Trọng Sinh Lấy Lòng Phu Quân Thái Tử

Chương 25

Đối với Bồ Châu, so với việc ứng phó Hoàng đế và Thượng Quan Hoàng hậu mà nàng quá quen thuộc, thì cuộc triệu kiến có phần khác biệt đến từ Thái hoàng Thái hậu Khương thị, mới là điều càng khiến nàng không dám lơ là.

Thái hoàng Thái hậu Khương thị triệu nàng vào cung Bồng Lai vào buổi chiều. Hôm ấy, nàng vẫn dậy sớm như thường lệ, chậm rãi tắm gội dưới sự hầu hạ của nhũ mẫu. Đợi mái tóc dài khô ráo, nàng thay y phục, khoác lên người bộ lễ phục vừa nhận được. Bên trong là tầng trung y thuần trắng, bên ngoài mặc xiêm áo liền tay màu xanh, cổ áo và viền tay áo đều được thêu hoa văn uốn lượn vừa tinh xảo lại trang nhã, eo thắt đai lưng màu đỏ thẫm. Vì vẫn là khuê nữ chưa xuất giá, nàng không cài trâm hoa trang sức bằng vàng bạc hay lưu ly như các mệnh phụ, chỉ vấn gọn mái tóc đen nhánh, để lộ chiếc cổ thon dài trắng muốt. Sau khi búi tóc xong, nàng thuận theo kiểu trang điểm thịnh hành của các nữ tử kinh thành hiện nay, điểm một đóa chu điền hình hoa lăng trên trán, cài lên mái tóc một đóa mẫu đơn đỏ thắm vừa được cắt xuống. Đóa mẫu đơn đỏ ấy khéo léo tôn lên màu sắc của chiếc đai lưng nàng đang dùng, khiến dung mạo nàng càng thêm kiều diễm, thanh tú động lòng người.

Buổi trưa, xe ngựa của hoàng cung đến đón nàng đỗ lại trước cổng dịch xá. Nhũ mẫu đưa nàng ra ngoài, xuyên qua tiền đường, cả quãng đường đi, không ít nam nhân đều ngoái đầu nhìn theo.

Nàng lên xe ngựa, dưới ánh mắt quan tâm xen lẫn vui mừng của nhũ mẫu, xe lăn bánh, hướng thẳng về cung Bồng Lai.

Bồ Châu nhớ kiếp trước Thái hoàng Thái hậu Khương thị đã triệu kiến nàng ở điện Gia Đức, nơi bà thường tiếp khách. Nhưng lần này, dù người dẫn nàng vào vẫn là vị lão nữ quan họ Trần, song địa điểm lại có sự khác biệt.

Nàng được đưa đến Phân Lâm Uyển.

Đúng như tên gọi, nơi đây là khu vườn trong cung Bồng Lai, cỏ cây xanh mướt, suối nước róc rách. Thái hoàng Thái hậu Khương thị vừa mới nghỉ trưa xong, vận một bộ cung trang nửa mới nhưng không cũ, tựa trên sạp gấm đặt tại gian thủy các, bốn mặt thoáng đãng. Hoài Vệ nằm sấp trên đầu gối bà, xoay qua xoay lại không ngừng, trông như đang làm nũng cầu xin điều gì đó. Đối diện bà là một thiếu nữ diện cung trang trạc tuổi Bồ Châu, làn da trắng mịn, phần cằm nhỏ nhắn, dáng vẻ đoan trang xinh đẹp. Nàng ta che miệng bằng một cây quạt tròn, trộm cười khi nhìn Hoài Vệ. Mười mấy cung nữ xung quanh cũng đang che miệng, cười khúc khích.

Khương thị cũng mỉm cười vui vẻ, bầu không khí trông vô cùng hòa hợp.

Nữ quan họ Trần bảo Bồ Châu chờ một lát, rồi tự mình tiến lên, cười nói: “Tôn nữ nhà họ Bồ đến rồi ạ.”

