Sau đó, Vạn Hạ Trình xuống lầu, lái xe đưa cậu về khách sạn.
Trên đường về, Bùi Tiểu Thập ngồi ở ghế phụ, ngón tay cào nhẹ dây an toàn rồi khẽ hỏi: "Sau này, chúng mình còn có thể ra ngoài ăn cùng nhau không ạ?"
Có thể thấy, trọng tâm là "ra ngoài", "ăn cơm" chỉ là cái cớ đi kèm.
"Được." Vạn Hạ Trình đã trả lời như vậy.
Nhưng đến cuối năm 2021, họ vẫn chưa gặp lại nhau.
Trong khoảng thời gian đó, Vạn Hạ Trình chỉ nhận được hai tin nhắn từ Bùi Tiểu Thập: Một lần vào giữa tháng 10, cậu nói sắp đi thử vai. Lần còn lại vào cuối tháng 11, khi thiếu niên thông báo mình chuẩn bị tham gia một đoàn phim.
Sau này, thỉnh thoảng Vạn Hạ Trình vào xem Weibo của Bùi Tiểu Thập. Hắn thấy bức ảnh có booking của cậu hồi ở khách sạn W. Thiếu niên trong ảnh được tạo hình chỉn chu, trang điểm kỹ lưỡng, thành phẩm được chỉnh sửa hậu kỳ rất cẩn thận. Cổ tay trắng nõn, không chút khiếm khuyết lộ ra dưới ống tay áo, khác hẳn cơ thể chằng chịt sẹo ở cổ tay, mắt cá chân và hai bên đùi vào đêm đó.
Một đứa nhóc sợ đau như cậu, lại dám tự rạch những vết đó lên người sao?
Trong hai quý tiếp theo, Vạn Trình Technology ra mắt một loạt sản phẩm mới. Công ty vẫn giữ phương án hợp tác với các chuyên gia công nghệ thay vì liên thông đa ngành. Vạn Hạ Trình bận đến mức hầu như không có ngày nghỉ. Mãi đến đầu năm 2022, hắn mới tranh thủ dịp Tết Dương Lịch về Vân Thành thăm Hứa Thục Anh.
Hắn gọi Hứa Thục Anh là "bà*."
(Chú thích: 婆婆 nghĩa gốc là mẹ chồng. Nhưng mình sẽ để là bà cho hợp bối cảnh.)
Trước đây, Hứa Thục Anh từ Vân Thành xa xôi gả tới ven Thượng Hải. Sau này, bà theo chồng làm việc tại một xưởng phân bón. Hai người sống trong một căn nhà cũ nát. Sau khi chồng qua đời vì bệnh lao, nhà máy cũng phá sản. Bà lần lượt mất cả chồng lẫn công việc, rồi bị đuổi khỏi nhà theo di chúc dòng họ, tứ cố vô thân. Nhưng Hứa Thục Anh không có thời gian khóc, vì hôm sau người phụ nữ này đã xắn tay áo tranh giành miếng cơm với một đám đàn ông lực lưỡng ngoài bến tàu. Khi đó, Hứa Thục Anh 43 tuổi.
Bà chỉ khóc một lần duy nhất khi chồng qua đời. Đến năm 45 tuổi, lúc đuổi thằng con nuôi báo cô suốt ngày đâm thuê chém mướn ra khỏi nhà, bà vẫn không rơi lấy một giọt nước mắt.
Sau này, Vân Thành bị lũ lụt, một cặp vợ chồng không may qua đời, để lại đứa con đỏ hỏn còn quấn tã. Họ hàng hai bên không ai muốn nuôi, đua nhau đùn đẩy trách nhiệm. Trái lại, một người lạ không có quan hệ máu mủ như Hứa Thục Anh đã ôm nó về Thượng Hải. Năm đó, bà đã 48 tuổi, vẫn còn rất khỏe mạnh, có thể làm việc bằng ba người.
Đứa trẻ may mắn sống sót sau trận lũ ấy chính là Vạn Hạ Trình.
Hồi nhỏ, thỉnh thoảng Vạn Hạ Trình theo Hứa Thục Anh về Vân Thành. Mỗi lần đi mất hai, ba ngày, còn phải đổi mấy chặng khác nhau. Ngày đó, hắn ngồi chen chúc giữa đống hàng hóa trong thùng xe ba gác chật chội, lắc lư suốt mười mấy tiếng đồng hồ qua những con đường gập ghềnh bất kể ngày đêm, đến mức không tài nào chợp mắt nổi. Giờ nghĩ lại, quãng đường đó chỉ cần vài tiếng đi ô tô. Cái giá để tiết kiệm vài đồng được đánh đổi bằng thời gian đi lại, bởi thứ rẻ nhất với người nghèo chính là thời gian.
