Hồi 44: Khương Tử Nha bị trù, hồn bay về trời
Hồi 44: Khương Tử Nha bị trù, hồn bay về trời Văn Thái Sư cùng mười vị Ðạo sĩ trở về đến dinh ăn uống vui vầy.
Văn Trọng hỏi Tân Hoàn:
- Mười trận phép quý huynh vừa lập có thể cầm chắc chiến thắng Tây Kỳ không?
Tân Hoàn nói:
- Riêng về trận Thiên Tuyệt thì thầy tôi truyền phép Thiên Tiên gây máy tạo hóa. Trong trận có ba cây phướng: Thiên, Ðịa, Nhân gọi là tam tài. Nếu ai vào trận ấy nghe một tràng sấm tức thì mình mẩy ra tro, dù cho thần tiên cũng phải nát thành bột.
Có bài thơ khen trận Thiên Tuyệt rằng:
Thâu hết tam tài đã đắn đo
Ít ai bàn được thấu căn do.
Thần tiên vào phá Thiên Tuyệt trận
Xương thịt tan tanh hóa bụi tro.
Văn Thái Sư nghe nói, liền hỏi:
- Còn trận Ðịa Liệt ra thế nào?
Triệu Giang nói:
- Trận này thuộc thổ, biến hóa vô cùng. Bên ngoài thấy bình thản nhưng bên trong rất hoạt động. Có một cây phướng đỏ, hễ rung rinh phướng ấy thì lửa dậy sấm vang. Dẫu thần tiên hay phàm tục mà vào trận ấy đều không sống được, dẫu có phép độn ngũ hành cũng không trốn khỏi.
Có thơ khen trận Ðịa Liệt rằng:
Trận tên Ðịa Liệt há tầm thường
Lửa dưới sấm trên không có đường
Biết độn ngũ hành không trốn khỏi
Bước vào nát thịt lại tan xương.
Văn Thái Sư hỏi tiếp:
- Trận Phong Hầu ra làm sao?
Ðồng Toàn nói:
- Trận Phong Hầu có: địa, thủy, hỏa, phong. Nhất là gió và lửa. Gió thì sanh ra muôn vạn binh đao, không phải như gió thường, còn lửa là lửa Tam Muội, dầu cho thần tiên vào trận nầy cũng ra tro, dầu có tài di sơn đảo hải cũng không thoát được.
Có bài thơ rằng:
Phong Hầu trận tiên gớm bực nào
Lửa thần rần rật gió đùa cao.
Thần tiên phàm tục sa vào đấy,
Thịt nát xương tan sống được sao?
Văn Thái Sư hỏi:
- Còn trận Hàn Băng phép tắc thế nào?
Viên Giác nói:
- Trận Hàn Băng luyện dày công mới đặng. Trong trận có gió, bên trong có núi giá, bên dưới có băng tuyết lởm chởm như gươm. Dẫu thần tiên vào trận cũng phải bỏ mình.
Có bài thơ rằng:
Dày công luyện đặng trận Hàn Băng
Từng dưới từng trên tuyết tợ răng
Dẫu bậc thần tiên vào chốn ấy
Giá đè nát thịt chết nhăn răng.
Văn Thái Sư hỏi trận Kim Quang biến hóa ra làm sao?
Kim Quang Thánh mẫu nói:
- Trận Kim Quang của tôi chứa hơi linh của âm dương, cướp ánh sáng của nhật nguyệt. Trong trận có hai mươi mốt tấm kiếng, treo hai mươi mốt tấm cờ. Mỗi một kiếng đều có che vỏ ngoài, trong vỏ có cột dây để kéo. Dẫu thần tiên mà vào trận thì cứ cầm dây kéo vỏ cho bày mặt kiếng ra, tức thì sấm vang chớp sáng, sức nóng trong kiếng chiếu nhắm phải thịt rữa, xương tan.
Có bài thơ rằng:
Chẳng dụng thủy ngân, chẳng dụng đồng
Luyện nên kiếng báu thật thần thông
Kim Quang chiếu sáng coi như chớp
Vào trận dầu tiên cũng chết chùm.
Văn Thái Sư hỏi:
- Trận Hóa Huyết màu nhiệm thế nào?