Hoài Vệ quay đầu lại, chui ra khỏi người Khương thị nhanh như chớp, chạy vèo tới, hớn hở reo lên: “Cuối cùng tỷ cũng tới! Ta năn nỉ ngoại tổ mẫu cho tỷ đến đây chơi đấy, ngoại tổ mẫu đồng ý ngay! Mau qua đây nào!”

Giọng điệu của cậu hết sức thân thiết.

Các cung nữ đều ngừng cười, đưa mắt nhìn sang.

Thiếu nữ mặc cung trang kia cũng nghiêng đầu, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên.

Bồ Châu không dám thất lễ, chỉ khẽ cười, gật đầu với Hoài Vệ. Nhằm tránh trường hợp cậu buột miệng nói ra điều gì không thích hợp với khung cảnh này, nàng lập tức quỳ xuống trước sạp gấm, cung kính dập đầu.

Khương thị không tỏ vẻ kinh ngạc hay bất ngờ, chỉ liếc nhìn Bồ Châu, gật đầu rồi bảo nàng đứng lên, lệnh cho người ban chỗ ngồi. Cung nữ nhanh nhẹn dâng ghế, Bồ Châu cúi đầu cảm tạ.

Hoài Vệ cũng nhanh nhảu nói theo: “Ngoại tổ mẫu, vậy người cho tỷ ấy ăn đi! Con chỉ nhìn thôi, không ăn, được không?”

Trời dần ấm lên, đến trưa đã có cảm giác oi bức. Ban nãy Hoài Vệ ăn ít hoa quả ướp lạnh trong chén băng, trước nay chưa từng ăn đồ mát, giờ miệng lại thòm thèm. Khương thị không cho cậu ăn thêm, cậu liền cố làm nũng, vừa nãy đang mè nheo thì đúng lúc Bồ Châu đến, nên bị ngắt ngang. Giờ nhớ ra, cậu lại bắt đầu nài nỉ.

Khương thị bất đắc dĩ, cười lắc đầu, đành sai người mang thêm một ít đến, dặn: “Lần này ăn hết là thôi, nếu còn làm nũng nữa, ngoại tổ mẫu sẽ giận thật đấy.”

“Con biết rồi, biết rồi mà!”

Hoài Vệ gật đầu thật mạnh.

Chẳng bao lâu sau, cung nữ đã bưng hoa quả tới. Những trái anh đào đỏ mọng, những quả tỳ bà vàng óng, những trái vải đỏ thắm, lớp vỏ còn đọng những giọt sương, trông vô cùng hấp dẫn.

“Ăn đi!” Khương thị nói.

Hoài Vệ liên tục gật đầu, vừa đưa tay ra thì bỗng nhớ ra điều gì, quay sang nói với Bồ Châu: “Tỷ cũng ăn đi!”

Bồ Châu khẽ đáp: “Đa tạ tiểu vương tử. Tiểu vương tử cứ từ từ dùng nhé.”

Khương thị gật đầu, ánh mắt ôn hòa lướt qua nàng rồi dịu giọng nói: “Cô là cháu gái của Bồ Du Chi nhỉ? Năm nay bao nhiêu tuổi?”

“Bẩm Thái hoàng Thái hậu, tháng trước thần nữ vừa tròn mười sáu.”

Khương thị nói: “Tuổi đẹp quá, chẳng khác nào một đóa hoa. Những năm ở Hà Tây chắc đã chịu không ít khổ cực?”

Bồ Châu tóm lược khoảng thời gian sau khi nàng được đại xá cho đến khi Dương Hồng thu nhận trong vài câu, cúi đầu nói: “Cũng không khổ gì đâu ạ, đa tạ Thái hoàng Thái hậu quan tâm.”

