Xuyên Không Làm Thợ May Ở Dân Quốc

Chương 1

Dân quốc năm thứ bảy.

[Tức năm 1918 theo lịch phương Tây.]

“Khâu Văn Tín sinh ra ở Tô Châu, nhưng quê gốc lại là Thiệu Hưng.”

“Vào đầu thế kỷ trước, ở vùng Tô Hỗ, rất nhiều người buôn sách cũ đều đến từ Thiệu Hưng. Cha của Khâu Văn Tín, ban đầu cũng chỉ là một người bán sách dạo từ Thiệu Hưng đến…”

Tại Tô Châu, dù mới vào đầu tháng Tư, ánh nắng chiều buông xuống vẫn không xua được cái lạnh của cuối đông.

Đặc biệt là bên trong đại sảnh của ngôi nhà cổ từng thuộc về một danh nhân.

Cửa lớn mở toang, nội thất bài trí trống trải, gió từ bốn phương tám hướng lùa vào, khiến du khách phải kéo chặt tay áo, quấn kín cổ để tránh lạnh.

Hướng dẫn viên trẻ mặc chiếc áo gió dài màu đen, tóc mai bị gió hất tung, nhưng giọng nói vẫn thong thả, nhịp nhàng, thong dong kể lại những nội dung đã thuộc làu như lòng bàn tay:

“Theo như hồi ký của Khâu Văn Tín, thuở nhỏ nhà ông rất nghèo. Mãi đến năm tám tuổi, cha ông thuê được một cửa tiệm trên phố Hộ Long để mở tiệm sách quốc học, tình hình kinh tế trong nhà mới dần cải thiện.”

“Chẳng bao lâu sau, họ chuyển đến tòa nhà này ở phố Tây Trung, chính là nơi mà chúng ta đang tham quan ngày hôm nay.”

“Thời đó, đường phố Tây Trung chính là khu sầm uất nhất ở Tô Châu, cho thấy đến khi Khâu Văn Tín đến tuổi đi học, gia cảnh đã khá khẩm hơn nhiều.”

“Nào, mọi người đi theo tôi về phía trước…”

Kỷ Khinh Chu gửi hành lý ở chốt bảo vệ ngoài cửa, lúc bước vào đại sảnh thì vừa vặn bắt kịp đoạn cuối của đoàn tham quan đang nghe thuyết minh.

Cậu rảo bước lướt qua khu di tích “Quốc học thư phòng” cũ kỹ, chỉ liếc mắt lấy lệ, sau đó hòa vào dòng du khách phía trước, bước vào chính sảnh ở khu hậu viện.

[Quốc học thư phòng là phòng đọc sách truyền thống dạy kinh điển Nho học thời xưa.]

Hôm nay không phải cuối tuần hay ngày lễ, lượng khách tham quan khá ít. Buổi thuyết minh miễn phí vào đầu mỗi giờ chiều mỗi ngày, đến bốn giờ đã là suất cuối cùng.

Kỷ Khinh Chu vừa bước xuống xe taxi cách đây chưa đầy năm phút.

Ban đầu, cậu định sẽ đi thẳng tới chỗ nhà nghỉ cổ đã đặt trước, cất hành lý rồi mới thong thả dạo chơi.

Ai dè vừa xuống xe, lại phát hiện ngay bên cạnh chỗ ở chính có một điểm tham quan nằm trong lịch trình của chuyến đi này——

Nó chính là ngôi nhà cũ của nhà văn nổi tiếng cận đại Khâu Văn Tín.

Đã trùng hợp gặp đúng suất thuyết minh miễn phí cuối cùng trong ngày, dĩ nhiên phải vào nghe cho bằng được, đỡ mất công sắp xếp thời gian ngày mai.

Trong âm thanh hơi chút sai lệch phát ra từ chiếc micro thu âm gắn tai của hướng dẫn viên nam, hơn chục từng tốp du khách lần lượt bước lên tầng hai qua cầu thang gỗ đen bóng loáng.

Từng bước chân chạm sàn vang lên nhịp nhàng, tiếng đế giày va vào mặt sàn gỗ dày vọng lại lẫn vào nhau.

Lên đến nơi, điểm tham quan đầu tiên là căn phòng ở góc trái, ngay khúc rẽ đầu tiên.

Đó là một căn phòng rộng khoảng bốn mét nhân năm mét, cửa sổ đóng kín, ánh sáng lờ mờ.

Ngay góc phải bên trong, cạnh cửa ra vào, đặt một chiếc giường gỗ cổ chạm khắc hoa văn tinh xảo. Đối diện, sát cửa sổ là một bàn vuông, một ghế tròn lưng cao kiểu cũ, vài món văn phòng tứ bảo lặt vặt đặt bên cạnh.

[Văn phòng tứ bảo là bút, mực, giấy, nghiên – bộ đồ dùng viết chữ truyền thống của người Trung Quốc xưa.]

Trên bức tường bên trái treo vài bức ảnh cũ đã được phục chế. Ngoài mấy tấm ảnh đó ra, toàn bộ bàn ghế trong phòng đều được căng dây giới hạn để ngăn khách lại gần.

“Đây là phòng ngủ của Khâu Văn Tín. Chiếc giường và bàn ghế đều là những món đồ nội thất cổ mà ông từng sử dụng lúc sinh thời.”

“Trước khi chuyển lên Thượng Hải năm 1910, phần lớn thời thơ ấu và thiếu niên của ông đều gắn liền với căn phòng này…”

“Cũng nhờ vào việc nhà mình mở tiệm sách, nên chỉ cần bước xuống nhà là đã có thể đọc đủ thứ sách vở xưa nay. Chính điều đó mới giúp ông sau này có nền tảng vững chắc để trở thành một nhà văn học ưu tú.”

Vì không khí trong phòng khá ngột ngạt, mấy du khách cảm thấy bí bách, chen chúc khó chịu nên chỉ đi một vòng rồi lại bước ra, để lại không gian riêng cho Kỷ Khinh Chu tiếp tục tham quan.

Cậu vừa nghe thuyết minh, vừa khéo léo tránh khỏi đám đông, dừng lại trước bức tường ảnh phía đông, chăm chú nhìn ngắm loạt ảnh cũ ngả màu thời gian.