Tống Lương nói:
- Trận nầy dụng khí thiên nhiên, trong có sông gió và miếng hắc sa. Dẫu thần tiên vào trận bị sấm vang gió thổi, hắc sa bay tới cũng hóa thành máu tức thì.
Có bài thơ rằng:
Gió vànq vụt vụt cát đen bay
Trời đất tối tăm sấm nổ ngay
Dẫu bậc thần tiên vào trận ấy
Mình tiêu ra máu lạnh lùng thay.
Văn Thái Sư lại hỏi:
- Trận Liệt Diệm lợi hại dường nào?
Bạch Lễ nói:
- Trận ấy không phải tầm thường, có tam mụi hỏa, không trung hỏa, thạch trung hỏa, ba thử lửa ấy nhập thành một, tụ vào ba cây phướng đỏ. Hễ có ai vào trận, thì rung các cây phướng ấy lên dẫu là bực thần tiên biết đọc tị hỏa chân ngôn cũng phải cháy ra tro bụi.
Có bài thơ rằng:
Toại nhân mới có lửa khinh công
Lò phép thâu vào luyện nhọc công
Làm chủ cung Ly truyền rất trong
Phướng rung người cháy lửa thành công.
Văn Thái Sư hỏi:
- Trận Lạc Hồn ra làm sao?
Giao Tân nói:
- Trận nầy không phải nhỏ, bế cửa sanh mở cửa tử, thâu hơi độc của trời đất mà lập ra. Trong trận có cây phướng trắng vẽ bùa và đóng ấn. Hễ thần tiên vào trận, bị cây Phướng ấy rung lên thì tiêu hồn lạc phách.
Có bài thơ rằng:
Lạc hồn trận ấy cũng nên khen
Phướng trắng rung lên dậy khói đen
Mấy vị thần tiên vào trận ấy
Hồn tiêu phách lạc rả như sen.
Văn Thái Sư hỏi:
- Trận Hồng Thủy lợi hại thế nào?
Vương Diệt nói:
- Trong trận ấy có đài bát quái, trên đài để ba cái bầu, trong bầu có những nước đỏ. Như người vào trận thì liệng bầu nước xuống, chảy ra lai láng mênh mông. Một chút nước đỏ dính vào người cũng đủ làm cho người ấy tan thành huyết. Dẫu thần tiên cũng chẳng thoát được.
Có bài thơ rằng:
Trong lò tạo hóa máy âm dương
Luyện nước màu hồng thuộc Bắc phương
Dầu kẻ da đồng hay sắt đá
Tuông nhằm nát thịt lại tan xương.
Văn Thái Sư hỏi:
- Còn trận Hồng Sa có gì lạ chăng?
Trương Thiệu nói:
- Trận Hồng Sa gồm có phép báu tinh rồng. Có ba thùng cát đỏ, vãi vào mình như gươm giáo đâm. Trên không thấy trời, dưới không thấy đất, giữa không thấy người. Thần tiên mà lạc vào trận bị gió cát vãi vào mình thì thịt nát xương tan.
Có bài thơ rằng:
Dày công bày bố trận hồng sa
Tiên phật đi vào khó nổi ra
Khi trước luyện trong lò bát quái
Phép màu Triệt giáo chẳng sai ngoa.
Văn Thái Sư nghe rõ đầu đuôi mừng rỡ nói:
- Nay nhờ quý vị đến đây giúp sức, chắc không bao lâu thành Tây Kỳ sẽ bị phá. Dầu cho Tây Kỳ trăm binh ngàn tướng cũng không thể chống lại phép mầu.
Giao Tân nói:
- Tôi nhắm thành Tây Kỳ ví như viên đạn, còn Khương Tử Nha là kẻ rủi ro. Tài phép bao nhiêu mà nó dám phá hết mười trận. Ðể tôi dùng phép mọn, gϊếŧ riêng Tử Nha, cho binh tướng trong thành vỡ mật. Lời xưa nói: Binh mất tướng như rắn không đầu.
Văn Thái Sư hỏi:
- Nếu đạo huynh có phép thần thông, gϊếŧ được Tử Nha thì khỏi mất công chinh chiến. Quân sĩ hai bên tránh được nạn thác oan. Chẳng hay đạo tluynh định dùng phép gì vậy?