Vạn Hạ Trình gọi Vân Thành là "quê" vì Hứa Thục Anh, chứ không phải do máu mủ hay tình thân, những thứ đó chẳng quan trọng với hắn.
Thực ra, lúc đầu hắn cũng được dẫn đi gặp họ hàng vài lần, nhưng hai người chưa bao giờ được mời ở lại ăn cơm. Trong mắt những kẻ đó, Hứa Thục Anh chỉ là một ả đàn bà góa chồng đã gả đi xa, có thể nuôi con của người khác nhưng lại đuổi con ruột ra khỏi nhà, trở thành món mồi ngon cho miệng đời đàm tiếu.
Họ cũng sớm quên rằng Vạn Hạ Trình họ Vạn chứ không phải họ Hứa, thậm chí còn gọi hắn là "cháu của bà ta."
Sau khi cha mẹ qua đời, Hứa Thục Anh không trở lại Vân Thành nữa. Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, đất đai và gia súc trong nhà đã sớm bị các anh em chia hết. Thứ duy nhất bà giữ lại được là đôi vòng tay mẹ để lại trước khi mất, nhưng sau này, bà cũng bán đi để lo cho Vạn Hạ Trình ăn học.
Hứa Thục Anh thường nói, con người với nhau quan trọng ở chữ "duyên". Khi hết duyên cạn phận, dù là người thân ruột thịt cũng sẽ chia lìa. Bà còn nói, lúc cần dứt khoát thì phải dứt khoát, bởi nghiệt duyên không phải là duyên. Cả đời Hứa Thục Anh luôn sống theo những triết lý này.
Vạn Hạ Trình đến Vân Thành vào giữa trưa. Hắn leo núi, tìm được mộ của mẹ nuôi giữa hàng loạt bia mộ khác.
Di ảnh trên phiến đá là hình Hứa Thục Anh chụp lúc trẻ, thời còn là công nhân. Bà tết hai bím tóc, cười lộ ra hàm răng trắng. Năm ấy, xưởng chưa đóng cửa, chồng bà vẫn còn sống. Cô gái tuổi đôi mươi trong bức ảnh có lẽ đã mang rất nhiều hy vọng về một tương lai tươi đẹp.
Di ảnh được Hứa Thục Anh tự chọn lúc còn sống. Khi bà nói muốn dùng tấm này, đôi mắt đã bị mù nhiều năm, phải dựa vào ký ức để miêu tả cho Vạn Hạ Trình tìm giúp.
Hắn cũng không ngờ, một người tự lập tự cường như Hứa Thục Anh lại muốn được chôn cất ở Vân Thành sau khi qua đời. Hóa ra, đến cả bà cũng giữ một góc nhỏ cho cái gọi là "nhà" trong lòng. Dù rằng sau khi lấy chồng, nơi ấy chẳng còn là nhà nữa, mà chỉ là "nhà mẹ đẻ."
Vạn Hạ Trình khuỵu gối, đặt bó hoa xuống trước mộ, rồi dùng tay áo lau bụi trên di ảnh và tên bà khắc trên phiến đá. Năm nào hắn cũng về đây một lần để trò chuyện với bà. Những câu chuyện thường lặp đi lặp lại, rằng bây giờ hắn đã có tiền, cuộc sống hiện tại rất tốt, bảo bà đừng lo lắng. Nếu năm nay có điều gì mới để kể, có lẽ sẽ là về Bùi Tiểu Thập.
Nhưng Vạn Hạ Trình lại không nhắc đến cậu.
Sau khi thăm viếng xong, hắn trở về Thâm Quyến ngay buổi chiều. Thành phố mỗi dịp nghỉ lễ luôn náo nhiệt, nhưng lúc này, những âm thanh đó trở nên thật phiền phức.
Những cơn mệt mỏi vốn chưa từng xuất hiện trong hằng hà sa số đêm dài trằn trọc thời thơ ấu, lại vô tình nhầm lẫn ùa vào cuộc sống hiện tại của hắn. Hồi nhỏ, Vạn Hạ Trình thường khó ngủ. Còn bây giờ, sau khi rời khỏi chuyến tàu từ Vân Thành về Thâm Quyến, hắn chỉ muốn một giấc ngủ thật ngon.
Khi xe taxi tiến vào khu chung cư, lần này Vạn Hạ Trình thấy Bùi Tiểu Thập đang đứng dưới lầu.