Tháng 3 năm 1984, mưa xuân triền miên.
Mưa rơi tí tách không ngớt, bầu trời đã tối đen từ lâu, nhưng khu nhà tập thể của nhà máy dệt kim lại náo nhiệt lạ thường. Công nhân viên cùng gia đình, người thì khép hờ cửa chính, người thì đóng lớp cửa lưới bên ngoài, chỉ mở cánh cửa gỗ bên trong, mắt thì dán chặt vào cánh cửa đóng im ỉm của nhà bí thư Ngô ở nhà máy dệt kim, ung dung hóng chuyện!
Cũng không trách họ nhiều chuyện được, đều là công nhân trong nhà máy, ai mà không biết bí thư Ngô này là một nhân vật lợi hại, ai gặp cũng phải tươi cười niềm nở, nhưng tính tình lại keo kiệt, lại thích dựa hơi nhà máy, nên được đặt cho biệt danh "Gà Trống Sắt".
Gần đây đúng lúc cấp trên có chính sách mới, yêu cầu nhà máy tích cực sắp xếp công việc cho các thanh niên trí thức và con em của họ trở về thành phố trước đó, đồng thời phải tuyển dụng sinh viên cao đẳng, đại học đúng chuyên ngành. Việc này lại vừa khéo do "Gà Trống Sắt" bí thư Ngô phụ trách.
Đây là một việc phiền phức, đắc tội với ai cũng có thể ảnh hưởng đến tiền đồ, nên ngày nào bí thư Ngô cũng cau mày nhăn trán.
Từng tốp người đến tặng quà, nhờ vả quan hệ, nhưng đều bị đuổi khéo đi dù còn chưa kịp gặp mặt. Duy chỉ có cô gái nhỏ hôm nay, hùng hổ tìm đến, không nói không rằng gõ cửa, xông thẳng vào phòng khách rồi lớn tiếng hét lên: "Bí thư Ngô, bố mẹ tôi vừa mới mất, nhà máy dệt kim đã từ chối đơn xin thế chỗ làm việc của tôi, đây là muốn vứt bỏ con cháu công nhân chúng tôi sao!"
Bí thư Ngô sợ đến mức sắc mặt tái mét tại chỗ, vội gọi vợ đóng cửa lại. Nhưng thời buổi này nhà nào cũng chỉ có một lớp cửa lưới và một lớp cửa gỗ, chẳng cách âm được bao nhiêu. Tiếng tranh cãi nhà họ Ngô xuyên qua cánh cửa mỏng manh, biến thành "vở kịch tình huống" được trình diễn trực tiếp ngay tại khu nhà tập thể.
Trong nhà, bí thư Ngô khổ tâm khuyên nhủ: "Minh Du à, đây là chính sách, nhà máy phải công bằng, minh bạch, không thể nói chuyện riêng, xét tình cảm được!"
Tống Minh Du ngồi trên ghế sofa, nhìn quanh bốn phía. Giấy dán tường, sàn gỗ, còn có cả một chiếc TV. Căn nhà nhỏ bé này, vào những năm tám mươi có thể nói là vô cùng cao sang.
Trước khi xuyên không, có lẽ cô không bao giờ tưởng tượng được có ngày mình lại ngồi ở một nơi như thế này để cãi nhau với người khác.
Cũng giống như bí thư Ngô không hề biết, cô gái trẻ Tống Minh Du đang khiến ông đau đầu này, vốn không phải là Tống Minh Du gốc, mà là một người hiện đại đến từ thế kỷ 21.
Kiếp trước, Tống Minh Du ngày nào cũng làm việc 996, bị PUA đến phát ngán, tức giận nghỉ việc không báo trước rồi chạy sang một trang web video nhỏ làm streamer mảng ẩm thực. Sự nghiệp đang trên đà phát triển thì lại đột ngột qua đời vì làm việc quá sức. Khi mở mắt ra lần nữa, cô đã xuyên đến thập niên tám mươi, trở thành con gái lớn trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là công nhân nhà máy dệt kim.
Gia đình hòa thuận, bố mẹ có công việc ổn định, còn có một cậu em trai đang đi học. Bố mẹ đã xếp hàng chờ đợi nhiều năm, sắp được phân nhà tập thể riêng, Minh Du và em trai mỗi người sẽ có một phòng nhỏ. Đối với Tống Minh Du ở kiếp trước không có duyên với người thân, luôn cô độc một mình mà nói, cuộc sống hiện tại ấm áp, bình yên, mọi thứ đều tốt đẹp.
Tuy nhiên, vừa mới xuyên qua không bao lâu, một tai nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của vợ chồng nhà họ Tống, để lại cô và em trai Tống Ngôn Xuyên. Sau khi ban tang lễ của nhà máy đứng ra lo liệu xong hậu sự, thì không còn ai quan tâm đến cô nữa. Căn nhà vốn nên được phân cho nhà họ Tống lại đổi chủ một cách kỳ diệu, trở thành "phòng tân hôn" cho con dâu của phó xưởng.
Tống Minh Du tức đến bật cười. Tính cách của nguyên chủ vốn trầm lặng, hướng nội, có lẽ đây chính là lý do nhà máy cảm thấy có thể bắt nạt cô. Chỉ tiếc rằng "Tống Minh Du" này không phải là Tống Minh Du kia. Cô bắt đầu đi kiện cáo từ phòng thiết bị nơi bố cô từng làm và phân xưởng số 1 nơi mẹ cô từng ở, cứ thế đi lên cấp trên, cho đến hôm nay cuối cùng cũng chặn được bí thư Ngô ngay tại cửa nhà ông.
Lúc này, người sốt ruột đã biến thành bí thư Ngô, Tống Minh Du thấy hơi buồn cười: "Linh kiện thiết bị hỏng, lại không tìm được đồ thay thế phù hợp, thậm chí là do bố tôi bọn họ tự tay làm ra từng chút một. Tết đến, nhà nhà đều đốt pháo, chỉ có nhà tôi là không được. Mẹ tôi trực cả đêm, bố tôi phải trông coi máy móc. Con cái nhà chúng tôi, đến bữa cơm tất niên cũng chưa từng được ăn cùng bố mẹ. Tôi cũng muốn hỏi nhà máy, như vậy có công bằng không?"
"Cái này... Cũng là bất đắc dĩ, năm đó điều kiện đúng là khó khăn, nhưng những năm gần đây không phải cũng dần tốt lên rồi sao?"