Xuyên Nhanh Nữ Phụ Pháo Hôi Lựa Chọn Làm Ruộng

Chương 6:

"Sửa xong rồi ạ, con nhờ chị ấy may cho con một cái quần mới. Mẹ không biết đâu, bây giờ trong thành phố đang thịnh hành kiểu quần con vẽ, mua thì đắt lắm, mà mang ra tiệm may thì, con hỏi rồi, đơn hàng của ông thợ may chính phải đến cuối năm mới xong, còn thợ phụ thì con không yên tâm, lỡ may hỏng tấm vải của con thì sao. Vừa hay chị dâu may vá rất đẹp, lại còn tiết kiệm được một khoản tiền công, vải thừa còn may được đôi giày nữa…"

Nghe vậy, sắc mặt mẹ Từ dịu đi không ít, nhưng vẫn còn hơi bực bội:

"Quần áo, giày dép thì lúc nào may chả được, cứ bổ củi xong đã, mẹ thấy là nó cố tình trốn việc đấy."

"Ôi trời mẹ ơi, số củi kia dùng đến hai tháng mới hết, số còn lại cứ để đó đã, đợi may xong quần rồi bổ tiếp. Mẹ đừng bắt chị dâu làm việc nặng nữa, mẹ nhìn xem, tay chị ấy thô ráp thế kia, con sợ chưa kịp may xong, tấm vải của con đã bị xước hết rồi. Con còn định mặc chiếc quần mới đi khoe với bạn bè đây này, bọn nó bỏ tiền ra mua còn chưa chắc đã đẹp bằng cái quần con tự may đâu."

Mẹ Từ nghe vậy bèn đưa tay điểm điểm lên trán con gái:

"Con bé này, chỉ được cái thích làm đẹp! Nhưng mà con gái của mẹ xinh xắn thế này, làm đẹp cũng phải thôi. Thôi được rồi, để cho con dâu mẹ được nhàn hai ngày, đợi may xong quần rồi bổ củi cũng chưa muộn."

"Vâng ạ, còn nữa, mẹ đừng cho chị ấy đi gánh phân nữa."

Từ ngày thực hiện chính sách khoán hộ ruộng đất đến nay, nhà nào chỉ lo việc nhà nấy.

Nhà họ Từ ít người nên ruộng đất được chia cũng không nhiều.

Qua vụ mùa, mọi người không cần phải ra đồng suốt ngày đêm nữa.

Nhưng những người già neo đơn, mất chồng, mất con trong chiến tranh lại rất vất vả, nhất là những công việc nặng nhọc như gánh phân, họ làm sao làm nổi.

Vì vậy, cán bộ trong thôn nói ai đi gánh phân giúp các cụ, đến cuối năm, khi tháo nước ao hồ để bắt cá, nhà đó sẽ được chia thêm mấy cân.

Mẹ Từ nghe vậy bèn cho con dâu đi làm ngay.

Dù sao thì người mệt cũng đâu phải bà, đến cuối năm còn kiếm thêm được mấy cân cá tươi, tội gì mà không làm.

"Gánh phân thì có là gì đâu, ba bốn ngày mới đến lượt một lần, việc nhẹ như vậy mà cũng không làm được nữa à?" Mẹ Từ thản nhiên nói.

"Ôi trời, cái mùi đó kinh khủng lắm."

Từ Nhân giả vờ bịt mũi.

"Con nói từ lâu rồi, lần nào con về đến nhà cũng thấy cái mùi đó nồng nặc, quần áo mới của con để trong phòng chị ấy, con sợ chưa kịp mặc đã bị ám mùi rồi."

Mẹ Từ nghe vậy thấy cũng có lý, nhưng vẫn có chút tiếc nuối:

"Thôi thì thôi vậy, tiện cho nó. Tết năm nay lại mất mấy cân cá rồi. Món cá mè hoa hầm đậu phụ mà con thích nhất, không biết còn đủ để chia cho con một con không nữa."

"..."

Dù thế nào thì Từ Nhân cũng dùng đủ mọi lý lẽ, cuối cùng mẹ Từ cũng đồng ý trong khoảng thời gian này sẽ không phân phó việc nặng cho chị dâu nữa.

Ngoài việc nhà hàng ngày ra, những việc khác đợi may xong quần áo rồi tính tiếp.

===***===

"Bố mẹ, con đi học đây."

Sáng hôm sau, Từ Nhân ăn sáng xong, xách cặp sách nặng trịch lên.

Trong cặp, ngoài hai cuốn sách ra thì còn lại đều là thức ăn mà mẹ Từ chuẩn bị cho cô.

Cô móc cặp sách vào ghi đông xe đạp, xoay người dặn dò bố mẹ:

"Bố mẹ giữ gìn sức khỏe nhé, trời nóng đừng uống nước lã, uống nước trà hoặc nước sôi để nguội ấy. Bố mẹ để ý chị dâu giúp con, quần áo ban ngày may là được rồi, đừng may ban đêm, vừa hại mắt vừa tốn dầu… Còn nữa, bố mẹ đừng cho Đậu Đậu ra suối, ra sông một mình, nước lạnh dễ bị chuột rút lắm, đã bị chuột rút rồi thì có biết bơi cũng vô ích, huống hồ Đậu Đậu còn chưa biết bơi, nhỡ có chuyện gì thì hối không kịp…"

"Biết rồi, biết rồi, có mỗi chuyện đấy mà cũng phải dặn." Mẹ Từ phẩy phẩy tay, bà thấy mấy hôm nay con gái nói nhiều chẳng khác gì bà.

Bé Đậu Đậu ngồi xổm dưới mái hiên, tay nghịch con ếch giấy, nhìn theo bóng dáng Từ Nhân đạp xe ra ngõ.

Trước đây, mỗi lần cô đi học, nó đều lén lút vui mừng, vì chỉ cần cô ở nhà là cằn nhằn nó. Nó ước gì cô đi học suốt ngày đừng về.

Nhưng bây giờ, cô lại đối xử với nó rất tốt.

Chuyện này mà nói ra, chắc lũ bạn trong thôn không tin đâu:

Cô không chỉ cho nó kẹo cam thảo chua chua ngọt ngọt, mà còn kể chuyện, gấp ếch giấy cho nó nữa.

Ếch giấy tuy không biết kêu, nhưng lại biết nhảy.