Đạo Y

Chương 5: Đừng có mê tín hơn cả tôi

Nhìn lại tên đạo sĩ học thức kém cỏi kia, trạng thái hiện tại của ông ta phải nói là vô cùng tệ hại, áp lực đè nặng đến mức phong thái tiên phong đạo cốt cũng không còn giữ nổi. Dưới ánh mắt giận dữ của bà Dương, ông ta chỉ biết lủi thủi quay đầu bỏ chạy.

Bà lão tức giận phun một ngụm nước bọt vào bóng lưng gã đạo sĩ. May thay, bà đã kịp ghi lại tên và số điện thoại của kẻ lừa đảo này; bà quyết không để ông ta được yên thân.

Về phần đạo trưởng Triệu, ông cảm thấy xấu hổ không kể xiết. Vì nóng vội mà ban nãy ông đã ngăn cản Chu Cẩm Uyên, ai ngờ kết quả lại thành ra như vậy. Ông ngượng ngùng gãi đầu, lắp bắp nói: “À thì… không ngờ Chu sư đệ mới 21 tuổi đã tài giỏi đến thế này.”

Nghe đến đây, bà Dương tròn mắt ngạc nhiên, rồi bất giác thốt lên: “Sao cơ? 21 tuổi á? Tôi cứ tưởng cậu ấy mới 16, 17 thôi đấy!”

Nụ cười của Chu Cẩm Uyên bỗng chốc đông cứng trên gương mặt: “…”

Trong suy nghĩ của mọi người, bác sĩ càng già càng nhiều kinh nghiệm. Đằng này, anh không chỉ quá trẻ mà còn sở hữu gương mặt non choẹt chưa thành niên. Đây quả thực là nỗi đau lớn nhất của anh.

Mặc dù 21 tuổi đã không còn là trẻ con, nhưng so với các bác sĩ khác thì vẫn còn quá trẻ. Cậu bác sĩ thực tập thầm nghĩ, không ngờ kỹ thuật châm cứu của anh lại xuất sắc đến như vậy, thậm chí còn nhanh và hiệu quả hơn cả các bác sĩ châm cứu được thầy hướng dẫn mời đến hội chẩn.

Chính vì thế nên ban nãy cậu ta mới bị sốc nặng. Hành động và lới nói của anh không phải vì giữ thể diện mà đơn giản là cậu ta thật sự không kịp phản ứng với tình huống này.

Tuy nhiên, chính điều này lại khiến cậu ta nhớ ra một chuyện. Trong đông y, để thi lấy chứng chỉ hành nghề, không nhất thiết phải theo học ở trường y chính quy; người ta hoàn toàn có thể học theo truyền thống gia truyền, từ thầy truyền xuống trò. Có lẽ, Chu Cẩm Uyên đã bắt đầu học từ khi còn rất nhỏ.

Cậu bác sĩ thực tập thở phào nhẹ nhõm. Hôm nay, cậu ta đã học được một bài học quý giá. Cậu ta thầm nhủ rằng khi về nhà sẽ tìm hiểu thêm về [Thập Tam Quỷ Huyệt], biết đâu sau này sẽ cần đến nó.

Xoa xoa cánh tay nôit da gà vì căng thẳng, cậu bác sĩ thực tập đùa một câu với Chu Cẩm Uyên: “Nói thật nhé, kỹ năng diễn xuất của đúng là đỉnh, chuyên môn lại còn cao nữa chứ. Tôi chưa bao giờ thấy đông y hiệu quả nhanh như vậy. Ban nãy tôi suýt thì tưởng là có ma thật, sống lưng lạnh toát đây này.”

Chu Cẩm Uyên liếc nhìn cậu ta một cái, điềm nhiên phủi bụi trên bộ đồ đạo sĩ của mình rồi đáp: “Cậu học y học phương Tây mà, phải tin vào khoa học chứ. Đừng có mê tín hơn cả tôi.”

Cậu bác sĩ thực tập nghẹn lời, chỉ biết tròn mắt nhìn anh: “Cậu… %¥#@*………”

Thôi bỏ đi...

...

Đạo môn có năm thuật phái: Sơn, Y, Mệnh, Tướng và Bói.

Từ xưa đến nay, đạo gia đã sử dụng y thuật, xem mệnh, xem tướng và bói toán để truyền đạo.

Trong lịch sử, nhiều danh y nổi tiếng như Đào Hoằng Cảnh, Tôn Tư Mạc thực chất cũng là đạo sĩ.

Đến thời hiện đại, tuy hai nghề này đã tách biệt hoàn toàn, nhưng vẫn còn tồn tại một số trường hợp đặc biệt - Chu Cẩm Uyên chính là một trong số đó. Gia đình họ Chu đời đời làm đạo sĩ và hành nghề y, truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Là đạo sĩ tu tại gia, nhà họ Chu khác biệt hoàn toàn với hình tượng đạo sĩ ẩn cư trong rừng sâu mà người ta vẫn thường nghĩ đến. Họ sống giữa đời thường như bao người khác, có gia đình, sinh con đẻ cái.

Từ nhỏ, Chu Cẩm Uyên đã được dạy kinh điển đạo gia, học các phương thuốc, nghiên cứu thảo dược, đồng thời tiếp xúc với Kinh Dịch và Bát Quái.

Bảo anh là đạo sĩ thì không đúng, vì anh sống giữa thế tục như bao người bình thường; còn bảo anh là bác sĩ đông y thì lại thấy anh còn thần bí hơn cả mấy lang băm quảng cáo thuốc dạo trên tivi.

Vừa đặt chân đến một vùng đất mới như tỉnh Hải Châu, muốn chữa bệnh cho một đứa trẻ, anh còn phải vừa dỗ dành vừa nói dối.

Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì truyền bá đạo lý của mình—Bách tà điên cuồng đều là bệnh.

Chu Cẩm Uyên mời hai chàng thanh niên cùng bà Dương lần sau đến đạo quán nghe giảng đạo. Thật bất ngờ, cả hai đều đồng ý.