Đang đi dạo, Triệu Bảo Tông thấy phía xa có một cụ già râu tóc bạc phơ đang dặn dò gì đó với một viên quan của Lại ty. Nàng nhận ra ngay đó là Nhan Thuận An. Kể từ khi khoa cử bắt đầu, Nhan Thuận An cũng cùng Lâm Hoán quản lý các công việc liên quan. Vị lão thần này làm việc cần mẫn, chu toàn mọi nhiệm vụ. Vì công việc bận rộn, nàng đã lâu không gặp ông, lần này gặp được, cũng nên thăm hỏi đôi lời.
Khi Triệu Bảo Tông tiến lại gần, Nhan Thuận An lập tức hành lễ: "Thần bái kiến bệ hạ."
"Không cần đa lễ. Gần đây sức khỏe Nhan khanh thế nào?" Triệu Bảo Tông quan tâm hỏi: "Nhìn khanh có vẻ lại gầy đi rồi."
"Bệ hạ yên tâm, người già gầy chút thì tốt, thần cố ý ăn ít đi." Nhan Thuận An đáp: "Bệ hạ đích thân đến Lại ty, chẳng hay có việc gì quan trọng muốn chỉ dạy?"
"Không có gì, trẫm chỉ đi dạo, tiện thể xem tiến độ của khoa cử." Triệu Bảo Tông cười nhẹ, muốn tạo không khí thoải mái: "Các ngươi cứ làm việc đi, không cần câu nệ, lát nữa trẫm sẽ về."
Lời vừa dứt, Nhan Thuận An thoáng chần chừ, như muốn nói gì đó lại thôi. Triệu Bảo Tông không bỏ qua biểu hiện này, hỏi: "Có chuyện gì sao?"
"Nếu bệ hạ không bận, có thể di giá đến Trữ Kinh các không?" Nhan Thuận An cung kính thưa.
Chẳng lẽ chuyện này không thể nói tại Lại ty? Triệu Bảo Tông nhận ra có lẽ ông có việc quan trọng muốn bẩm báo, bèn gật đầu: "Vậy thì đến Trữ Kinh các một chuyến."
Kiệu rời khỏi Lại ty, tiến đến Trữ Kinh các. Khi đã vào trong, sắc mặt Triệu Bảo Tông trở nên nghiêm nghị: "Rốt cuộc có chuyện gì?"
"Hồi bẩm bệ hạ, là việc liên quan đến chấm bài thi hương." Nhan Thuận An trả lời.
"Việc này trẫm biết rồi. Vừa nãy Lâm Hoán cũng nói qua. Các tri huyện lần đầu đảm nhận công việc này nên chưa quen, tiến độ chậm. Chẳng phải Lại ty đã gửi công văn đôn đốc sao?" Triệu Bảo Tông tỏ vẻ khó hiểu.
"Không đơn giản chỉ là tiến độ chậm." Nhan Thuận An ngồi thẳng người, mặt đầy vẻ lo lắng: "Tiến độ chậm là vì các chủ quản địa phương bất đồng ý kiến, không có tiêu chuẩn cụ thể, nên mãi không đưa ra được kết quả. Loại đề bài văn sử sách luận* như thế này thực ra không có đáp án đúng sai, chỉ cần hợp lý đều có thể xem là đúng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mỗi người lại có cách hiểu khác nhau về hợp lý. Ví dụ, trong đề thi hương lần này, có một câu yêu cầu viết một bài ngắn về cụm từ “vật đổi sao dời”. Một thí sinh ở Thuần Châu viết toàn bộ bài luận về quy luật vận hành của các chòm sao, thậm chí còn dự đoán ngày giờ sẽ xuất hiện sao băng. Kết quả, tri huyện địa phương lại phê rằng bài này hoàn toàn lạc đề. Thí sinh không phục, mang bài thi sang cáo quan ở huyện bên cạnh. Tri huyện ở đó lại cho rằng thí sinh này có lối tư duy độc đáo, là một tài năng hiếm có. Hai vị tri huyện vì một bài thi mà tranh cãi mãi chưa xong."
*Viết văn, lịch sử, sách lược, đàm luận.
Nghe xong, Triệu Bảo Tông bật cười: "Trẫm thấy người này cũng thú vị. Chiêu mộ về làm quan sát tinh tượng chắc cũng hợp."
Nhan Thuận An cười khổ: "Khoa cử dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, khi thực sự thi hành luôn sẽ phát sinh những vấn đề bất ngờ. Hiện tại, vấn đề lớn nhất trong việc chấm bài là không có tiêu chuẩn thống nhất, dẫn đến thí sinh không phục, gây ra vô số tranh chấp. Ngay cả những người dày dạn kinh nghiệm như An đại nhân, thuộc hạ của ông ấy cũng gặp không ít trường hợp như vậy, khiến ông ấy ngày ngày đau đầu. Thần cho rằng, nếu việc chấm bài không đảm bảo được công bằng và chính xác, sẽ làm nguôi lòng sĩ tử. Khoa cử sau này sẽ càng khó khăn hơn."
Nghe những lời này, sắc mặt Triệu Bảo Tông trở nên trầm ngâm. Nhan Thuận An nói đúng. Ý nghĩa của khoa cử là chọn người tài một cách công bằng. Nếu chủ quan chấm bài dựa vào quan điểm cá nhân mà không có tiêu chuẩn tối thiểu, sĩ tử sẽ mất niềm tin vào khoa cử. Cuối cùng, khoa cử và chế độ tiến cử cũng chẳng khác nhau là bao.
Nàng thở dài: "Đúng vậy, lúc đầu trẫm đã xem nhẹ vấn đề này."
"Hơn nữa, kỳ thi hội sắp tới, đề bài thiên về sách lược chính trị, lại càng cần có những người hiểu biết sâu rộng để chấm bài, mới có thể chọn được nhân tài."
Nhan Thuận An nhíu mày, tiếp lời: "Nếu tiếp tục để các chủ quản địa phương tự quyết, thần cho rằng, thực sự không ổn."
Lời nói của ông khiến Triệu Bảo Tông càng thêm phiền muộn: "Ý Nhan khanh là Lại ty nên soạn thảo đáp án chi tiết hơn. Bắt đầu làm từ bây giờ, không biết liệu có kịp hay không."
"Xin cho thần được nói thẳng." Nhan Thuận An quỳ xuống, hành lễ thật sâu: "Tuy Lâm đại nhân tài hoa xuất chúng, nhưng kinh nghiệm về chính sự còn hạn chế. Từ khi bệ hạ đăng cơ, Lâm đại nhân chỉ tập trung phụ tá một mình bệ hạ, ngay cả hiện tại cũng chỉ chuyên chú vào Lại ty, chưa quen thuộc với các công việc của các Ty khác. Người soạn đáp án cần phải hiểu rõ tình hình các Ty trong kinh thành, các châu huyện trên cả nước, cũng như mọi công việc hành chính, như vậy mới khiến các chủ quản địa phương và sĩ tử tâm phục khẩu phục."
Triệu Bảo Tông nhận ra ông có ý gì đó: "Chẳng lẽ Nhan khanh đã có người thích hợp trong lòng?"
"Đúng vậy." Nhan Thuận An ngẩng đầu đáp: "Thần cho rằng, người phù hợp nhất chính là vị từng làm Nhϊếp Chính vương, Cố Từ, Cố lang quân."