Khương thị liếc nhìn nàng rồi lại hỏi về Dương Hồng, sau khi biết rõ ngọn nguồn mối quan hệ giữa ông và phụ thân Bồ Châu, bà thở dài: “Thì ra là thế! Đúng là người trọng tình trọng nghĩa, hiếm có khó tìm.” Bà lại hỏi hiện giờ ông đang làm gì, Bồ Châu nhắc lại những chuyện ông đã trải qua trước khi được thăng quan, nói tiếp: “Trước khi thần nữ vào kinh thì a thúc vẫn đang làm Đô úy Tuyên Uy ở Hà Tây.”

Khương thị nói: “Lòng trung dạ sắt là điều quan trọng nhất, huống chi còn có năng lực. Người như thế, chắc chắn sẽ dốc hết sức vì triều đình. Để y rèn luyện thêm hai năm nữa, ta nghĩ y hoàn toàn có thể làm đến chức Đô hộ Hà Tây.”

Bồ Châu bái tạ: “Thần nữ thay mặt Dương a thúc tạ ơn Thái hoàng Thái hậu đã coi trọng.”

Khương thị lại hỏi trong nhà nàng hiện còn những ai. Bồ Châu nhắc đến A Cúc. Nghe nói bà bị câm bẩm sinh, từ khi nàng lên tám đã luôn ở bên chăm sóc, không rời không bỏ, Khương thị thoáng xúc động, hỏi bà là người ở đâu. Sau khi được biết bà đến từ huyện Vạn Niên thuộc Kinh Triệu, Khương thị quay sang lão nữ quan nói: “Ban y phục, ban vàng lụa. Ngươi nhớ bảo huyện Vạn Niên lập ký lục cho bà ấy, ghi danh vào hương chí [1] với danh trung nghĩa.”

[1] hương chí: sử sách địa phương vùng nông thôn.

Lão nữ quan vâng dạ. Bồ Châu vội đứng dậy, lần nữa quỳ xuống, dập đầu tạ ơn.

Khương thị phất tay: “Một tôi tớ trung thành như thế, khen thưởng cỡ nào cũng không quá đáng.”

Hoài Vệ ở một bên, vừa nhìn hai người nói chuyện vừa nhét đầy hoa quả vào miệng, lúng búng nói: “Ngoại tổ mẫu này, nơi này của người rộng quá, con muốn tỷ ấy đến ở chung với chúng ta, được không ạ?”

Khương thị bật cười, hỏi Bồ Châu: “Ý cô thế nào?”

Bồ Châu hiểu ngay ý bà.

Nếu Khương thị thật sự muốn giữ nàng lại ở cung Bồng Lai, chỉ cần nói thẳng, hà tất phải hỏi nàng làm gì.

Nàng đáp ngay: “Đa tạ ý tốt Thái hoàng Thái hậu và tiểu vương tử, thần nữ cầu còn không được. Có điều, Quách Thái phó và tổ phụ của thần nữ có giao tình nhiều năm, hai vợ chồng ngài ấy xem thần nữ như con, đã quyết định xong việc đón thần nữ đến sống trong nhà.”

Khương thị gật đầu: “Vậy cũng tốt.” Rồi quay sang nói với Hoài Vệ: “Nếu con muốn gặp nàng thì thường xuyên mời nàng đến đây chơi là được.”

Hoài Vệ có phần không vui, nhưng dù sao cậu cũng đã lớn rồi, phải hiểu chuyện, lần này trước khi lên đường mẫu thân đã dặn đi đặn lại rằng nhất định phải vâng lời ngoại tổ mẫu, không được nghịch ngợm, cậu bèn chu môi nói: “Được ạ. Mẫu thân đã dặn con phải nghe lời ngoại tổ mẫu.”

Khương thị mỉm cười, xoa nhẹ lên mái đầu tròn trịa của cậu bé.

Hoài Vệ nhân cơ hội hỏi: “Vậy hôm nay để tỷ ấy ở lại chơi có được không ạ?”

Khương thị nhìn về phía Bồ Châu.

Bồ Châu vội nói: “Thần nữ không dám làm phiền Thái hoàng Thái hậu và tiểu vương tử.”

