Đoàn Tàu Sinh Tồn, Cướp Lấy Thân Phận Người Chơi

Chương 11: Trước khi phó bản đổ bộ

Viện trưởng: “...”

Nếu không có chủ tịch thị trấn và cảnh sát đi cùng bên cạnh, bà ấy thật sự đã nghĩ đây là kẻ lừa đảo định đưa bọn trẻ đến một nơi kỳ quặc nào đó rồi.



Tại Hội Người khuyết tật Xuân Thành.

Nhân viên gọi điện thoại thông báo cho từng người một: “Alo, anh/chị XXX phải không ạ? Trước đây anh/chị có ý định tìm việc đúng không? Bên Lệ Thành có một ông chủ muốn mở nhà máy mà nhân viên toàn là người khuyết tật, anh/chị có muốn đi phỏng vấn không?... Ông chủ đó không phải người xấu đâu, đây là cơ hội mà Hội chúng ta khó khăn lắm mới giành được, chúng tôi làm việc trực tiếp luôn đấy!... Yên tâm, nếu phỏng vấn không đậu, toàn bộ chi phí đi lại sẽ được lo hết. Sáng mai tập trung, Hội sẽ sắp xếp xe đưa mọi người qua đó...”



Sáu giờ tối, màn đêm dần buông. Thành phố phương Nam này vẫn như thường lệ, đường phố tấp nập xe cộ qua lại nhưng so với mọi ngày lại có chút khác biệt.

Từng chiếc xe buýt, từng chiếc xe con, từng chiếc xe cứu thương không hú còi, nối đuôi nhau rời khỏi khắp các ngả đường trong thành phố. Có xe chở đầy người già, có xe chở đầy trẻ nhỏ, có xe chở đầy người khuyết tật, bệnh nhân. Tất cả chạy dọc theo quốc lộ, hướng ra cao tốc, rời khỏi Xuân Thành.

Trong khi đó, trên những con đường dẫn vào Xuân Thành, từng đoàn xe tải lớn – loại thùng kín, thùng hở, xe đông lạnh, xe đầu kéo – đang liên tục nối đuôi nhau chạy vào.

Bề ngoài những chiếc xe tải này trông hoàn toàn như xe dân sự bình thường nhưng nếu có thể nhìn xuyên qua cửa kính, sẽ phát hiện người lái toàn là những thanh niên trẻ cắt đầu cua, người toát ra khí chất nhà binh đậm đặc.

Một tài xế xe tải đang ngồi xổm bên lề đường ở trạm dừng nghỉ cao tốc để đổ nước vào két nước, nhìn từng chiếc xe tải chạy vụt qua trên đường, buột miệng kêu lên một tiếng kỳ quái: “Lạ thật đấy, sao hôm nay hàng hoá vào Xuân Thành nhiều thế nhỉ?”

Một tài xế khác hùa theo: “Đúng vậy, từ chiều đến giờ cứ nối đuôi nhau chạy. Có ông bạn lái xe cùng nói bên quốc lộ cũng thế, nhiều xe chạy về hướng Xuân Thành lắm.”

“Xì, không chỉ hàng vào nhiều mà lượng xe ra cũng đông hơn hẳn bình thường.”

Đúng là nườm nượp không ngớt. Đường cao tốc này có bao giờ đông đúc thế này đâu?



Tại một bến cảng nào đó ở Xuân Thành, từng chiếc tàu hàng cập bến. Cùng với hàng hóa được dỡ xuống, từng đội xây dựng cũng bước xuống từ trên tàu, cùng hàng hóa đi đến các địa điểm khác nhau trong thành phố, lặng lẽ bắt đầu công việc xây dựng.

Nếu có người quan sát kỹ, sẽ phát hiện những đội xây dựng này răm rắp chấp hành mệnh lệnh, động tác cực kỳ gọn gàng dứt khoát, rõ ràng là xuất thân từ công binh xây dựng.

Cùng lúc đó, tại sân bay Xuân Thành, từng chiếc máy bay hạ cánh. Bên trong khoang hàng trông có vẻ bình thường lại chứa đầy vật liệu chống rét đặc biệt và đồ dùng sinh tồn. Từng nhóm hành khách bước ra từ ống l*иg, có nam có nữ, có già có trẻ, nhìn bề ngoài trang phục không có gì đặc biệt.

Nhưng nếu nhìn kỹ, sẽ thấy ánh mắt những người này đặc biệt sáng và có lực, ngay cả những đứa trẻ chỉ mười mấy tuổi cũng có vẻ điềm tĩnh khác thường.

Sau khi ra ngoài, có người lên xe buýt, có người gọi taxi, có người tập trung luôn trên xe du lịch, nhanh chóng rời sân bay. Nửa tiếng sau, họ lần lượt đến các điểm đến của mình.

Có người bày sạp bán hàng bên ngoài trung tâm thương mại, có người tiếp quản hiệu thuốc đang ế ẩm, có người “nhảy dù” vào trung tâm dịch vụ công cộng cấp phường, có người vào bệnh viện giả làm bệnh nhân.

Thành phố này đã có một số người rời đi và vẫn đang tiếp tục có người rời đi nữa. Trong khi đó, những người mới đến này nhanh chóng lấp đầy những vị trí trống đó.

Họ phân tán khắp các ngóc ngách của thành phố, giống như giọt nước hòa vào biển cả, không gây ra một gợn sóng nào. Rồi họ lặng lẽ ở vị trí của mình, dùng tai mắt của mình để quan sát thành phố này, chờ đợi những kẻ khả nghi có thể xuất hiện.