Trước hết, các bạn cần hiểu rằng đây là câu chuyện của tôi, không phải cái gã mới xàm xí mấy câu mở đầu cuốn sách này.
Tôi là Xuân, Nguyễn Vũ Xuân, năm nay 25 tuổi. Trong suốt 20 năm đầu của cuộc đời, tôi chưa bao giờ yêu thích cái tên có phần hơi nữ tính của mình, nhưng cũng chưa từng phủ nhận nó. Bỏ qua sự thật là cả thời mẫu giáo, khi mà giới tính của lũ trẻ con thường bị nhập nhằng bởi những bộ quần áo hay kiểu tóc na ná nhau; hay khi lên lớp 11, tôi liên tục bị bạn bè gọi bằng cái tên Xuân Tóc Đỏ (dù chưa từng biết mùi nhuộm tóc là gì) thì thực chất, cái tên này cũng không gây ra nhiều phiền toái đáng kể.
Cũng có đôi lần tôi ấm ức hỏi mẹ về nguồn gốc cái tên nghe cứ như dành cho con gái này, mẹ chỉ cười mỉm, xóa đầu tôi và cắt nghĩa rằng: “Xuân có nghĩa là mùa xuân, Vũ có nghĩa là cơn mưa. Bố và mẹ đã có con vào một ngày mưa xuân lất phất bay, con trai ạ!”. Lời giải thích văn hoa mơ mộng đó đã làm tôi phấn khởi lên trong một thời gian khá dài, cho tới khi bản thân đủ lớn để kịp nhận ra mưa xuân bẩn như thế nào, và trẻ con không được sinh ra từ nách!
Ấy thế mà tôi cũng mang cái tên đó được 25 năm rồi. Cu Xuân năm nào vẫn bị bạn bè trêu tên như con gái giờ là một thanh niên cao lớn, có nghề ngỗng đàng hoàng. Những năm tháng cấp ba chẳng giỏi gì ngoài vẽ vời linh tinh đã đưa tôi đến với trường đại học Mỹ thuật nho nhỏ nằm ở nội đô một thành phố biển, và 5 năm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc của bố mẹ đã đem lại cho tôi một tấm bằng ra đời chưa biết dùng để làm gì. Thuyền theo gió, chó theo bài, tôi bèn ở luôn lại tường, nhận làm trợ giảng với lời hứa chăm chỉ công tác thì lương lậu sẽ lên dần, có khi lại thành giảng viên chính thức không biết chừng.
Kỳ thực, tôi không quá quan tâm tới những lời ấy. Tuy nhiên, đặt vào hoàn cảnh của một thằng con trai vừa ra trường không lâu, không thực sự có một lối đi nghề nghiệp rõ ràng nào thì nghề trợ giảng không phải là một lựa chọn quá tệ. Nó đủ nhàn rỗi để mỗi buổi chiều tôi có thể ra khỏi cổng trường lúc 5 giờ, đồng lương củng đủ để trả tiền nhà, chi tiêu linh tinh và dành dụm một khoản phòng thân kha khá. Thế nhưng, cuộc sống ở thành phố này mới là thứ khiến tôi bứt rứt chẳng yên.
Bạn vừa hỏi tại sao, đúng không?