Tư không bằng ông nội, khi có ông ở đây, cậu thường chỉ làm phụ.
Lúc Diệp Tư đang nhóm bếp thì có người đi vào sân, vừa vào cửa liền hô: "Lão Diệp, Tiểu Tư, động tác nhanh lẹ đó, nồi đã bắt đầu nấu rồi. Tiểu Tư mau mau, đây là bánh cuốn của bà Vương nhà cháu làm đấy."
Diệp Tư vội vàng đứng dậy, đầu tiên lấy bánh bao mang về ra, bỏ vào bát đầy ắp, có đến bảy tám cái, rồi mới ra đón.
Vương Hưng Quân thấy thế lại nhịn không được, lải nhải thêm vài câu. Nhưng cuối cùng vẫn để lại bánh cuốn và mang theo bánh bao, giao thiệp hàng chục năm rồi, còn có thể không biết tính cách của lão Diệp sao.
Đến khi cơm canh nấu xong bưng lên bàn đã 8 giờ tối. Hai ông cháu ngồi bên bàn ăn cơm, thỉnh thoảng mới nói với nhau vài câu, không nhiều lời nhưng không khí rất ấm cúng.
Một bát thịt heo kho và một đĩa cá hấp, đều là Diệp Văn Bác cố ý nấu cho cháu trai bồi bổ. Biết cháu trai tiết kiệm, ở huyện một mình chắc chắn không nỡ ăn mấy thứ ngon này.
Thêm vào đó là hai món rau, đối với hai ông cháu mà nói, bữa tối này tương đối phong phú.
Bánh cuốn của bà Vương làm bao giờ cũng ngon, bên trong có nhân thịt, nấm rơm tự làm. Nấm rơm là tự đi vào núi hái. Diệp Tư liền ăn hết hai cái bánh lớn.
Nhớ lại kiếp trước đi học xa, hiếm khi về một lần, bà Vương đều làm riêng bánh cuốn cho cậu ăn. Bởi vì trong nhà không có đàn bà, Diệp Tư lại mồ côi cả bố lẫn mẹ nên bà Vương vẫn luôn chăm sóc cậu rất chu đáo. Bây giờ trở về, lại được ăn đồ do ông và bà Vương nấu, Diệp Tư cảm động đến mức mũi cay xè, nước mắt suýt rơi.
Ăn cơm tối xong, Diệp Tư dọn bát đũa đi ra sân múc nước giếng rửa. Trên bếp đã đun sôi nước, vì có dầu nên Diệp Tư múc một ít nước nóng từ nồi ra. Vừa ngồi xuống liền thấy ở bên ngoài, đầu tường kia có một bóng đen đang đứng. Diệp Tư chỉ liếc mắt nhìn rồi cúi đầu xuống, làm như không thấy.
Người đó là bác trai cậu, Diệp Phấn. Kiếp trước, vào thời điểm này, cậu đã không có chút thái độ tốt nào với bác trai, còn bị bác gái trách là vô lễ với người lớn, tính cách cô độc.
Nhưng Diệp Tư tự thấy mình từ nhỏ đã được ông nội nuôi dưỡng, quan hệ giữa cậu và bác trai chỉ là thứ tình cảm hình thức bề ngoài. Thêm vào đó, từ nhỏ đã bị anh họ bắt nạt, ngay cả một viên kẹo nhà bác trai cũng không được ăn, tại sao cậu phải nhiệt tình đi làm thân?
Nói đến chuyện vô lễ với người lớn, gia đình bác trai mới thật sự là bất hiếu với ông nội. Nhớ kiếp trước, cậu đã trả lời tại chỗ một câu rằng cậu học cách làm vậy từ bác trai và bác gái, lúc đó bác gái liền chửi từ đầu thôn đến cuối thôn.
Đợi Diệp Tư rửa xong bát đứng lên, người đứng bên ngoài đã bỏ đi. Diệp Tư cúi đầu cười khẩy một tiếng, mở miệng gọi người ta mở cửa mà cũng khó thế sao?
Thật ra cậu không để ý nhà bác trai đối xử với mình tốt hay xấu, cậu chỉ thấy không đáng thay ông nội.
Kể từ sau khi cưới người đàn bà nhà họ Vương đó, Diệp Phấn như một người ở rể đến nhà vợ để hầu hạ. Mỗi dịp Tết lễ lại mang theo cả đống đồ lớn nhỏ đưa về nhà họ Vương.
Nghĩ đến chuyện sau này, Diệp Tư không khỏi cười khẩy. Bác gái chỉ chực đem đồ của nhà họ Diệp chuyển sang nhà họ Vương, nhưng nhà họ Vương đối xử với bà ta thế nào?
Không lâu sau, bác gái sẽ cãi nhau với chị em dâu và cháu ở nhà ngoại, nguyên nhân xuất phát từ quán ăn sáng ở trấn.
Hoặc lúc đầu hai nhà nói chung với nhau, nhưng đứa cháu kia và vợ nó đâu chịu đổ thịt trong bát của mình ra ngoài. Hơn nữa, quán đó lại đứng tên cháu trai nên kiên quyết không thừa nhận có phần của cô ruột Vương Quế Lan.
Không chỉ gây chuyện ầm ĩ khiến cả trấn cười chê, Vương Quế Lan không phục còn dẫn theo Diệp Phấn đến nhà họ Vương quậy phá, lại bị anh chị đuổi ra ngoài, nói bà ta đã là người nhà họ Diệp rồi mà còn muốn về nhà ngoại chiếm lợi của cháu trai, làm người lớn kiểu gì thế.
Sự việc truyền đến thôn Đào Nguyên, không ít người chửi bà ta đáng đời.
Vì vậy không cần cậu làm gì, báo ứng sẽ nhanh chóng đến thôi.
Kiếp trước bị bác gái mắng là tính tình cô độc kỳ quái, kiếp này cậu cũng không muốn sửa đổi. Sống lại một đời, cậu chỉ muốn trân trọng những người thực sự đáng được trân trọng. Còn những người khác, có thù thì báo thù, không liên quan thì việc gì phải bận tâm.
Để ông nội tắm trước, Diệp Tư lại đun nước tắm cho mình. Dọn dẹp xong, lau mái tóc ướt đi vào phòng, thấy ông đang cầm một hộp gỗ.
Diệp Tư vừa nhìn đã biết đó là đồ bố để lại, ông nội đang nhớ bố.
Mỗi lần gia đình bác trai làm việc khiến ông nội đau lòng hay thất vọng, Diệp Tư luôn thấy ông lật xem di vật bố để lại.