Giao Tân nói:
- Phép của tôi không cần điều binh khiển tướng, tranh giành trận mạt làm chi. Cứ ngồi trong dinh, nội trong hai mươi mốt ngày, thì Tử Nha phải chết. Dầu tiên phật cũng không tránh khỏi.
Văn Thái Sư lấy làm lạ hỏi:
- Xin cắt nghĩa cho tôi biềt phép ấy thế nào.
Giao Tân kề tai nói nhỏ với Văn Trọng một hồi, Văn Thái Sư mừng quá nói với các vị đạo sĩ:
- Nay Giao đạo huynh ra tay làm phép gϊếŧ Tử Nha, hễ Tử Nha mà chết rồi thì các tướng Tây Kỳ phải tan rã. Thật Thiên tử có phước lắm mới được anh em đến giúp tôi.
Các đạo sĩ nói:
- Việc gϊếŧ Tử Nha chỉ là phép mọn của Giao hiền đệ có phải kể công.
Bấy giờ Giao Tân từ giã bạn hữu, một mình vào trận Lạc Hầu, truyền lập một cái đài đất, trên đài để một bàn hương án, một bên dựng con bù nhìn bằng cỏ, trước bụng đề tên Khương Thượng
Trên đầu con bù nhìn có treo ba ngọn đèn, dưới chân thắp bảy ngọn. Ba ngọn trên gọi là Thôi Hồn đăng, bảy ngọn dưới là Tróc Phách đăng.
Giao Tân bỏ tóc xõa, cầm gươm niệm chú, đốt bùa. Cứ mỗi ngày làm phép ba lần như vậy, cho đến lúc Tử Nha chết đi mới thôi. Ðó là phép trù của Giao Tân.
Bấy giờ Tử Nha ngồi trong thành Tây Kỳ, đang lo tính việc phá trận, bị Giao Tân trù đến ngày thứ bốn thì đầu óc lỉnh lảng, ngồi làm thinh chẳng nói rằng.
Dương Tiển thấy Tử Nha mặt mày buồn bực, diện mạo khác hơn xưa, thì sanh nghi nghĩ thầm:
- Thừa Tướng ở cung Ngọc Hư xuất thân, nay ra phò Châu diệt Trụ, thuận lòng trời, ứng theo vận nước, lẽ nào lại có sắc thái tầm thường, coi bộ kinh hãi như vậy.
Các tướng thấy Tử Nha lầm lầm lì lì, cũng buồn bã không dám hỏi han.
Qua đến ngày thứ tám, Giao Tân thâu được hai vía một hồn, Tử Nha càng rối trí hơn nữa, cứ bần thần ngủ mãi, không ngó tới việc binh. Các tướng lấy làm lạ, không hiểu vì sao Thừa Tướng lại ra thế ấy. Có kẻ nghi rằng:
- Thừa Tướng không mưu kế phá trận nên rối trí.
Có người lại bàn:
- Chắc là Thừa Tướng dưỡng tinh thần để mưu việc lớn.
Ðến ngày thứ mười lăm, Giao Tân bắt thêm một hồn hai vía nữa.
Tử Nha nằm ngáy như sấm ngủ như mê.
Na Tra bàn với các tướng:
- Nay giặc tới bên thành, lập trận ngoài ải, mà sư thúc không lo gì hết, cứ nằm ngủ hoài, chắc có nguyên nhân gì đây.
Dương Tiển nói:
- Theo ý tôi tưởng, chắc Thừa Tướng bị ai trù, nên ngủ mê man, không lo việc nước. Cứ xem cách ăn lối ở khác hẳn trước kia thì đủ biết.
Các tướng đồng nói:
- Ðạo huynh nghi như vậy phải lắm! Bấy giờ chúng ta đồng vào phòng mời Thừa Tướng ra khách, hỏi xem Thừa Tướng định phá trận làm sao, sẳn dịp dò ý luôn thể.
Các tướng bàn luận xong, kéo vào phòng, thấy mấy người hầu còn, liền hỏi:
- Thừa Tướng đâu?
Kẻ tả hữu thưa:
- Thừa Tướng đang ngon giấc.
Các tướng đều mời Thừa Tướng ra khách. Tả hữu vâng lời và mời Tử Nha dậy.
