Tình Yêu Trên Đầu Lưỡi

Chương 7: Xiên cay

Thẩm Tiểu Điềm - người hoàn toàn không cảm thấy bản thân ngọt ngào chút nào cầm ô bước chầm chậm trong mưa, đôi giày thể thao dưới chân đã ướt một nửa, cô cũng chẳng có ý định gọi xe về khách sạn.

Nói cho đúng, thị trấn nhỏ tên là Cô thị này thực ra chính là quê nhà của cô. Cô được sinh ra ở đây, lớn lên cho đến năm mười bốn tuổi, những con hẻm nhỏ hẹp, bậc thềm đá nơi cỏ dại chui lên từ kẽ nứt – cô đã đi lại suốt thời thơ ấu.

Quán thịt kho nhà họ Kinh lúc nãy nằm xéo đối diện với một trung tâm thương mại, nơi đó hơn hai mươi năm trước từng là “Tiểu học con em Nhị Khinh”, tên đầy đủ là “Tiểu học con em Nhà máy chế tạo công nghiệp nhẹ số 2”.

Bác Kinh ngày xưa vốn chỉ bán thịt kho, chia một nửa cửa sổ bên gian nhà người khác để bán thịt heo kho, đùi gà kho, chân giò kho... chủ yếu phục vụ các bậc phụ huynh đưa đón con em ở gần đó – phần lớn là công nhân nhà máy. Lối đi nhỏ giữa cửa hàng và cổng trường cũng dần hình thành một chợ nhỏ tự phát.

Nhưng đó là chuyện trước khi Thẩm Tiểu Điềm vào tiểu học. Những năm 90, khi quốc doanh cải tổ, đơn vị cấp trên của Nhà máy số 2 bị tách khỏi hệ thống công nghiệp, nhà máy lớn vốn có cũng không còn nữa, thay vào đó là vài doanh nghiệp tư nhân.

Tên gọi “Tiểu học con em Nhị Khinh” vẫn tồn tại thêm một thời gian, đến năm Thẩm Tiểu Điềm học lớp ba thì trường đổi tên thành “Tiểu học thực nghiệm số 2 Cô thị”. Một sự thay đổi của doanh nghiệp đã kéo theo thay đổi cả một ngôi trường, cũng ảnh hưởng đến bác Kinh – người chỉ chuyên tâm bán thịt, bởi cô Trần, vợ bác làm công việc hậu cần trong trường cũng bị thất nghiệp sau đợt cải cách. Hai vợ chồng nghiến răng gom hết tiền tiết kiệm mua lại toàn bộ mặt bằng, mở hẳn một quán ăn, từ chỗ chỉ bán thịt kho trở thành bán cả mì thịt kho và cơm thịt kho.

Khách hàng của “Quán thịt kho nhà họ Kinh” cũng thay đổi, từ các công nhân quốc doanh thỉnh thoảng đến ăn bữa ngon, giáo viên quanh vùng, thành các bậc phụ huynh dắt con đến quán ăn.

Khi học lớp bốn, ông ngoại Thẩm Tiểu Điềm được trường cũ mời về giảng dạy lại, còn cô thì trở thành một “đứa trẻ giữ chìa khóa”. Có lúc buổi trưa ông không kịp về nấu cơm cho cô, Thẩm Tiểu Điềm sẽ chạy đến quán nhà họ Kinh mua một tô mì thịt kho hoặc một suất cơm thịt kho.

Từ nhỏ cô đã nhỏ xíu, trắng trẻo mịn màng, đặc biệt suốt thời tiểu học vẫn mang hình dạng của một cục bột trắng mềm, được người lớn cực kỳ yêu quý. Ngồi trên chiếc ghế dài bằng gỗ trong quán, chân cô còn không chạm đất, nhưng vẫn thạo thói quen gọi món:

“Cô Trần ơi, cho cháu cơm đùi gà kho, thêm trứng kho nữa.”

Cô Trần – vợ bác Kinh, dù đã hơn năm mươi tuổi nhưng vẫn để tóc bím dài đen nhánh – thoạt trông hơi dữ, thực ra lại rất tốt bụng. Thỉnh thoảng còn xoa má cô một cái rồi cho thêm đĩa đậu phộng hoặc một cái chân gà kho.

Bây giờ nghĩ lại, có lẽ đó cũng là một dạng “dùng nhan sắc để đổi lấy đồ ăn” chăng?