Lần này Khương thị lại nói: “Không cần câu nệ. Lão thân nghe Hoài Vệ nói cô và nó quen biết nhau, nên mới gọi cô vào đây trò chuyện đôi câu. Chỗ này của lão thân vốn rất vắng, thường ngày cũng ít người, bên cạnh chỉ có mỗi Ninh Phúc. Mấy đứa tuổi tác xấp xỉ, sau này nếu cô có thể thường xuyên đến chơi, chỗ này của ta cũng náo nhiệt hơn chút.”

Ninh Phúc là thiếu nữ mặc cung trang ngồi kế bên.

Đương nhiên Bồ Châu biết nàng chính là cô con gái còn lại của Lương Thái tử, tên là Lý Tuệ Nhi, Ninh Phúc là phong hào quận chúa của nàng. Năm đó Lương Thái tử bị kết tội tự sát, Đông cung bị lật đổ, lúc ấy nàng mới chỉ sáu bảy tuổi, sau này được Khương thị nhận nuôi, mấy năm nay vẫn một mực ở bên Khương thị trong cung Bồng Lai.

Kiếp trước, ấn tượng của Bồ Châu về nàng không sâu đậm lắm, chỉ cảm thấy nàng tính tình trầm lặng, dường như rất nhút nhát, ngày thường hiếm khi ra ngoài. Sang năm khi Khương thị qua đời, đến năm thứ hai mãn tang, nàng được Hoàng hậu Thượng Quan làm chủ gả đi, nhà chồng là một thế gia đã sa sút. Với thân phận đặc thù của nàng, sau khi mất đi sự che chở của Khương thị, trong kinh thành này, có gia tộc quyền quý nào đang thịnh mà lại bằng lòng cưới nàng chứ? Hình như Phò mã cũng không đối xử tốt với nàng, nàng gả đi chưa được hai năm thì lâm bệnh qua đời.

Có thể nói, kiếp trước trong hoàng cung này, con gái của Lương Thái tử chính là nữ quyến duy nhất mà Bồ Châu có chút ấn tượng tốt, cũng như có sự đồng cảm. Nhưng chỉ dừng lại ở đó. Dù sao cũng chẳng có giao tình gì, hơn nữa khi ấy nàng chỉ là một Thái tử phi nhỏ bé, mỗi bước đi đều phải cẩn thận dè chừng, tự bảo vệ được bản thân đã là tốt lắm rồi, nào có thừa tâm sức và sinh lực để lo chuyện của người khác?

Ninh Phúc nghe Khương thị nhắc đến mình thì trộm nhìn Bồ Châu, cúi mắt xuống.

Hoài Vệ ăn xong, ợ một hơi rồi dùng khăn ướt cung nữ dâng đưa tới lau tay, ngồi không yên nữa, kéo Bồ Châu đi ra ngoài chơi, gọi cả Ninh Phúc: “Cô cũng qua đây.”

Khương thị mỉm cười gật đầu: “Đi đi, cẩn thận, mới ăn no xong đừng chạy lung tung.”

Khương thị đã lên tiếng, Bồ Châu đành phải tuân mệnh, Lý Ninh Phúc cũng đứng dậy đi theo. Các cung nữ phía sau lần lượt nối gót, một đoàn người rầm rộ tiến đến thạch đình bên hồ gần đó. Trong đình có bày sẵn một bàn cờ, Hoài Vệ nhìn thấy liền nhao nhao đòi chơi cờ.

Bồ Châu chơi với Hoài Vệ hai ván, đều thua. Hoài Vệ đắc ý vô cùng, cảm thấy mình vô địch thiên hạ. Bồ Châu liếc nhìn Lý Ninh Phúc đang ngồi lặng lẽ trên băng ghế đá bên cạnh, mỉm cười nói: “Ta không biết chơi, hay để quận chúa chơi với ngài đi.”

Hoài Vệ đang hào hứng, vội kéo Lý Ninh Phúc lại, Bồ Châu liền nhường chỗ.

