Đuổi hết mọi người ra ngoài, đương nhiên là để tiện cho cuộc đối thoại giữa hai người.
Một giọt mồ hôi lạnh lướt qua bên thái dương Hứa Phất Âm, khi nãy nàng quá căng thẳng nên không để ý đến cảm giác khó chịu trong cơ thể.
Không biết thứ giải dược kia là của nhà ai, nhưng tác dụng phụ cũng mạnh quá rồi? Chẳng lẽ Hứa gia ham rẻ, cho nàng dùng hàng giả kém chất lượng?
Nàng cố nhịn cơn buồn nôn, lắc đầu từ chối, nhưng vẫn gượng cười lễ phép trước sự chu đáo của Tiết Hoài Phong.
Tiết Hoài Phong cũng chỉ hỏi qua loa, thấy nàng không muốn ăn thì cũng không ép. Sau đó, y giải thích về việc khi nãy đã ngăn bà mối rải tiền cưới hái quả: "Hứa cô nương gả cho ta, chắc hẳn cũng là bất đắc dĩ. Những lễ nghi phiền phức ấy, ta tự ý miễn hết."
Y và Hứa Phất Âm mãi mãi không thể phu thê hòa hợp, càng không thể bách niên giai lão. Những lời chúc phúc kia không cần thiết, càng không có ý nghĩa.
Cuộc hôn nhân này chẳng qua chỉ là sản phẩm phụ của những ván cờ tranh đấu. Ăn thì vô vị, mà bỏ thì cũng không xong.
Dạ dày Hứa Phất Âm cuộn trào dữ dội, nhưng lớp trang điểm tân nương quá dày, sắc phấn rực rỡ che đi mọi dấu vết, khiến vẻ ngoài của nàng vẫn trông bình thản.
"Phu quân nói phải."
Hợp tình hợp lý, không có gì để phản bác.
Nàng cũng không tin chỉ cần rải tiền cưới hái quả, kết tóc thành phu thê là có thể sống với nhau hòa thuận mỹ mãn. Tỷ lệ phu thê bất hòa thời cổ đại vốn đã vượt mức báo động.
Cách xưng hô "Phu quân" này không phải lần đầu tiên Hứa Phất Âm gọi. Khi nãy nàng đã gọi trước mặt bà mối, y cho rằng đó chỉ là diễn kịch cho người ngoài xem, nhưng không ngờ lúc riêng tư nàng cũng dùng cách gọi này.
"Hứa Phất Âm ta thà gả cho mèo chó cũng không thèm gả cho kẻ vô dụng!"
"Tiết gia muốn xung hỉ có thể tìm bất cứ ai, tại sao lại đến hại ta?"
"Tiết Hoài Phong, hắn chết không có chỗ chôn, ta muốn hắn xuống địa ngục A Tỳ chịu ngàn vạn hình phạt mới có thể giải được mối hận trong lòng!"
Ánh mắt Tiết Hoài Phong sắc bén lên trong chớp mắt, nhưng lại mau chóng cong môi cười nhạt, giọng điệu càng thêm dịu dàng: "Tiết mỗ tự nhận không xứng với Hứa cô nương. Đợi Tiết mỗ chết rồi, sẽ để lại một tờ hưu thư cùng chút sản nghiệp cho cô nương."
Người xưa rất kiêng kỵ chữ "Chết", người như Tiết Hoài Phong lại chẳng hề né tránh khi nhắc đến, thực sự hiếm thấy.