Tử Nha bước ra ngoài phòng. Võ Kiết thưa:
- Thầy ngày nào cũng ngủ, không lo việc quốc gia nên các tướng lo sợ. Xin thầy nghĩ lại, để cỏi Tây Kỳ được yên.
Tử Nha vẫn ngồi làm thinh không nói. Các tướng hỏi về việc phá trận. Tử Nha vẫn như câm như điếc chẳng thèm trả lời. Xảy có một trận gió thổi đến.
Na Tra hỏi Tử Nha:
- Trận gió ấy lớn lắm không hay sư thúc luận hung kiết ra sao!
Tử Nha đánh tay rồi nói:
- Bữa nay có giông chớ không phải điềm họa phước.
Các tướng không dám hỏi nữa. Ấy là Tử Nha bị Giao Tân câu hồn bắt vía gần hết, nên coi lãng quẻ.
Các tướng không biết làm sao, ngồi nhìn nhau một lúc lâu rồi lui về hết.
Ðến ngày thứ hai mươi, Giao Tân thâu được hai hồn sáu vía.
Tử Nha chỉ còn lại một hồn một vía mà thôi, cho nên ngày ấy hồn vía Tử Nha xuất khỏi xác.
Các tướng xem thấy Tử Nha đã chết, liền vào tâu với Võ vương.
Võ vương đến bên trướng phủ, thấy các tướng đứng bao quanh xác Tử Nha, sụt sùi khóc lóc, thì động lòng than:
- Thượng phụ lo việc nước, chưa được thảnh thơi, nay đã qua đời, ta đau lòng lắm.
Các tướng nghe Võ vương nói đồng khóc lớn lên.
Dương Tiển lau nước mắt, rờ vào ngực Tử Nha thấy còn hơi ấm, mừng rỡ tâu:
- Xin đại vương chớ phiền, trái tim Thừa Tướng còn nóng, nhắm chưa hề chi. Xin cứ để nằm yên trên giường, họa may Thừa Tướng còn có cơ may sống lại.
Võ Vương y lời không tẩm liệm, để Tử Nha nằm nguyên trên giường và van vái.
Nói về hồn vía Tử Nha bay phiêu diêu gần tới đài Phong thần.
Thanh Phước thần là Bá Dẫm xem thầy liền đưa ra khỏi đài. Tử Nha là người có cội rễ tiên nhân, nên hồn phách còn nhớ nuối, bay phất phới về núi Côn Lôn.
Khi ấy Nam Cực tiên ông đi hái thuốc nơi ven đồi, thấy hồn phách Tử Nha dật dờ bay đến, kinh hãi la lên:
- Tử Nha mgươi chết rồi sao?
Liền bắt hồn phách Tử Nha bỏ vào bầu đậy lại, để đem về thưa với thầy là Nguyên Thỉ.
Bỗng nghe có người kêu:
- Nam Cực tiên ông! Khoan đi đã.
Nam Cực tiên ông dừng tại thì thấy Xích Tinh Tử, vị tiên tu ở núi Thái Hòa, động Vân Tiêu.
Nam Cực tiên ông thi lễ và hỏi:
- Ðạo hữu đi đâu vậy?
Xích Tinh Tử nói:
- Nay rảnh việc nên đến mời đạo huynh đi dạo núi và đánh cờ chơi một bữa.
Nam Cực tiên ông đáp:
- Hôm nay tôi mắc việc, xin hẹn bữa khác sẽ gặp nhau.
Xích Tinh Tử nói:
- Lúc này thày nghỉ dạy, chúng ta được rảnh rang, nếu để khi khác còn dịp nào tốt hơn nữa?
Nam Cực tiên ông nói:
- Tôi có chuyện gấp, nên không thể nào làm vừa lòng đạo huynh được.
Xích Tinh Tử nói:
- Công việc gấp của đạo huynh có lẽ là việc hồn phách của Tử Nha chưa nhập xác chớ gì?
Nam Cực tiên ông hỏi:
- Vì sao đạo huynh biết rõ như vậy?
Xích Tinh Tử đáp:
- Nãy giờ tôi trêu tức đạo huynh đó thôi. Sở dĩ tôi đến đây cũng vì việc ấy. Vừa rồi tôi có đi dạo núi, đến đài phong thần gặp Bá Dẫm thuật chuyện hồn phách của Tử Nha vừa bay đến, muốn dựa vào đài, Bá Dẫm lật đật đưa ra khỏi, nên hồn phưởng phất bay về núi Côn Lôn. Tôi theo dõi đến đây, nhưng không gặp.
