Hồ Sơ Xử Án Đại Lý Tự

Chương 39: Sơ Hở

Tiết Như Anh chống cằm nhìn hai người, nhất là bộ dạng Thôi Tự cố gắng che giấu sự lúng túng làm như mọi việc không liên quan đến mình kia. Nàng ấy cau chặt mày, luôn cảm thấy mình đã bỏ qua điều gì đó.

Giải quyết xong một việc lớn, Thôi Tự hiếm khi thở phào nhẹ nhõm. Mấy người bèn ở sau nha môn cùng nhau uống trà, ngẫu nhiên nói một câu chuyện vụ án.

Thấy thời gian không còn sớm, Tang Du thấy mình không có việc gì nữa liền đứng dậy cáo từ.

Tiết Như Anh còn muốn tiễn nàng.

Đương nhiên Tang Du từ chối. Tiết Như Anh là tự trực trong Đại Lý Tự, bận rộn bao nhiêu chuyện, sao có thể làm mã phu cho một dân chúng bình thường được. Tang Du cũng không dám không biết nặng nhẹ như vậy.

Thôi Tự cũng không ngăn nàng lại, chỉ là lúc Tang Du bước ra cửa mới gọi một tiếng: “Tang cô nương.”

Tang Du không hiểu, quay đầu nhìn về phía hắn.

Chỉ thấy Thôi Tự ngồi nghiêm chỉnh, sắc mặt nghiêm túc hỏi nàng: “Ta thưởng thức tay nghề khám nghiệm tử thi của Tang cô nương, đặc biệt thay mặt Đại Lý Tự mời Tang cô nương thay người chết giải oan.”

Tiết Như Anh và Chu Lương Tài đều sửng sốt, giống như nghe được chuyện gì đó không thể tưởng tượng nổi.

Tang Du cũng ngơ ngác nói: “Thôi tự chính là đang mời ta vào Đại Lý Tự làm việc sao?”

Thôi Tự trầm giọng nói: “Đúng là như thế.”

Tang Du im lặng một lúc, khuôn mặt nhỏ nhắn căng cứng nói: “Ta là nữ tử.”

Thôi Tự cười cười, thân thể thả lỏng lại, dựa vào sau ghế, ung dung nói: “Thôi Tự ta trước giờ chỉ hỏi tài hoa không hỏi xuất thân, nữ tử cũng được, nam tử cũng được, đối với ta mà nói đều giống nhau.”

Cái gì mà nam tử nữ tử, chẳng qua đều là một loại hình thái của con người mà thôi. Thôi Tự đã thấy rất nhiều nữ tử ưu tú, không nói đâu xa, riêng mẫu thân của hắn chính là một nữ trung hào kiệt. Có đôi khi Thôi Tự nghĩ, nếu như Phụ học khuê phòng không còn là công cụ trói buộc nữ tử, có phải nữ tử cũng có thể cân sức ngang tài với nam tử trên triều đình không?

Mẫu thân của hắn có tài khuynh thế. Bà ấy dùng mười mấy năm thời gian mang nữ tử vào tiền viện, lại bị người trong triều đình nhiều phen nghi kỵ, cuối cùng cũng chỉ có thể trở về hậu trạch.

Thế nhân đều cho rằng hắn không thích tiểu thư khuê các, tiểu gia bích ngọc, thật tình lại không biết, sau khi hắn gặp nữ tử thoải mái, ưu tú như mẫu thân thì những nữ tử khuê tú kia lại khó lọt được vào tầm mắt của hắn.

Hiện giờ Thôi Tự phát hiện lại có một khối ngọc thô đáng giá để hắn tạo hình, chỉ cần cho nàng thời gian và cơ hội, nhất định Tang Du sẽ có một chỗ đứng ở Đại Lý Tự.

Nếu Tang Du có thể đứng vững gót chân ở Đại Lý Tự, chỉ sợ mẫu thân biết sẽ mừng rỡ không thôi.

Tang Du lại một lần nữa im lặng: “Ta...”

“Ta biết ngươi không hạ được quyết tâm, nhưng ta vẫn sẽ giữ lời. Nếu như ngươi nghĩ thông rồi hãy nói với ta.” Thôi Tự trực tiếp cắt ngang lời nàng: “Đã không còn sớm nữa, về nhà sớm đi.”

Tang Du khẽ khom lưng hành lễ rồi xoay người đi ra giống như chạy trốn.

Tiết Như Anh thấy Tang Du đã đi xa, nhịn không được hỏi Thôi Tự: “Tự Chi, ngươi...”

Thôi Tự nghe Tiết Như Anh gọi tên chữ của hắn như vậy, biết nàng ấy là lén hỏi, hỏi ngược lại: “Như Anh, năm đó vì sao mà ngươi lại đến Đại Lý Tự?”

Tiết Như Anh ngạo nghễ nói: “Đương nhiên là bởi Đại Lý Tự là nơi rửa oan giải tội, binh sĩ Đại Hưng ta lấy việc quét sạch oan khuất của thiên hạ làm nhiệm vụ của mình!”

Thôi Tự nói: “Đã như vậy, Tang cô nương liền đáng giá.”

Tiết Như Anh suy tư một lát, đột nhiên nói: “Là tầm nhìn của ta hạn hẹp rồi. Đột nhiên ta chờ mong nhìn thấy nét mặt của Trịnh thiếu khanh khi thấy Tang cô nương, nhất định rất đặc sắc! Ha ha ha ha!”

Thôi Tự lắc đầu, trong lòng cũng bắt đầu mong đợi.

Tang Du được mong đợi cẩn thận bước ra khỏi cửa Đại Lý Tự.

