Thập Niên 90: Theo Chồng Vào Thành Phố

Chương 1

"Câu đối xuân, câu đối xuân, hai tiếng cuối cùng, hai tiếng cuối cùng rồi!"

Ngày ba mươi tết, đến gần trưa, người qua lại trên chợ đã ít đi trông thấy. Cũng không cần phải xếp hàng ở trước quầy thịt và quầy rau trong chợ nữa – cũng chỉ còn lại lác đác vài người đến mua đồ thôi. Ai nấy cũng đều vội vã, mua xong thì nhanh chóng đạp xe về nhà để chuẩn bị mâm cơm tất niên.

Ở sạp bán quần áo, người đến mua quần áo mới cho con cũng không mặc cả từng đồng bạc lẻ nữa, mà móc tiền ra trả rồi xách quần áo mình vừa mua rồi đi luôn.

Trước sạp bán câu đối của Cố Nhược cũng là như thế.

Người đến mua đã ít đi nhiều, bọn họ đều rất vội vàng, cũng không cần nghe lời giới thiệu của Cố Nhược nữa, mà chọn được thứ mình cần là mua luôn.

Cố Nhược thấy vậy thì có chút sốt ruột. Cô đếm thử số câu đối xuân, chữ phúc, giấy dán cửa còn lại trên quầy của mình - đều còn khoảng hai mươi mấy cặp. Nếu hôm nay không bán hết những thứ này thì phải cất vào đáy hòm rồi để đến tận sang năm mất thôi.

Lô câu đối này là cô tốn rất nhiều công sức, bỏ ra đến năm bầu rượu cao lương và một bao thuốc lá mới lấy được đấy. Vì là bán lẻ, giá nhập hàng khá cao nên lợi nhuận cũng ít. Nếu dư lại đến mấy chục cặp hàng như vậy thì công sức bày sạp bán hàng của cô trong hơn một tháng nay cũng chẳng hơn đi làm thêm là bao, lại còn mất công chịu đựng gió thổi lạnh buốt nữa chứ.

Thấy các cửa hàng hai bên đường có vẻ như là định dọn dẹp để đóng cửa, cô lại tiếp tục mở miệng rao hàng.

Lúc trước cô cũng rao hàng, nhưng đều là lúc có nhiều người qua lại, quầy bên cạnh cũng có người rao, rao xong thì có người vây quanh nên không hề cảm thấy gì cả. Nhưng lúc này trên đường vừa vắng vẻ lại yên tĩnh, tiếng rao của cô vang lên lại trở nên khác thường. Cái tính thẹn thùng, dễ ngại của người đọc sách tự nhiên lại trồi lên, vành tai Cố Nhược nóng bừng. Lúc cất tiếng rao, cô còn chẳng dám nhìn thẳng về phía người nghe cơ mà.

Chỉ là mong muốn sớm bán hết mớ câu đối này càng nhanh càng tốt đã trở thành động lực của cô, khiến cho giọng rao của cô càng thêm trong trẻo hơn.

"Câu đối xuân, câu đối xuân..."

"Bao nhiêu tiền một cặp, ở đây còn bao nhiêu?"

"Có hai loại, loại thường một đồng hai, loại dát vàng đắt hơn một chút – giá hai đồng ba, giấy dán cửa chữ phúc cũng vậy. Còn dư lại không nhiều lắm, loại thường còn mười mấy cặp, loại dát vàng thì chỉ còn sáu cặp thôi."