Nam Cực tiên ông nói:
- Tôi đang hái thuốc dưới chân núi, thấy hồn vía Tử Nha dật dờ, tôi bắt đựng trong bầu, có ý đem về cho tôn sư rõ, không ngờ lại gặp anh.
Xích Tinh Tử nói:
- Chuyện nhỏ mọn chúng ta cần gì phải làm nhọc lòng giáo chủ. Ðạo huynh cứ trao bầu ấy cho tôi để tôi đi cứu Tử Nha.
Nam Cực trao bầu cho Xích Tinh Tử.
Xích Tinh Tử vội vã độn thổ đi liền.
Chẳng bao lâu, Xích Tinh Tử vào thành Tây Kỳ.
Dương Tiển ra nghinh tiếp và thưa:
- Nay sư bá đến đây chắc là đi cứu sư thúc?
Xích Tinh Tử nói:
- Phải! Ngươi mau vào tâu lại với Võ vương.
Dương Tiển vào tâu mọi việc.
Võ vương ra nghinh tiếp, đãi Xích Tinh Tử theo bậc thầy.
Xích Tinh Tử nói:
- Tôi vì việc Tử Nha mà đến đây, xin cho tôi gặp mặt Tử Nha.
Võ Vương và các tướng dẫn Xích Tinh Tử vào phòng.
Xích Tinh Tử thấy Tử Nha nằm nhắm mắt, liền nói:
- Ðể tôi cho một hoàn thuốc thì hồn hoàn lại ngay.
Nói rồi trở ra phòng ngoài.
Võ vương hỏi:
- Ðạo trưởng dùng thuốc gì mà cứu Thượng phụ?
Xích Tinh Tử nói:
- Tôi không dùng thuốc gì cả, chỉ dùng một phép riêng mà thôi.
- Như vậy chừng nào sư bá mới cứu?
Xích Tinh Tử nói:
- Có lẽ phải đến canh ba thì Tử Nha mới sống lại được.
Các tướng nghe nói đều mừng rỡ.
Ðến canh ba Dương Tiển theo Xích Tinh Tử nhắc nhở việc giải cứu cho Tử Nha.
Xích Tinh Tử liền xốc áo ra ngoài thành, thấy mười trận phép hơi dữ mịt mù mây đen tối nghịt, sương bay phấp phới, gió thổi rào rào, tiếng quỷ khóc vang tai giọng thần rên rởn óc.
Xích Tinh Tử liền chỉ một cái, hiện ra hai bông sen trắng, hai chân Xích Tinh Tử đứng trên bông sen bay đi như gió.
Có bài thơ rằng:
Dưới chân đạo sĩ trổ liên hoa
Trên trán hào quang chiếu sáng lòa
Ðến trận lạc hồn không dộng dạng.
Mới hay phép thuật của tiên gia.
Xích Tinh Tử đứng trên không trung thấy Giao Tân đang xõa tóc cầm gươm làm phép, lại thầy ngọn đèn trên đầu hình nhơn tờ mờ, ngọn đèn dưới chân hình nhơn leo lét.
Bấy giờ Giao Tân cầm lịnh bài đập xuống một cái, nhưng hai ngọn đèn chưa tắt ngọn nào, còn hồn phách của Tử Nha ở trong bầu tung lên một cái rất mạnh, may nút bầu đậy chặt, nên hồn phách của Tử Nha không thoát ra được.
Giao Tân làm như vậy mấy lần mà đèn cùng không tắt. Hễ đèn chưa tắt thì hồn chưa dứt.
Giao Tân nổi xung, cầm lịnh bài đập xuống ghế hét lớn:
- Hai hồn sáu vía đã về hết, còn một hồn một vía đi đâu?
Xích Tinh Tử đứng trên cao thừa lúc Giao Tân vừa cúi xưống lạy, đáp nhanh xuống giựt lấy hình nộm.
Giao Tân ngước mắt lên, trông thấy nói lớn:
- Xích Tinh Tử! Ngươi lén vào trận ta lấy vía Khương Thượng sao.