Sai dịch trông cửa thấy nàng đi ra đều cười chào hỏi: “Tang cô nương đi thong thả, có thời gian rảnh thường xuyên tới.”

Tang Du cười phất tay từ biệt bọn họ.

Tang Du không gọi xe ngựa mà chậm rãi đi dọc theo đường cái. Lúc này sắc trời dù chưa tối nhưng cũng sắp đóng cửa chợ, dân chúng vội vàng chạy về nhà, sau khi chợ đóng cửa bọn họ chỉ có thể về trong phường hoạt động.

Đây là chế độ cấm đi lại ban đêm nghiêm khắc nhất của triều đại này. Vào ban đêm, đường cái Chu Tước phồn hoa trở về yên lặng, ngoại trừ Kim Ngô Vệ và phu canh, nếu không phải thánh nhân hạ lệnh thì bất kỳ người nào cũng không được ra ngoài hoạt động.

Chính chế độ này đã quản lý gần một triệu nhân khẩu Trường An gọn gàng ngăn nắp.

Điều này cũng làm tỉ lệ phạm tội ban đêm giảm xuống trông thấy, nhưng dù ban ngày, ở những nơi hẻo lánh không nhìn thấy vẫn luôn có chuyện dơ bẩn phát sinh.

Tang Du từng mang lý tưởng giúp đỡ chính nghĩa gia nhập bộ pháp y, nhưng chưa kịp tỏa sáng đã bị một tia chớp đưa đến cổ đại.

Không chỉ thế, thân thể nàng còn bị thu nhỏ lại, trở thành một cô nhi bị lũ lụt tàn phá quê nhà, mất đi thân nhân. Nếu không nhờ mẫu thân Tang Trăn cứu giúp, cho nàng cơm ăn áo mặc, chăm sóc như con gái ruột thịt thì chỉ sợ Tang Du đã sớm chết đi rồi.

Đối với Tang Du, báo thù cho phụ thân mẫu thân của Tang Trăn là động lực cả đời này của nàng.

Nhưng điều đó không có nghĩa Tang Du đã từ bỏ lý tưởng trở thành pháp y.

Giới pháp y có câu: “Nói thay cho người chết, nói cho quyền người sống.” Người chết đã khuất, người sống còn đây, sự tồn tại của pháp y không chỉ là nói thay người chết mà còn để người sống sống tốt hơn.

Bản tâm Tang Du chưa từng bị dao động.

Vì sao nàng cứ phải vào huyện Trường An? Một là huyện Trường An nhiều người nhiều việc, tự do tiện lợi, Tang Du muốn làm việc riêng sẽ đơn giản hơn. Hai là huyện Trường An gần Hình bộ nhất, nơi đó có vô số tư liệu án cũ. Nếu vào được nơi đó, nàng sẽ có cơ hội giải oan cho Tang Trăn.

Tang Du tin tưởng, chỉ cần cho nàng cơ hội, nàng sẽ tìm ra chân tướng.

Nhưng Đại Lý Tự thì khác, Đại Lý Tự là trọng địa, mọi cử động đều bị giám sát. Thậm chí Đại Lý Tự và Hình bộ kiềm chế lẫn nhau, không hòa hợp với nhau, Tang Du muốn điều tra án cũ sẽ càng khó khăn hơn.

Khi Tang Du về đến nhà, mặt trời chưa hoàn toàn xuống núi, tiếng trống chiều Trường An đã vang lên. Tiếng trống liên tiếp từ Hoàng thành kéo dài về phía nam, người trên đường cái Chu Tước cũng dần tản đi.

Tang Trăn vẫn ở cửa chờ nàng về giống như trước. Nàng ấy đã là thiếu nữ, không còn ngồi ở ngưỡng cửa chờ nàng như trước nữa mà sẽ để lại một khe hở ở cửa, thỉnh thoảng lại nhìn xung quanh.

Bữa tối là bánh rán còn lại ăn kèm với cháo trắng. Tang Du bưng bát sành, thấy Tang Trăn ăn vui vẻ lại không giấu được sự giáo dưỡng của nàng, trong lòng cảm khái vạn phần.

Tang Du nói: “Trăn Nương, muội cũng lớn rồi, sau này ít đến phòng bếp đi.”

Tang Trăn liếc qua tỷ tỷ nhà mình, thấy nàng không uống được mấy ngụm cháo bèn nói: “Muội không làm cơm thì tỷ làm nhé?”

Tay cầm đũa của Tang Du dừng lại, hòa khí thương lượng: “Hay là sau này chúng ta ra ngoài ăn rồi về nhà được không?”

Tang Trăn nghe vậy trợn mắt: “Tỷ nói hay thật, tiền đâu mà tỷ đòi ngày nào cũng ra ngoài ăn? Mà đồ ăn ở bên ngoài dù có ngon đến đâu cũng không yên tâm bằng cơm nhà được.”

Không đợi nàng trả lời, lại nói: “Tỷ tỷ, tỷ cũng không còn nhỏ nữa, làm sao cả ngày chỉ nghĩ chuyện hay thế?”

Tang Du bị chặn họng nói không ra lời, yên lặng uống một ngụm cháo, trong lòng tính toán nếu mời một đầu bếp nữ thì phải tốn bao nhiêu tiền.

Sau khi ăn xong, Tang Du đi rửa chén trong bếp, nhịn không được lại nghĩ tới lời Thôi Tự nói, không cẩn thận làm vỡ một cái chén.

Đến tối đi ngủ, Tang Trăn ôm gối mềm chạy đến phòng Tang Du, nhỏ giọng hỏi: “Tỷ tỷ, đêm nay muội có thể ngủ cùng tỷ không?”

Tang Du sửng sốt, sau đó nở nụ cười: “Đương nhiên là được.”