Người ta thường nói, "Bà con xa không bằng láng giềng gần." Kiếp trước, Đặng Thế Vinh sống một mình ở quê nhà. Dù con cháu chu cấp đầy đủ tiền dưỡng già, nhưng mỗi khi đau ốm, chẳng ai ở bên chăm sóc.
Người giúp đỡ ông nhiều nhất trong những năm cuối đời chính là một người cháu họ xa, Đặng Xương Bình. Nhà anh nằm đối diện con suối nhỏ trước cổng nhà ông.
Quan hệ giữa hai nhà khá thân thiết. Ông nội của Đặng Xương Bình là anh họ của Đặng Thế Vinh, cha của họ là anh em ruột.
Hiện tại, Đặng Xương Bình mới 26 tuổi nhưng đã là bố của ba đứa trẻ. Ba năm trước, bốn anh em trai trong nhà đã tách hộ, tự lo cuộc sống riêng.
Vợ chồng trẻ nuôi ba con nhỏ, sống chung với bố mẹ trong căn nhà cũ, cuộc sống không dễ dàng gì.
Giờ đây, ruộng đất được chia về từng nhà. Nếu nhà mình không định canh tác, thì cho Đặng Xương Bình mượn ruộng là lựa chọn tốt nhất.
Nghĩ vậy, Đặng Thế Vinh quay sang con gái út và nói:
"A Châu, con đi gọi anh Xương Bình qua đây, bố có chuyện muốn bàn."
"Dạ!" Đặng Doãn Châu dạ một tiếng, rồi chạy băng qua con suối nhỏ để gọi người.
Ba phút sau, Đặng Xương Bình đã có mặt.
Vừa bước vào cửa, anh ta cười tươi hỏi:
" Cửu công, có chuyện gì dặn dò ạ?"
Đặng Thế Vinh đặt điếu thuốc xuống, chậm rãi nói:
"Bây giờ đội sản xuất đã chia ruộng xong. Nhà cháu năm miệng ăn, mỗi người bốn sào, tổng cộng hai mẫu. Cho dù năm nay được mùa, trừ đi phần nộp cho nhà nước và phần nhà dùng, cũng chẳng còn bao nhiêu lúa."
Đặng Xương Bình thở dài:
" Cửu công, chuyện này cũng chẳng còn cách nào khác. Đội sản xuất mình ruộng đất ít, trong khi bên thôn Mã lại được chia nhiều, mỗi người hai, ba mẫu. Nhà nào cũng có ruộng dư, cuộc sống mới thực sự có hy vọng."
Đặng Thế Vinh khẽ thở dài:
"Thật ra, phần lớn ruộng bên thôn Mã vốn là của làng mình. Nhưng hồi còn làm ăn tập thể, bí thư đại đội khi đó là người làng Nà Gia mình. Vì nghĩ làm nhiều hay ít cũng như nhau, nên để giảm bớt gánh nặng cho dân làng, ông ấy đã chia phần lớn ruộng cho thôn Mã canh tác.
Nào ngờ vài năm sau, chính sách thay đổi, các thôn lập thành đội sản xuất riêng. Khi muốn lấy lại ruộng, bên thôn Mã không chịu trả nữa.
Thế nên mới có chuyện làng mình ruộng ít đến mức đáng thương, còn thôn Mã lại dư dả không trồng hết."
Đặng Xương Bình từng nghe người lớn trong nhà kể chuyện này, liền cười khổ:
"Chuyện này cũng không thể trách bí thư đại đội khi ấy, suy cho cùng ông ấy cũng chỉ muốn giúp làng mình đỡ khổ. Chẳng ai ngờ tình thế lại xoay chuyển nhanh như vậy, cuối cùng lại thành mất cả chì lẫn chài."
Hai người trò chuyện về chuyện cũ một lúc, rồi Đặng Thế Vinh đi thẳng vào vấn đề:
"Xương Bình, Cửu công gọi cháu qua là muốn nhờ cháu trồng giúp phần ruộng nhà ta. Cháu chỉ cần lo nộp lương thực cho nhà nước, cháu thấy sao?"
Đặng Xương Bình ngạc nhiên:
" Cửu công, bác không định tự làm ruộng ạ?"
Đặng Thế Vinh cười đáp:
"Nhà bác, Doãn Thái làm công nhân ở xưởng ngói, Doãn Hành và mấy đứa nhỏ đều đang đi học. Còn bác, bây giờ chuyển sang làm mối, không còn thời gian để trồng trọt nữa!"
Sau khi thiệp cưới của Đặng Xương Phúc và Quan Vĩnh Anh được gửi đi, cùng với tin Đặng Xương Mai về làng tìm nhà chồng, cả thôn đều biết Cửu công chuyển nghề làm mai mối.
Hơn nữa, ai cũng rõ Cửu công còn là nhà thầu lớn của xưởng ngói. Vì vậy, việc bác ấy không muốn làm ruộng cũng dễ hiểu.
Việc Cửu công gọi mình qua hỏi han, rõ ràng là đang giúp đỡ mình. Bởi lẽ, dân quê sống nhờ vào đồng ruộng, có ai lại chê ruộng nhiều đâu?
" Cửu công, cảm ơn bác đã giúp đỡ cháu. Cháu sẽ lo phần nộp lương thực, còn lúa thu hoạch được, mình chia đôi!" Đặng Xương Bình xúc động nói.
Đặng Thế Vinh bật cười:
"Không cần chia đôi đâu! Đến vụ, cháu cứ mang sang cho Cửu công trăm tám chục cân lúa là được!"
Từ nhà Cửu công về, Đặng Xương Bình cười tươi như hoa, bước vào nhà trong tâm trạng phấn khởi.
p/s: nay 4c nha