Nói rồi vãi một lá hắc sa.
Xích Tinh Tử thất kinh bỏ chạy làm rớt hai bông sen trong trận Mê Hồn, nên phải độn thổ vào thành Tây Kỳ.
Dương Tiển ra ngoài thành nghênh tiếp, thấy Xích Tinh Tử mặt mày hơ hải, lấy làm lạ hỏi:
- Chẳng hay sư bá đã đem được vía của sư thúc về chưa?
Xích Tinh Tử lắc đầu than:
- Bọn ấy dữ quá! Thiếu chút nữa ta sa vào trận Lạc Hồn tiêu xác rồi. May ta mau chân chạy khỏi, nhưng làm rơi cặp bông sen xuống trận.
Võ Vương nghe nói khóc lớn:
- Ðạo trưởng nói như vậy chắc là Thượng phụ phải chết rồi.
Xích Tinh Tử nói:
- Xin đại vương chớ ưu phiền. Tôi nhắm không hề chi mà ngại, chẳng qua số kiếp Tử Nha còn mắc nạn, nên khiến công việc trễ nãi mà thôi. Bây giờ tôi phải ra đi một lát mới được.
Võ vương hỏi:
- Bây giờ đạo trưởng đi đâu?
Xích Tinh Tử nói:
- Xin chớ hỏi thăm mà lộ chuyện. Cứ ở đây giữ xác Tử Nha. Tôi đi một lúc sẽ trở lại
Dặn dò xong, Xích Tinh Tử liền độn thổ qua núi Côn Lôn.
Khi đến cung Ngọc Hư, Nam Cực tiên ông xem thấy vội hỏi:
- Anh lấy vía Tử Nha được chưa?
Xích Tinh Tử thuật lại mọi chuyện và nói:
- Xin đạo huynh thưa lại cho Giáo chủ rõ, tìm cách cứu Tử Nha.
Nam cực Tiên ông vào ra mắt Nguyên Thỉ, thưa hết mọi điều.
Nguyên Thỉ nói:
- Ta tuy làm giáo chủ, nhưng về chuyện trù yếm ta không rõ được. Vậy ngươi bảo Xích Tinh Tử qua Bát Cảnh cung mà hỏi thăm Ðại lão gia về việc ấy.
Nam Cực tiên ông vâng lệnh trở ra nói với Xích Tinh Tử rằng:
- Tôn sư dạy anh phải đến cung Bắt Cảnh, cầu cứu với Ðại lão gia mới được.
Xích Tinh Tử từ giả Nam Cực tiên ông, đằng vân qua động Huyền Ðô Bát Cảnh cung là chỗ Lão Tử ở. Ðến nơi thấy phong cảnh tốt tươi, đẹp hơn các núi, Xích Tinh Tử đứng ngoài cửa động chẳng dám bước vào. Ðợi một buổi mới thấy Huyền Ðô đại pháp sư bước ra cửa, chào Xích Tinh Tử và hỏi:
- Ðạo hữu đến đây có việc gì quan hệ?
Xích Tinh Tử thưa;
- Nếu không có việc trọng đại tôi chẳng dám đến đây.
Nói rồi thuật chuyện Tử Nha bị mắc nạn, và nói:
- Nay tôi vâng lệnh giáo chủ, đến ra mắt đại lão gia, xin đạo huynh thưa giúp.
Huyền Ðô đại pháp sư nghe rõ, liền vào thưa lại với Lão Tử:
- Có Xích Tinh Tử xin ra mắt.
Lão Tử truyền đòi vào.
Xích Tinh Tử vào lạy ra mắt xong, Lão Tử nói:
- Số các ngươi bị nạn, trận Lạc Hồn Khương Thượng mang tai. Còn bửu bối của ta cũng vì trận ấy mà mang họa. Số trời đã định, các ngươi phải giữ gìn.
Nói rồi truyền Huyền Ðô đại pháp sư lấy Thái Cực Ðồ đưa cho Xích Tinh Tử và dạy:
- Ðem bức họa đồ này đến cứu Khương Thượng.
Xích Tinh Tử lãnh Thái Cực Ðồ tạ từ lui gót, ra khỏi cảnh Ðại La, độn thổ về thành Tây Kỳ.