Hoài Vệ chống tay lên bàn, cùng Lý Ninh Phúc chăm chú đánh cờ. Bồ Châu đưa mắt nhìn về thủy các ở phía đối diện không xa, xuyên qua cửa sổ, trông thấy Khương thị vẫn chưa rời đi mà đang tựa vào ghế, dường như nhắm mắt dưỡng thần, lão nữ quan bên cạnh lẳng lặng hầu hạ. Bỗng nhiên có một cung nữ bước vào, dường như truyền lời gì đó. Một lát sau, một phụ nhân xinh đẹp, vận y phục lộng lẫy, cài trâm hoa trên đầu, dẫn theo một người khác đi vào, hành lễ với Khương thị.

Người này chính là Trưởng công chúa Thượng Dương, tên là Lý Lệ Hoa, con gái của Trần Thái hậu đương triều, chị ruột của Hoàng đế Hiếu Xương. Nàng dẫn theo con trai đến thăm Khương thị, vừa hành lễ xong liền cười tươi, chỉ vào con trai nói: “Giao nhi cũng lâu rồi chưa đến thăm người, bảo nhớ người vô cùng. Hôm nay cứ nằng nặc đòi gặp người bằng được, con bèn đưa nó đến để bày tỏ chút lòng hiếu thuận.”

Hàn Xích Giao cúi mình hành lễ, chúc hoàng tằng ngoại tổ mẫu an khang.

Trần tần, mẹ đẻ của Minh Tông đã qua đời mới đích thực là bậc trưởng bối thân sinh theo huyết mạch của dòng này. Nhưng theo tông pháp, Khương thị là đích mẫu trưởng bối. Dĩ nhiên, tông pháp nặng hơn huyết thân. Ngày trước, khi Trần tần còn sống, Trưởng công chúa Thượng Dương cũng thường xuyên dẫn con trai đến cung Bồng Lai để tận hiếu.

Khương thị miễn lễ cho Hàn Xích Giao, hỏi han vài câu về tình hình gần đây, nghe nói dạo này hắn chăm chỉ học hành, bà mỉm cười khen ngợi.

Trưởng công chúa cười nói: “Nó đâu xứng để được tằng ngoại tổ mẫu khen ngợi như thế, con chỉ sợ nó đắc ý, lại chểnh mảng mất. Còn phải nhờ người dạy bảo thêm mới đúng. Lần trước nhờ nghe lời người nên về nhà nó mới chú tâm vào việc học.”

Khương thị nói: “Giao nhi, nếu con thật sự nghe lời tằng ngoại tổ mẫu, lão thân sẽ nói với Tế tửu Quốc Tử Giám thu nhận con làm đồ đệ. Có ông ấy đích thân chỉ dạy, việc học của con chắc chắn sẽ tiến bộ.”

Hàn Xích Giao nào có tâm tư đọc sách, hôm nay chẳng qua là bị mẹ kéo tai lôi đến đây mà thôi. Nghe vậy, hắn hoảng hốt, vội nói: “Sách ở nhà con còn chưa đọc xong, đợi con đọc xong rồi, tằng ngoại tổ mẫu hẵng tìm thầy cho con, được không ạ?”

Trường công chúa sợ con trai lại làm trò mất mặt, vội đẩy hắn sang một bên chờ, còn mình thì tiến lên trước, dâng lên một chiếc tráp đã mang theo, nói rằng đây là hai cây sâm trăm năm, mới có được hai hôm trước, hôm nay đặc biệt mang tới để thể hiện chút lòng hiếu thảo.

