Kiếp Trước Vì Nàng Mà Chết

Chương 22: Phát tài trong nháy mắt

“Dung Nhi, con chưa từng xem sổ sách, không hiểu chuyện buôn bán. Con gả vào Bắc Vương Phủ, lỡ Tạ gia nổi lòng tham muốn lấy của hồi môn của con, không có thúc mẫu giúp con trông coi, thúc mẫu lo con sẽ thiệt thòi!” Thường thị trong lòng trầm xuống, nhưng trên mặt lại là vẻ dịu dàng ân cần, tỏ ra nghĩ cho nàng.

Khương Dung liên tục gật đầu, “thúc mẫu nói đúng, có thúc mẫu ở đây, con chưa bao giờ phải lo, người đối với con rất tốt. Chỉ là, Thái phi muốn giao quyền quản lý nhà cửa cho con, để con lo liệu sản nghiệp của Tạ gia, nhưng bị Triệu Trắc phi ngăn cản, bà ấy nói con chưa từng làm mấy chuyện này. Con buộc phải có chút kinh nghiệm mới có thể tiếp nhận gia nghiệp của Tạ gia.”

Hô hấp của Thường thị lập tức nghẹn lại, “con nói gì cơ? Tạ lão Thái phi muốn giao gia nghiệp của Bắc Vương Phủ cho con? Con mới vừa gả vào thôi mà!”

“Mọi thứ của Bắc Vương Phủ vốn là của Tạ Lăng Hy. Không giao cho phu thê chúng con, lẽ nào cứ để Triệu Trắc phi quản lý sao? Thái phi tin con hơn cả tin Triệu Trắc phi, đây vốn là điều đương nhiên. Con và Thế tử phu thê đồng lòng.” Khương Dung mỉm cười.

Thường thị nghĩ lại, đúng là vậy.

Khương Dung là Thế tử phi của Bắc Vương Phủ, là người danh chính ngôn thuận nên nắm giữ Bắc Vương Phủ.

Chỉ có điều bà ta không nghĩ lão Thái phi lại giao quyền nhanh như vậy.

Nhanh đến mức vượt ngoài dự liệu của bà ta.

Trong thoáng chốc, bà ta thật sự hy vọng Khương Dung có thể sống thêm một thời gian, tiếp nhận gia nghiệp của Tạ gia vào tay trước, chia cho bà ta một ít rồi hãy chết.

“Dung Nhi chắc chắn, không đầy nửa tháng sẽ có thể lấy được quyền quản lý gia nghiệp của Tạ gia.” Khương Dung nhìn Thường thị:

“Nhưng cần thúc mẫu giúp con. Con lấy sổ sách, khế đất mang về trước, việc buôn bán vẫn phải nhờ người của thúc mẫu trông coi, trên sổ sách không thể để bị tổn thất. Thái phi một lòng muốn con nắm quyền, có những thứ này mới đủ để bịt miệng Triệu Trắc phi. Dù có tiếp nhận gia nghiệp của Tạ gia, con cũng không hiểu việc làm ăn. Con sẽ giao lại hết cho thúc mẫu, người thay con quản lý, con chỉ cần mỗi tháng cho người Tạ gia xem sổ sách. Những quản sự và sổ sách của Tạ gia con đều không tin tưởng, vẫn phải nhờ người sắp xếp.”

Thường thị nghe xong hơi thở gấp gáp.

Nếu bà ta lo liệu buôn bán và sổ sách, chẳng phải đồng nghĩa với việc bà ta chiếm bao nhiêu bạc, Tạ gia đều không thể phát hiện sao!

Chỉ cần làm đẹp khoản ghi.

Cái này thì dễ!

Nhưng kế hoạch này phải tranh thủ làm nhanh, phải tranh thủ trước khi Khương Dung chết, vơ vét thêm chút bạc của Tạ gia!

Khương Uyển có thể gả vào làm tục huyền hay không, trời mới biết. Nhưng thời khắc này, cơ hội phát tài trong nháy mắt lại đang bày ra trước mặt!

“Dung Nhi, thúc mẫu đương nhiên sẽ giúp con! Con yên tâm, những việc này thúc mẫu sẽ lo liệu ổn thỏa cho con.” Thường thị lòng đầy hưng phấn, lập tức ra lệnh cho ma ma bên cạnh:

“Đi lấy tất cả sổ sách hồi môn của nhị tiểu thư đến đây!”

Ma ma nhận lệnh lui xuống.

Thường thị không chút lo lắng về việc những thứ này có thể lấy lại hay không. Bởi vì, Khương Dung trúng độc, vô phương cứu chữa, nàng chắc chắn sẽ chết.

Mà nhà chồng chắc chắn không thể giữ hồi môn. Sau khi nàng chết, toàn bộ gia sản của nàng đều phải trả lại cho Khương gia.

Đối với Thường thị mà nói, những thứ này, một tháng sau là có thể lấy về hết nên bà ta mới hào phóng cho đi như thế.

“Nhưng, trước kia chẳng phải con không quan tâm đến việc buôn bán sao?" Thường thị hơi ngạc nhiên.

Tính cách của Khương Dung là bị bà ta cố ý nuôi dưỡng thành kẻ mọt sách, một lòng chỉ đọc sách thánh nhân, trọng tình cảm, coi nhẹ vật chất bên ngoài.

Để dễ bề dùng tình thân trói buộc nàng, khiến nàng cam tâm tình nguyện hy sinh vì Khương gia, đổi lấy lợi ích.

Nếu không phải vị đại nhân kia mang độc Hoàng Tuyền đến, muốn lấy mạng Khương Dung.

Một quân cờ ngoan ngoãn hiểu chuyện như vậy, có thể để bà ta lợi dụng cả đời.

Dĩ nhiên, lấy mạng Khương Dung, đổi lại vô số lợi ích, thì cũng là một món hời.

“Hiện tại con cũng không có hứng thú. Nhưng Tạ Lăng Hy đã hủy hoại cả đời con, nếu con không khiến Tạ gia suy tàn thì làm sao trút được giận, con không cam lòng!” Khương Dung mặt đầy oán hận:

“Thúc mẫu, người không biết đâu, con bị ép gả cho y, sống không bằng chết! Con hận không thể cùng y đồng quy vu tận!”