Võ Vương và các tướng thấy Xích Tinh Tử trở lại, đồng ra nghinh tiếp vào thành.
Võ vương hỏi:
- Ðạo trưởng đi đâu về vậy?
Xích Tinh Tử nói:
- Hôm nay thế nào cũng cứu được Tử Nha.
Ai nấy nghe nói đều mừng rỡ.
Dương Tiển nói:
- Bao giờ mới cứu được?
Xích Tinh Tử đáp:
- Phải chờ đến canh ba.
Nửa đêm hôm ấy, các tướng vào ra mắt Xích Tinh Tử thì thấy Xích Tinh Tử đã sửa soạn ra đi, một tay ôm bầu phép, một tay cầm Thái Cực Ðồ.
Khi đằng vân đến giữa trận! Xích Tinh Tử thấy Giao Tân đang thâu hồn, thâu vía, liền giở Thái Cực Ðồ ra.
Nguyên bức họa đồ nầy là của ông Thái Thượng Lão Quân, dùng để mở đất chia trời, lóng trong gạn đυ.c, thâu gồm môn phép: Ðại Thủy, Hỏa, Phong, nên khi Xích Tinh Tử giở ra thì họa đồ biến thành cái cầu vàng, chiếu hào quang năm sắc.
Xích Tinh Tử tay tả cầm Thái Cực Ðồ sa xuống, tay mặt giựt lấy hình nhơn.
Giao Tân trông thấy nổi giận hét:
- Xích Tinh Tử thiệt lớn mật! Hai lần vào Lạc Hồn trận cướp giựt hình nhơn.
Nói rồi bưng thùng hắc sa, hắt lên một cái.
Xích Tinh Tử vội đưa Thái Cực Ðồ ra che, rồi lật đật đằng vân bay lên để tránh những luồng cát đen, làm cho Thái Cực Ðồ bị rơi xuống đất. Giao Tân đoạt được bửu bối.
Bởi vậy Xích Tinh Tử tuy giựt được hình nhơn mà Thái Cực Ðồ bị mất, lòng kinh hãi liền giở bầu thâu hồn phách trong hình nhơn, rồi chăm chỉ lui về trướng phủ.
Dương Tiển thấy Xích Tinh Tử về, vội ra nghinh tiếp và hỏi:
- Sư bá lấy được vía của sư thúc rồi chứ?
Xích Tinh Tử nói:
- Chuyện Tử Nha tuy xong, song ta làm mất bửu bối của Ðại lão gia, ta e không khỏi họa.
Các tướng nghe nói cứu được Tử Nha đều mừng rỡ.
Xích Tinh Tử xách bầu lại bên giường, truyền rẽ tóc Tử Nha, đặt miệng bầu vào nơi Nê Hoàn cung gõ đít ba cái, tức thì hồn nhập xác.
Giây phút Tử Nha tỉnh lại, mở con mắt nhìn mọi người và nói:
- Tôi ngủ mê quá.
Khi nhìn thấy Võ vương, Xích Tinh Tử và các tướng đồng đứng vây bên giường, Tử Nha lấy làm lạ hỏi:
- Ðại vương đến đây có việc gì chỉ dạy?
Võ vương nói:
- Nếu không có đạo trưởng ra công khó nhọc thì Thượng phụ đâu còn!
Tử Nha lạ lùng nhìn Xích Tinh Tử thuật lại đầu đuôi mọi việc.
Tử Nha vội vã tạ ơn, và nói:
- Nay đạo huynh làm mất họa đồ của đại lão gia, biết liệu làm sao?
Xích Tinh Tử nói:
- Sư đệ hãy lo dưỡng binh, việc này tính sau
Cách vài ngày sau Tử Nha mới thiệt mạnh, vội mời Xích Tinh Tử đến luận bàn.
Tử Nha nói:
- Mười trận phép của các vi tiên Triệt giáo rất lợi hại, chúng ta làm cách nào phá được?
Xích Tinh Tử nói:
- Tôi xem mười trận ấy không phải tầm thường, nếu muốn phá phải nhờ đến sức các cao tiên mới được.
Xích Tinh Tử vừa nói dứt tiếng đã thấy Dương Tiển bước vào thưa:
- Có Huỳnh Long chân nhân ở núi Nhị Tiên động Ma Cô cỡi hạc bay đến.