Lúc nãy trên đường vào, Hàn Xích Giao đã liếc thấy một nhóm người trong thạch đình. Hắn tinh mắt, thoáng cái đã phát hiện ra Bồ Châu, lúc này mới biết hôm nay nàng cũng đến cung Bồng Lai. Trong lòng mừng thầm vì vận may tốt, nhân lúc mẫu thân đang trò chuyện với Khương thị, hắn lén rút lui, vừa ra ngoài liền ba chân bốn cẳng chạy thẳng đến thạch đình. Khi sắp đến nơi, hắn đang định bước ra thì trông thấy Hoài Vệ, bèn chần chừ một chút rồi dừng lại, ẩn mình sau một bụi cây bên bờ nước, len lén quan sát những người trong đình.

Tiểu thục nữ nhà họ Bồ mặc áo xanh, thắt đỏ thắm, trán điểm chu điền, tóc cài trâm mẫu đơn. Khác hẳn với dáng vẻ hôm trước, hôm nay nàng đẹp theo kiểu lộng lẫy hơn hẳn. Nàng từ trong đình bước ra, ngồi xuống một tảng đá bên hồ. Mặt nước lấp loáng phản chiếu bóng dáng nàng, nước da trắng nõn càng thêm rạng rỡ. Hàn Xích Giao nhìn đến ngây người, không nỡ dời mắt dù chỉ một thoáng.

Kiếp trước, mãi về sau Bồ Châu mới biết được rằng, người cô ruột đồng thời cũng chính là vị Trưởng công chúa Thượng Dương này, đã từng bí mật nhúng tay vào chuyện lập Thái tử phi của Lý Thừa Dục. Vì vậy khi trông thấy nàng ta đến, nàng đã để ý đến động tĩnh bên đó, cố ý ngồi ở chỗ đón gió cạnh đình, nghiêng tai lắng nghe những lời vọng lại từ thủy các.

Lúc đầu, giọng nói văng vẳng, dường như chỉ là chuyện phiếm. Nhưng chốc lát sau, bỗng nhiên giọng của Trưởng công chúa vυ't cao, truyền rõ đến tai nàng.

“…Con nghe nói hai vợ chồng kia lại có ý định gả cháu gái cho Dục nhi! Nếu cháu gái nhà đó thật sự xứng đáng thì cũng đành đi, đằng này không tự soi lại mình xem có dáng vẻ gì, phẩm hạnh ra sao! Con nghe nói, hai hôm trước Hoàng hậu còn đón người vào cung, còn gọi cả Thái tử đến, sắp đặt cho hai người gặp mặt. Hoàng tổ mẫu, người nói xem, chuyện này là thế nào? Trước đây Thừa Dục lập Thái tử phi là con gái Thượng Quan Ung, không sai, nhưng cũng đâu thể vì thế mà Thái tử phi cứ nhất định phải là họ Thượng Quan. Hoàng tổ mẫu nói có đúng không? Rốt cuộc Thượng Quan Ung có ý gì, có phải ông ta coi thiên hạ này là của họ Thượng Quan rồi không?”

Quả nhiên, hôm nay Trường công chúa đến cung Bồng Lai là vì chuyện hôn nhân của Lý Thừa Dục.

Ngay sau đó, Bồ Châu nghe thấy giọng nói mơ hồ của Khương thị cũng vang lên: “Nếu cháu gái của Thượng Quan Ung không ổn, con thấy ai mới là người thích hợp?”

Trường công chúa hơi dừng lại rồi đáp: “Chuyện này vốn không liên quan gì đến con, chỉ là con thương Dục nhi, quan tâm nên mới nhắc vài câu. Nếu nói về người phù hợp, con thấy con gái nhà họ Diêu đúng không tệ.”

Việc Trưởng công chúa Lý Lệ Hoa và Hoàng hậu Thượng Quan, mẫu thân của Lý Thừa Dục, bất hòa đã chẳng còn là bí mật gì, ai ai cũng biết. Người mà nàng ta tiến cử chính là Diêu Hàm Trinh. Kiếp trước, sau khi Bồ Châu được lập làm Thái tử phi, không bao lâu sau, Diêu Hàm Trinh cũng nhập Đông cung, trở thành Trắc phi.

