Sau khi kết thúc cuộc gọi—mà nghe như đang cãi nhau với ai đó—bác lại quay sang tiếp tục trò chuyện với Nguyên Bá.
“Bác đi đón cháu trai đấy…”
Bác họ Đổng, người gốc Lỗ Giang, lần này mua vé máy bay để đón cháu về quê.
Bác ấy làm việc ở Nguyên Giang, chưa bao giờ đi máy bay, phải loay hoay mãi mới tìm được cổng số 6.
“Thế cháu trai bác đâu rồi?”
Nghe bác Đổng bảo là vì không muốn cháu phải chịu khổ nên mới lần đầu mua vé máy bay, nhưng Nguyên Bá nhìn quanh lại chẳng thấy đứa trẻ nào.
“Mẹ thằng bé đưa nó đến từ chỗ khác, bác chỉ cần chờ sẵn ở sân bay thôi.”
Bác hai Đổng bĩu môi, giọng điệu đầy vẻ bất mãn với cô con dâu này.
Có lẽ vì lâu lắm rồi chẳng có ai để trút bầu tâm sự, bác càng nói càng hăng, cứ thế mà kể hết chuyện nhà ra.
Hóa ra, con trai bác mất trong một vụ tai nạn công trường bốn năm trước. Hai ông bà già không đòi tiền bồi thường, chỉ mong con dâu dùng số tiền đó nuôi nấng cháu trai La Lượng thật tốt.
Ban đầu một hai năm còn ổn, nhưng về sau con dâu đi bước nữa, cuộc sống của La Lượng ngày càng khổ sở hơn.
Thương cháu, bác hai Đổng quyết định lên Nguyên Giang làm việc, ở gần nó để tiện chăm sóc.
Nhưng chưa ở được bao lâu, con dâu đã theo chồng mới đến một huyện khác.
Bác ấy chỉ có thể mỗi tháng bắt xe đến thăm cháu, tiện thể mua chút đồ ăn thức uống.
Không biết có phải nghĩ thông suốt rồi hay không, tháng trước, con dâu bỗng nhiên đồng ý cho La Lượng về quê sống với ông bà.
Thế là bác hai Đổng nghe tin liền lập tức thu xếp hành lý để về.
“Cháu bác từ nhỏ đã gầy nhom, chứ cái xứ Nguyên Giang này đâu có phong thủy dưỡng người như thôn Bạch Vị của chúng ta…”
Bác hai Đổng vẫn đang thao thao bất tuyệt, nhưng Nguyên Bá thì lại bị một cái tên trong lời bác ấy làm cho giật mình.
“Bác!” Cô vội vã vỗ nhẹ vào tay bà, không kìm được mà hỏi: “Bác cũng là người thôn Bạch Vị sao?”
“Còn phải hỏi!” Bác hai Đổng trừng mắt, đảo mắt đánh giá cô từ trên xuống dưới, có vẻ hoài nghi: “Cháu cũng là người Bạch Vị à?”
“Cháu là Nguyên Bá đây ạ!”
“Cháu là con bé lớn nhà Ngẫu Sinh đấy à?”
Nghe đến cái tên này, bác hai Đổng lập tức nhận ra cô là ai. Bà ấy vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, há miệng cười lớn, còn hào hứng vỗ bồm bộp vào cánh tay Nguyên Bá: “Mấy năm không gặp, trông cháu khác quá trời luôn!”
“Bác là bác hai đây! Hồi bé cháu suốt ngày sang nhà bác ăn cơm còn gì…”
Ký ức về ông hai La chợt ùa về, đó là một người đàn ông thấp bé, còn bác hai khi ấy vẫn tóc đen bóng, tính tình nhanh nhẹn, lúc nào cũng như có gió dưới chân.
Nhưng bây giờ, bác hai Đổng lại mang đầy vẻ phong sương, đôi mắt cụp xuống khiến cả người trông thật khắc khổ.
Bảo sao Nguyên Bá chẳng thể nhận ra.
