Quan Môn Quỷ Sự

Chương 1: Chôn cất chú ba họ

Tôi tên là Hồ Lục Cân, người Đông Bắc.

Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ miền núi phía Đông Bắc, bởi vì khi mới sinh ra, tôi là một đứa trẻ nặng 5 cân 7 lạng, để cầu may mắn, ông nội tôi mới đặt tên cho tôi là Lục Cân.

Vùng đất Đông Bắc, quá kỳ bí.

Đặc biệt là những ngôi làng nhỏ trên núi như chúng tôi gần với rừng sâu núi thẳm, thỉnh thoảng lại xảy ra những việc kỳ quái khá tà môn, có những chuyện được truyền miệng từ những người già, có những chuyện thì nghe lỏm từ những câu chuyện tán gẫu của những người phụ nữ đứng dưới tường.

Có thể nói, tôi lớn lên từ nhỏ đã nghe những chuyện kỳ quái này.

Nhưng tôi lại hoàn toàn không tin.

Bởi vì tôi đã từng đi học, là người duy nhất trong làng học xong cấp 3.

Vì vậy, tôi biết rằng những câu chuyện về thần thánh, quỷ quái phần lớn chỉ là những lời người lớn dùng để dọa trẻ con, bịa đặt ra mà thôi. Nhưng chỉ có hai việc, từ bé đã để lại bóng đen trong lòng tôi, cứ nghĩ đến là thấy bất an.

Một trong số đó gọi là "Âm quan mượn đường [1]", ý nói đến con đường dẫn lên khu mộ trên núi của làng chúng tôi.

[1] Dân gian kể, là một sự kiện siêu nhiên được truyền bá trong dân gian. Nó có nghĩa là có thể nhìn thấy quân lính đi trên đường trong rừng hoặc đồng ruộng vào ban đêm.

Nghe nói, đi trên con đường này vào đêm khuya, đều sẽ gặp một cỗ quan tài lớn màu đỏ thẫm nền đen đặt bên đường, không ai biết trong quan tài chứa cái gì, nhưng bên trong sẽ gọi tên bạn, một cách thê lương thảm thiết.

Nếu bạn không kìm được lòng hiếu kỳ mà nhìn vào bên trong, thì đến tối hôm sau, dù bạn ở đâu, cho dù có chạy đến chân trời góc biển cũng vậy, bạn sẽ bị nhốt vào bên trong.

Cho đến khi có người sống thứ hai bị nhốt vào, người ta mới có thể tìm thấy thi thể nguyên vẹn của bạn trong khu mộ.

Còn chuyện thứ hai, là "Vớt xác dưới nước".

Nói về con sông nước thải ở dưới chân khu mộ nằm ở lưng chừng núi, con sông ấy, coi như là sông mẹ của Hồ gia thôn chúng tôi, từ khi thôn làng hình thành, con sông này đã có rồi.

Nhưng trong làng có quy định kỳ lạ.

Bất kể lúc nào, bạn cũng không nên ở bên bờ sông đó quá tám giờ tối.

Chỉ cần quá tám giờ, mặt trăng ló dạng, nước sông sẽ chuyển màu đỏ, rồi một bàn tay trắng bệch sẽ vươn ra, kéo bạn xuống sông và dìm chết bạn.

Hai điều này, từ bé đã là cơn ác mộng của tôi.

Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, tôi sẽ chứng kiến cả hai điều này cùng một lúc.

Ngày hôm đó là đầu mùa thu.

Tôi vừa đi học về, ông tôi để lại cho tôi một mảnh giấy nói rằng ông lên huyện, bảo tôi tự ăn cơm một mình.

Một ngày cuối tuần hiếm hoi.

Tôi dự định nghỉ ngơi thật tốt một đêm, rồi ngày hôm sau đi dạo một vòng trong thành phố.

Vì vậy, tôi đã đi ngủ sớm,

Trời còn chưa tối, đã có người đập cửa nhà chúng tôi rầm rầm, tôi vừa mới chợp mắt được một lúc, không muốn để ý, nhưng ai ngờ chỉ trong chốc lát đã có người nhảy qua tường vào, kéo tôi ra khỏi chăn.

"Anh Hoài Tam, sao anh lại kéo em dậy vào giữa đêm hôm khuya khoắt thế này, có chuyện gì không thể nói vào ngày mai được sao? Em ngủ thêm chút nữa, anh đừng quản em, ngày mai em còn phải vào thành phố."

"Vào cái quái gì mà vào, thằng nhóc này quên mất nhà mình làm nghề gì rồi à?"

"Thật không biết đầu óc mày nghĩ gì nữa, đúng là định đi làm sinh viên đại học đấy à? Nhanh lên, đừng nói nhảm nữa, chú ba của mày mất rồi, đừng làm mấy trò vớ vẩn nữa, mau đi với tao một chuyến, lấy cái quan tài ra."

Hồ Hoài Tam rất sốt ruột, vội vàng kéo tôi đi ra ngoài.

"Chú ba, mất rồi ư?"

Tôi nghe xong sửng sốt, chú ba mà anh ấy nói tôi tất nhiên là biết, cũng tính là họ hàng xa của tôi, nhưng tuần trước ông ấy vẫn còn sống khỏe mạnh, sao đột nhiên nói mất là mất?

Nhưng tôi không có thời gian để hỏi nhiều.

Bởi vì lục khắp toàn bộ Hồ gia thôn, chỉ có nhà chúng tôi là làm nghề buôn bán quan tài. Giờ chú ba phải an táng, tìm đến chỗ tôi, người chết là việc lớn, nếu tôi còn dám lười biếng, chắc là ông nội tôi về đá chết tôi mất.

Quãng đường không xa nhưng khi đến nơi tôi nhận ra có điều gì đó không ổn.

Bởi vì đèn l*иg nhà chú ba họ được thắp màu xám tro, và nơi đặt linh cữu của chú ba họ cũng không đúng, căn bản không phải ở đại sảnh, mà lại đặt ở giữa sân.

Chúng tôi ở đây có câu, gọi là "dừng năm không dừng sáu, dừng trong không dừng ngoài".

Từ đời ông nội tôi, nhà chúng tôi đã làm nghề quan tài, tuy tôi không tham gia nhiều, nhưng cũng biết chỉ có người chết bất đắc kỳ tử mới đặt linh cữu ở giữa sân.

Bởi vì nếu đặt trong nhà, không chừng sẽ phải mang đi vài người, âm khí nặng lắm.

Điều kỳ quái hơn nữa là, không biết thím ba nghĩ thế nào, lại đốt cho chú ba bảy người giấy đồng nam đồng nữ.

Tôi vừa nhìn, đã hơi sững sờ, liền hỏi ngay.