Khương thị trầm mặc một lúc, rồi nói: “Chuyện hôn sự của Dục nhi, con vẫn nên hỏi ý của cung Tích Thiện đi.”

Cung Tích Thiện là nơi ở của Trần Thái hậu, tọa lạc trong cung Trường An.

Trưởng công chúa nói: “Sức khỏe mẫu hậu vốn không tốt, huống hồ trưởng bối còn tại thế, xưa nay mẫu hậu vẫn luôn rất kính trọng người, người nói gì thì chính là như thế.”

Khương thị nói: “Ta già rồi, cả ngày chỉ biết ở đây ngủ vùi, chuyện ngoài kia giờ cũng chẳng rõ mấy. Nếu mẫu hậu con cũng không có ý gì, vậy thì chuyện hôn sự của Dục nhi cứ để Hoàng đế tự quyết đi.”

Trong thủy các lặng đi một lúc, qua một hồi lâu, Bồ Châu nghe thấy Trưởng công chúa lại lên tiếng, nhưng lần này, người được nhắc đến không còn là Lý Thừa Dục, mà lại là Lý Huyền Độ.

Nghe đến cái tên này, tim Bồ Châu như thắt lại, nàng nín thở, tập trung tinh thần lắng nghe những lời nói vọng lại từ bên ấy.

“…Hẳn mấy ngày nữa Tứ đệ cũng phải về đến nơi rồi đúng không nhỉ? Trước đó con có nhận được thư nhà của Phò mã, trong thư hết mực ca ngợi Tứ đệ. Nhưng mà nói thật lòng, không phải con muốn biện minh cho Phò mã, lần này chuyện xảy ra bên Thiên Thủy nằm ngoài dự đoán, còn nghiêm trọng hơn cả Hà Tây. Phò mã dẫn binh truy bắt, vốn dĩ đã sắp tóm được nghịch vương, ai ngờ nghịch vương quá gian xảo, lợi dụng địa thế để lẩn trốn. Sau khi Tứ đệ đến, đệ ấy và Phò mã cùng nhau phối hợp, cuối cùng mới bắt được người, dẹp yên loạn lạc. Lần này hồi kinh, con nhất định sẽ bảo Phò mã dâng sớ nhận tội, bất tài suýt nữa làm hỏng đại sự, phụ lòng Hoàng đệ đã tín nhiệm. Về phần Tứ đệ, lần này đệ ấy lập được đại công, nhất định phải ban thưởng thật hậu hĩnh!”

Giọng điệu Khương thị trầm thấp, nghe không rõ bà nói gì, nhưng rất nhanh sau đó, giọng nói sang sảng của Trưởng công chúa lại vang lên: “…Tứ đệ cũng không còn nhỏ nữa, nói thật lòng, trước kia lận đận thế nào con đều trông thấy cả, muốn giúp cũng bất lực, nghĩ lại mà xót xa, chẳng biết đã khóc bao nhiêu lần vì đệ ấy. May mà giờ đây tất cả đều đã ổn! Nhân dịp đại thọ của Hoàng tổ mẫu, nhất định phải sắp xếp cho đệ ấy một mối hôn sự thật tốt. Cứ chần chừ mãi thì thực không biết đường nào mà lần…”

Trưởng công chúa đang bàn chuyện hôn nhân của Lý Huyền Độ, bỗng nhiên, một cung nhân từ bên ngoài vội vã chạy vào, lao thẳng về phía thủy các, thần sắc kích động, thậm chí không màng đến quy củ trong cung, vừa chạy vừa lớn tiếng hô: “Tần vương điện hạ đã trở về! Tần vương điện hạ đã trở về!” Hô liền hai tiếng, vừa lúc gặp lão nữ quan họ Trần vội vàng chạy ra, y lập tức quỳ sụp xuống đất, hoan hỉ dập đầu: “Bẩm Trần ma ma! Tần vương điện hạ đã về, đến thỉnh an Thái hoàng Thái hậu rồi, hiện đang chờ bên ngoài!”