Tôi Trở Thành Lão Đại Nhờ Tài Diễn Xuất

Chương 22: Cô Gọi Đây Là “Biết Sơ Sơ” À?

Văn Mậu Học vốn đã định rời đi nhưng nghe cô nói vậy liền hỏi: “Cháu học đàn bao lâu rồi? Trình độ ra sao?”

Thẩm Ý suy nghĩ một chút rồi đáp: “Khoảng tám năm, lúc rảnh rỗi có đàn một chút, cũng coi như hiểu sơ qua ạ.”

Quản lý sảnh bên cạnh nghe xong chỉ muốn vò đầu, sao lại là “hiểu sơ qua” được chứ? Giờ không phải là lúc nên báo trình độ chứng chỉ cổ cầm sao?

Nhưng nhìn dáng vẻ ung dung tự tại, khí chất xuất trần của Thẩm Ý, Văn lão cảm thấy hứng thú.

Dù sao thì lúc này cũng rảnh rỗi nên ông ấy muốn xem thử tài nghệ cổ cầm của cô gái này ra sao, thế nên liền nói: “Đi thôi, vào trà thất.”

Văn Mậu Học có địa vị rất cao ở đây, ông ấy đã nói vậy thì quản lý sảnh đương nhiên không phản đối, anh ta cùng với Văn lão dẫn Thẩm Ý vào một gian trà thất thanh nhã.

Chính giữa phòng trà đặt một cây cổ cầm bằng gỗ nam mộc, vừa nhìn đã biết là vật quý giá.

Cùng bước vào còn có quản lý sảnh – Cao Hồng Dật, lúc này khi thấy Thẩm Ý bước đến trước đàn và ngồi xuống, trong lòng anh ta không khỏi cảm thấy tán thưởng.

Chưa bàn đến trình độ đánh đàn, chỉ riêng dung mạo và khí chất của cô gái này đã đủ khiến người khác bị cuốn hút rồi.

Lần tuyển dụng cổ cầm sư lần này là để phục vụ cho phần biểu diễn trong sảnh hội sở, ở khu vực mới được cải tạo có một phòng đàn cách một màn nước nhân tạo, dự định là sẽ mời một vị cổ cầm sư ngồi trong đó, trực tiếp tấu lên những khúc nhạc cổ cầm nhẹ nhàng du dương, giúp nâng cao đẳng cấp của cả hội sở.

Tìm được một cổ cầm sư thích hợp không dễ, nhưng phong cách của Tập Hiền nhã cư luôn theo đuổi sự tinh tế, nếu chỉ đơn giản bật nhạc từ loa thì đẳng cấp sẽ bị hạ thấp ngay.

Nhưng giờ phút này, khi nhìn Thẩm Ý, Cao Hồng Dật bỗng nhiên nghĩ: Nếu để cô ấy mặc một bộ trang phục cổ trang, ngồi sau màn nước làm dáng vẻ gảy đàn, còn âm thanh thực tế lại do loa phát ra, phương án này cũng không phải là không thể chấp nhận được…

Văn Mậu Học ngồi xuống ghế bên cạnh, cầm ấm trà lên rót nước vào chén, hương trà thanh nhã lan tỏa khắp trà thất.

“Cháu cứ tùy ý đàn một khúc mà mình thích hoặc thành thạo nhất đi.”

Thẩm Ý dùng ngón tay lướt nhẹ qua dây đàn, chất liệu không bằng tơ tằm nhưng cũng được xem là thượng phẩm, móng tay của thân thể này cắt khá ngắn, có thể sẽ khiến lực đàn không đồng đều, ảnh hưởng đến hiệu quả diễn tấu nhưng giờ cũng đành chấp nhận thôi.

“Tăng tăng…”

Không thấy cô có động tác chuẩn bị gì khác, chỉ nhẹ nhàng đặt tay lên dây đàn, âm thanh tuyệt mỹ liền tuôn trào từ đầu ngón tay.

Văn lão đang cầm chén trà chuẩn bị nhấp một ngụm thì động tác bất giác dừng lại.

Âm điệu của Thẩm Ý mang theo một sự thanh khiết và tao nhã khó tả.

Tựa như gió lùa qua rừng tùng, như suối róc rách chảy…cảm giác thông suốt tự nhiên ấy khiến Văn lão dừng tay, nhắm mắt lắng nghe, cũng khiến Cao Hồng Dật – người từng chứng kiến nhiều buổi phỏng vấn cổ cầm sư cũng phải sững sờ.