Đế quốc mùa thu năm 1631, sương nhuộm đỏ lá, gió cuốn vạn dặm.
Đã hơn bốn năm trôi qua kể từ ngày Hoàng đế bệ hạ vĩ đại của Đế quốc bị ám sát.
Trong biến cố ấy, ngài bị thương nặng ở vùng đầu và rơi vào hôn mê sâu, đến nay vẫn chưa tỉnh lại.
Suốt bốn năm qua, toàn bộ các chuyên gia y học hàng đầu của Đế quốc đều tập trung tại Đế đô, cật lực nghiên cứu ngày đêm, không ngừng phân tích, phỏng đoán về tình trạng của bệ hạ, rồi lại liên tục phủ định các kết luận trước đó.
Họ thử đủ mọi phương pháp, tận dụng mọi kỹ thuật, nhưng vẫn không cách nào đánh thức được ngài.
Không ai biết vì sao ngài lại rơi vào hôn mê. Cũng không ai biết vì sao từng ấy năm trôi qua rồi mà ngài vẫn chưa tỉnh.
Đối với toàn cõi Đế quốc, bệ hạ không chỉ là người thống trị. Sự tồn tại của ngài còn đóng vai trò trấn áp các sinh vật khổng lồ nơi vực sâu thuộc tinh hà Adalia.
Thêm vào đó, hiện tại có Viện Nguyên Lão đảm nhiệm quốc sự, mọi hoạt động của Đế quốc vẫn diễn ra bình thường.
Vì thế, dù bệ hạ đã hôn mê hơn bốn năm, chưa từng có ai dám đề xuất chuyện thoái vị, càng không ai nghĩ đến việc lập một vị hoàng đế mới.
Hôm ấy, bệ hạ cùng Tổng quản cung vụ Thiệu Dã rời cung, đến hành tinh Ceres để xử lý những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh. Trên đường tới Ceres, ngài bất ngờ gặp phải vụ ám sát.
Theo những gì hiện có, Viện Giám Sát nhanh chóng xác định nghi phạm lớn nhất trong vụ việc chính là Tổng quản cung vụ Thiệu Dã, người đã đi cùng bệ hạ hôm đó.
Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, Thiệu Dã đã biến mất không để lại dấu vết.
Cũng bởi thế, nghi ngờ đổ dồn về phía cậu lại càng lớn hơn.
Hai năm sau, Viện Giám Sát cuối cùng cũng lần ra tung tích Tổng quản cung vụ từng mất tích, tìm thấy cậu tại một hoang tinh thuộc tinh hệ thứ tư.
Lúc bị phát hiện, cậu đang nhặt rác. Khi trông thấy một chiếc phi thuyền mang huy hiệu Viện Giám Sát đáp xuống gần đó, cậu còn bình thản đứng tám chuyện cùng đám dân nghèo về chiếc phi thuyền ấy.
Cậu đã mất trí nhớ.
Cậu thậm chí không còn nhớ mình là ai, lại càng không nhớ được chuyện gì đã xảy ra vào cái ngày bệ hạ bị ám sát.
Do thiếu chứng cứ, Viện Giám Sát không thể buộc tội cậu. Muốn làm rõ rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra trong ngày hôm đó, họ chỉ còn cách tìm cách khôi phục ký ức của Thiệu Dã.
Họ mời tới nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực như thần kinh học, tâm lý học để hội chẩn và điều trị cho Thiệu Dã.
Nhưng giống như việc không thể đánh thức bệ hạ khỏi cơn hôn mê, họ cũng không thể tìm lại ký ức đã mất của cậu.
Họ đã tiêu tốn hàng trăm triệu tinh tệ cho cậu, nhưng kết quả cuối cùng, Thiệu Dã vẫn chỉ lắc đầu và nói rằng, cậu chẳng nhớ được gì cả.
Cứ thế giằng co suốt hai năm, các quan chức phụ trách vụ án này rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Họ cho rằng, có lẽ vụ việc này sẽ cứ thế rơi vào ngõ cụt vô thời hạn.
Thế nhưng đúng vào lúc đó, dự án “Neverland” do Viện Nguyên Lão đầu tư lại có bước tiến mang tính đột phá. Họ đang cần một nhóm tình nguyện viên để thực hiện các bài kiểm tra cho dự án này.
Cái tên “Neverland” được lấy cảm hứng từ hòn đảo trong truyện cổ tích Peter Pan.
Trong câu chuyện ấy, Neverland là biểu tượng của tuổi thơ bất diệt và những điều đẹp đẽ.
“Neverland” mà chính phủ đầu tư xây dựng thực chất là một thế giới thứ hai – tách biệt khỏi hiện thực nhưng lại đủ chân thực.
Trong trạng thái lý tưởng, công dân chỉ cần nhận tài khoản, đăng nhập vào Neverland là có thể tận hưởng một cuộc đời hoàn toàn khác.
Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ đưa những tình nguyện viên ấy vào Neverland, đồng thời phát sóng trực tiếp những gì họ trải nghiệm tại đó cho toàn dân cùng xem.
Việc này vừa giúp người dân hiểu toàn diện về Neverland, vừa mang lại nguồn thu đáng kể cho nhóm dự án.
Quả thực là một mũi tên trúng hai đích.
Những tình nguyện viên được đưa vào Neverland đều đã được tuyển chọn kỹ lưỡng.
Trong số họ, có những diễn viên từng nổi đình nổi đám nhưng nay sa sút, có thiên tài xuất chúng trong vài lĩnh vực nhất định, cũng có những người bình thường không mấy nổi bật.
Nhóm dự án sẽ tiến hành nhiều loại kiểm tra khác nhau đối với từng người, sau đó tổng hợp kết quả để quyết định mỗi thế giới được mở ra.