Làng họ Lâm
Ở vùng này, hầu hết dân cư đều mang họ Lâm, tổ tiên sống tụ họp cùng nhau từ lâu, nên cái tên “Làng họ Lâm” đã được truyền gọi như thế cho đến nay.
Hiện tại, dù không còn dùng tên thôn, mà thay bằng đơn vị công xã và đại đội, nhưng người dân vẫn quen miệng gọi là “Lâm gia đại đội”.
Lúc này là giờ tan tầm, dân làng tụm năm tụm ba cùng nhau trở về, vừa đi vừa trò chuyện.
Đám đàn ông thì nói chuyện ruộng vườn, bàn xem năm nay mùa màng có tốt không.
Mấy người phụ nữ thì lại rôm rả chuyện nhà cửa, ai đúng ai sai, chuyện bà Lý ông Trương, tám chuyện từ lớn đến bé.
Cẩu Tử Nương là người khoái tám chuyện nhất, vừa đi vừa hạ giọng kể:
“Tôi nghe nói đám thanh niên trí thức trong trại lại gây chuyện rồi đấy!”
Liễu Đại Nương bên cạnh bĩu môi:
“Đám thanh niên trí thức ấy ngày nào chẳng gây chuyện? Việc nhẹ cũng kêu than, không làm được gì mà suốt ngày đòi hỏi, thật phiền!”
Nhà Liễu Đại Nương có cô con gái đang để ý một nam thanh niên trí thức, ngày nào cũng chạy theo giúp người ta làm việc.
Liễu Đại Nương đã mắng mấy lần mà con chẳng chịu nghe, bực quá phải nhốt con trong nhà, hai hôm nay còn chưa cho ra ngoài.
Không phải bà khinh thường người có văn hóa, ngược lại, bà còn phục mấy người học hành đàng hoàng.
Chỉ là bà thấy ngứa mắt với kiểu thanh niên trí thức vừa bắt dân làng làm giúp, vừa tỏ vẻ cao cao tại thượng, coi thường người ta.
Cứ như người ta nợ họ vậy.
“Phi! Có gì hay ho đâu mà làm ra vẻ!”
Mấy bà khác nghe Liễu Đại Nương trút giận thì liếc nhau cười hì hì, không ai ngăn cản, còn hùa theo:
“Chuẩn đấy, chuẩn đấy! Mấy người đó yếu xìu, nhà tôi thằng Tam Oa còn làm khỏe hơn!”
Người nói là bà Hồ, “Tam Oa” là đứa cháu nội ba của bà, mới 6 tuổi mà chắc nịch như bê con, giờ cũng theo người lớn ra đồng làm việc.
Người ghi chép điểm thấy nó nhỏ xíu thì cũng thương tình cho một hai điểm gọi là.
Lời bà Hồ vừa dứt, mấy bà còn lại phá lên cười.
Cười xong, Cẩu Tử Nương lại kéo câu chuyện về chủ đề cũ:
“Lần này không phải cãi nhau vì chuyện cơm nước như trước. Nghe nói lần trước cả đám chẳng ai chịu nấu, đói cả đêm, giờ thì đòi mỗi người tự nấu riêng rồi!”
Có bà tò mò hỏi:
“Ủa, thế là vì chuyện gì? Không lẽ lại vì trai gái ghen tuông mà gây chuyện?”
Nói xong, bà ấy tự thấy buồn cười, cười ha hả một mình.
Cẩu Tử Nương liếc mắt nhìn bà kia một cái, cúi đầu, giả vờ thần bí, nhỏ giọng nói:
“Vì sao à? Còn không phải vì con gái nhà kia sao!”
Ngón tay của Cẩu Tử Nương chỉ thẳng về phía đầu thôn – nơi có căn nhà ngói nổi bật nhất.
Mấy bà trong nhóm không khỏi hít một hơi, kinh ngạc thốt lên cùng lúc:
“Lại là nhà đó? Nó lại gây chuyện gì nữa à?!”
Chỗ các bà chỉ chính là nhà đội trưởng Lâm Vệ Quốc.
Nói đến nhà này, hầu hết dân trong thôn đều phải ghen tị.
Gia đình có số hưởng chỉ vì từng nuôi dưỡng cô con gái nhà giàu một thời gian mà từ đó phất lên như diều gặp gió.
Lúc cô bé nhà họ Tô còn sống ở trong thôn, ai cũng biết nhà họ Lâm từng nhận được tiền, nhưng chẳng ai rõ là bao nhiêu, mà nhà họ Lâm cũng không hé nửa lời.
Mọi người chỉ nghĩ chắc cũng chẳng là bao.
Nhưng đến khi cô bé được nhà họ Tô đón về, thì những thay đổi của nhà họ Lâm lại rõ rành rành trước mắt.
Nhà ngói khang trang mọc lên.
Người đàn ông trong nhà Lâm Vệ Quốc được làm đại đội trưởng.
Hai đứa con trai đều đi làm công nhân nghề mà cả làng lúc ấy ao ước.
Còn bà Lâm người từng lặng lẽ ít lời nay nói năng lúc nào cũng to rõ, khí thế ngút trời.
Cả người toát ra vẻ đắc ý, như thể mọi thứ trên đời đều trong tay mình vậy.