Biến Chất

Chương 24

(46)

Đế quốc Uru công khai phá vỡ hiệp ước hòa bình trăm năm, bắt giữ đại sứ Liên bang đang đóng tại Đế quốc, nhằm gây áp lực để Liên bang trả lại đảo La Hà – vùng lãnh thổ mà Đế quốc từng chiếm đóng một thế kỷ trước.

Sự kiện này đã gây ra chấn động lớn trong chính trường Liên bang, công dân Liên bang phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Đế quốc.

Tống Nghiên đặc biệt quan tâm đến việc này. Với tư cách là một công dân Liên bang, anh cho rằng yêu cầu của Đế quốc Uru không chỉ phi lý mà còn đáng hận.

Khác với Đế quốc Uru mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực, Liên bang được thành lập từ hàng trăm quốc gia nhỏ liên kết với nhau một cách tự nguyện. Đảo La Hà từng là thủ đô của một trong những quốc gia đó, nhưng sau khi bị Đế quốc xâm lược, quốc gia này đã diệt vong. Tất cả công dân cũ của quốc gia này đều trở thành một phần của Liên bang và quyết tâm giành lại quê hương.

Tổ tiên Quan gia chính là cư dân của đảo La Hà.

Năm 2050 theo lịch tinh hệ, quốc gia sụp đổ, gia đình Tống Nghiên lâm vào cảnh lưu vong. Khi ấy, cụ cố của anh mới chỉ 5 tuổi. Trên đường chạy trốn, cha của cụ cố qua đời vì bạo bệnh, còn anh trai của ông thì đã hi sinh trên chiến trường. Trở thành trẻ mồ côi, năm 7 tuổi, cụ cố được một ông lão họ Quan nhận nuôi. Khi trưởng thành, ông gia nhập quân đội. Đến năm 2075, chiến tranh đảo La Hà nổ ra lần nữa. Sau năm năm chiến đấu, Liên bang giành lại đảo, cho phép công dân cũ được ưu tiên trở về sinh sống. Cụ cố của Tống Nghiên giải ngũ và về định cư trên đảo, nhưng do những di chứng chiến tranh, ông đã qua đời khi chưa đầy 70 tuổi.

Câu chuyện về cụ cố được Quan Lẫm kể cho Tống Nghiên nghe như một câu chuyện trước khi đi ngủ. Hằng năm, gia đình anh đều trở về đảo La Hà ở lại một thời gian và viếng mộ cụ cố.

(47)

Liên bang và Đế quốc chỉ cách nhau một vùng biển, đảo La Hà nằm giữa đại dương, gần Liên bang hơn.

Rốt cuộc điều gì đã khiến Đế quốc gấp gáp châm ngòi cho cuộc tranh chấp? Tống Nghiên rất muốn biết, nhưng anh chỉ là một học sinh trung học, quá nhỏ bé trước vận mệnh của quốc gia.

Gia tộc nhà họ Quan chuyên về kinh doanh, không tham gia chính trị, cũng không có quan hệ thân thiết với các chính khách.

Liên bang và Đế quốc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn ngoại giao. Đàm Sâm không có sự nhạy bén chính trị như Tống Nghiên, nên không mấy bận tâm đến tin tức này, cũng không nhận ra sự bất thường gần đây của Tống Nghiên.