“Bác hai!” Cô cố gắng nở nụ cười gọi một tiếng.
“Được rồi được rồi!” Bác hai Đổng nói liền mấy chữ “được rồi”, ánh mắt bà ấy như nhìn thấu hết tâm trạng trùng xuống của cô: “Thế này thì bác yên tâm rồi.”
Lần cuối họ gặp nhau là trong tang lễ của Nguyên Ngẫu Sinh.
Mới tám năm thôi…
Mọi thứ đã khác xưa quá nhiều.
Cô không muốn nhắc đến Nguyên Ngẫu Sinh nữa, chỉ có thể chuyển chủ đề sang ông hai La, người vẫn còn ở nhà.
Hai người trò chuyện một lúc lâu, cuối cùng La Lượng và mẹ nó cũng tìm đến cổng lên máy bay số 6.
Đứa trẻ gầy nhẳng, nhỏ xíu, tay phải còn cầm một con rô-bốt biến hình đã gãy mất một cánh tay, ánh mắt vô hồn nhìn mẹ mình giao nó cho bác hai Đổng, sau đó quay người rời đi gọn gàng dứt khoát.
Người phụ nữ có vẻ ngoài bình thường ấy bước đi như bay, chẳng ngoảnh đầu, rất nhanh đã biến mất giữa dòng người đông đúc.
La Lượng không khóc, không làm loạn, chỉ ngước lên nhìn bà nội rồi lặng lẽ trèo lên ghế ngồi yên.
Bụng của người phụ nữ hơi nhô lên, đủ để Nguyên Bá và bác hai Đổng hiểu lý do vì sao cô ta lại dễ dàng đồng ý để con trai về quê với bà nội như vậy.
Mà hành trang của La Lượng chỉ có duy nhất một chiếc ba lô xanh hình hoạt hình.
Ngoài ra chẳng có gì khác!
Bác hai Đổng nghiến răng tức tối nhìn theo bóng lưng người phụ nữ, đến khi hoàn toàn không thấy tăm hơi đâu nữa, bà ấy mới nhổ toẹt một cái.
“Đồ đàn bà vô ơn bạc nghĩa! Bà mua bao nhiêu quần áo mới cho Lượng Lượng, thế mà chẳng thấy lấy một cái!”
“Bác hai!” Nguyên Bá khẽ nhắc, ý bảo trước mặt còn có đứa nhỏ kìa.
Nhưng La Lượng ngồi đó dường như chẳng nghe thấy gì, vẫn cắm đầu chơi với món đồ chơi sứt mẻ của mình.
“Lượng Lượng, đây là chị Nguyên Bá.”
Cuối cùng bác hai Đổng cũng thôi mắng, quay sang nhìn cháu trai đầy yêu thương, vuốt ve một lúc mới chỉ tay về phía Nguyên Bá giới thiệu.
“Chị.” La Lượng cất giọng nhỏ xíu, nhưng mắt vẫn không rời khỏi con rô-bốt.
“Ngoan!”
Nguyên Bá đưa tay xoa đầu thằng bé. Vì đi gấp, cô chẳng kịp chuẩn bị gì, đành hứa sau khi xuống máy bay sẽ mua đồ ăn vặt cho nó.
Nghe vậy, La Lượng cuối cùng cũng ngẩng đầu nhìn cô một cái, bĩu môi nói: “Người lớn toàn là mấy kẻ nói dối!”
Nguyên Bá: “……”
Bị một đứa trẻ bốn tuổi khinh bỉ ngay trước mặt, Nguyên Bá chỉ đành cười gượng, đưa tay xoa đầu thằng bé lần nữa: “Chờ mà xem!”
Có người đồng hành, lần này đường về quê của Nguyên Bá náo nhiệt hơn hẳn.
Lần đầu tiên đi máy bay, bác hai Đổng nói không ngừng nghỉ suốt cả chuyến. Chỉ đến khi ba người lên xe khách về huyện Lâm Lũng, bà ấy mới chịu yên lặng đôi chút.