Tử Nha liền ra rước vào trướng phủ, và hỏi:
- Chẳng hay chân nhân đến đây có điều chi dạy bảo?
Huỳnh Long chân nhân nói:
- Nay tôi tới Tây Kỳ trợ lực với chư tiên phá trận Thập Tuyệt. Chúng ta kẻ nặng người nhẹ đều phạm tội sát sinh, nên không bao lâu các anh em đều đến đây nữa. Chúng tôi cảm thấy ở chung với người phàm bất tiện nên đến đây trước mà thương nghị việc này.
Tử Nha hỏi:
- Chư tiên hạ san bao nhiêu người, và cần phải tiếp đón thế nào, xin cho chúng tôi biết?
Huỳnh Long nói:
- Chắc là trên mười người. Ðạo huynh phải cất một ngôi nhà mát nơi cửa Tây thành, treo đèn kết hoa để chư tiên có chỗ nghỉ ngơi thanh tịnh mà tính việc phá trận. Nếu không tiếp đón như vậy e mang tội bất kính.
Tử Nha nói:
- Chư tiên đã đến đây giúp đỡ chúng tôi mang ơn rất nặng, đâu dám trái lời.
Liền khiến Nam Cung Hoát và Võ Kiết sắp đặt y lời. Lại sai Dương Tiển coi cửa và dặn rằng:
- Mỗi khi có vị tiên trưởng nào đến phải vào báo cho ta hay.
Chẳng bao lâu, Nam Cung Hoát và Võ Kiết cất đài xong vào báo với Tử Nha, đặt tên tòa nhà ấy là Lư Bồng, mời Hoàng Long chơn nhơn, Xích Tinh Tử và dẫn các đệ tử đến đó để chờ nghênh tiếp các vị đạo hữu.
Bởi Võ vương là chúa Thánh ra đời, nên các vị thần tiên lần lần giáng hạ. Chư tiên đến Lư Bồng gồm có thập nhị đại tiên, xin kể sau đây:
1. Quảng Thành Tử động Vân Tiêu, núi Thái Hòa.
2. Huỳnh Long chơn nhơn động Ma Cô, núi Nhị Tiên.
3. Xích Tinh Tử, động Ðào Nguyên, núi Cửu Tiên.
4. Cù Lưu Tôn, động Phi Vân, núi Giáp Long.
5. Thái Ất chơn nhơn, động Kim Quang, núi Càng Nguơn.
6. Linh Bửu đại pháp sư, động Nguyên Dương, núi Không Ðộng.
7. Văn Thù quảng pháp thiên tôn, động Vân Tiêu, núi Ngũ Long.
8. Phổ Hiền chơn nhơn, động Lạc Ðà, núi Phổ Ðà.
9. Từ Hàng đạo nhơn, động Bạch Hạc, núi Cửu Cung.
10. Ngọc Ðảnh chơn nhơn, động Kim Hà, núi Ngọc Tuyền.
11. Ðạo Hạnh thiên tôn, động Ngọc ốc, núi Kim Ðình.
12. Thanh Hư đại đức chơn quân, động Tử Dương, núi Thanh Phong.
Tử Nha nghênh tiếp các vị thần tiên lên tòa Lư Bồng.
Quảng Thành Tử nói:
- Các vị đạo hữu nay đã đến đây chứng tỏ lòng tận tâm với Giáo chủ, vậy ông Tử Nha định ngày nào phá trận để chúng tôi ra sức?
Tử Nha liền đứng dậy bái và thưa:
- Tôi tu luyện mới có bốn mươi năm, tài hèn, đức mỏng, không dám đương nổi trách vụ lớn lao, xin các vị đạo huynh thương tôi cử ra một người để cầm quyền điều khiển. Ðược vậy, tôi mang ơn vô cùng.
Quảng Thành Tử nói:
- Chúng tôi tuy có công học đạo, song chưa chắc đã phá nổi mười trận này. Mỗi người lo giữ lấy thân còn chưa trọn, huống chi việc điều khiển là trọng đại?
Ai nấy đều khiêm nhường, không người nào lảnh quyền điều khiển cả.
Giữa lúc ấy bỗng nghe có tiếng hươu kêu trên trời, hương bay thơm ngát.