Dân Gian Phong Thủy Kỳ Đàm

Chương 1: Quan Tài Quỷ Dị Dưới Sông

Năm 2013, công trường thi công Nhà hát lớn Tứ Xuyên đào được thần thú trấn nước. Không lâu sau, nước lũ ngập trời ập đến khiến người ta không khỏi nhớ lại tám chữ cảnh báo chuẩn xác trong giới phong thủy được khắc trên núi Vạn Thọ ở Bắc Kinh: "Bạn không động tôi, tôi không động bạn."

Phong thủy dưỡng người cũng có thể hại người, lời này quả không sai. Từ "Long trụ" với bức phù điêu hình rồng trên cầu vượt cao tốc ở Thượng Hải, "Tỏa Long Tỉnh" ở Bắc Tân Kiều, cho đến những mảnh đất, ngôi nhà hung hiểm ở khắp nơi, từ công trình quốc gia cho đến nhà dân bình thường, phong thủy hiện hữu ở khắp mọi nơi! Ngôi miếu Bắc Đỉnh nương nương nhỏ bé lại có thể khiến Sân vận động Tổ Chim Thế vận hội phải dời đi cả trăm mét, lẽ nào đó là sức mạnh của thần linh?

(*) Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh còn thường được gọi là “Sân vận động Tổ Chim” bởi thiết kế độc đáo như một chiếc tổ chim khổng lồ.

Tôi là một thầy phong thủy âm dương, từng đi khắp non sông đất nước Trung Quốc. Hôm nay, tôi xin kể lại những câu chuyện linh dị về phong thủy trong trăm năm qua ở Trung Quốc…

Tôi tên là Trương Đại Bảo, quê gốc ở Sơn Đông. Thời ông nội tôi, cả nhà đã vượt Quan Đông rồi định cư ở quận Thiết Tây, thành phố Thẩm Dương.

Năm 2003, khi đó tôi 15 tuổi. Khi đó, bộ phim "Vượt Quan Đông" còn chưa công chiếu. Nghe bố kể về lịch sử vẻ vang này của ông nội, tôi liền mua hai chai rượu trắng, xách thêm hai cân tôm tích đến thăm ông.

Hai ông cháu nhắm rượu được nửa chai, ông nội tôi bắt đầu mở lời.

Ông nội kể rằng ông được người ta bới ra từ một hố chôn người chết. Khi nhắc đến chuyện này, ông lau đôi mắt đã mờ đυ.c. Thấy dường như ông đang nhớ lại chuyện buồn, tôi vội vàng xin lỗi rồi khuyên ông nếu không muốn thì đừng kể nữa.

Nhưng ông xua tay: "Không sao, bao nhiêu năm trôi qua rồi. Có những chuyện kể ra vẫn tốt hơn là mang xuống mồ."

Tôi bảo ông đừng nói gở, còn khen ông là một trong những ông lão khỏe mạnh nhất khu phố, biết đâu sau này còn có thể tìm được một mối tình xế chiều. Nghe vậy, ông nội cười mắng rồi thưởng cho tôi một cái tẩu thuốc vào đầu. Tôi ôm đầu cười hề hề.

"Cháu cứ coi như nghe một câu chuyện là được." Ông nội thở dài rồi lại uống cạn một chén rượu. Và tôi đã được nghe một câu chuyện thay đổi cả cuộc đời mình…

Vào mùa hè năm 1943, vùng phía tây Sơn Đông ba tháng liền không có lấy một giọt mưa. Lòng sông cạn khô, đất đai nứt nẻ, người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, mà khi đó quân Quan Đông vẫn chưa rút hết.

Ông nội kể rằng có một người dò mỏ nói rằng đã phát hiện ra vàng sa (vàng cát) khoáng ở hạ lưu sông Vệ Hà. Quân Nhật đang trong giai đoạn cuối cùng của việc cướp bóc tài nguyên, làm sao có thể bỏ qua cơ hội này? Chúng liền sai bọn Nhị Cẩu Tử (Hán gian) đến các làng tìm người làm thuê, trả công chín chiếc bánh ngô mỗi ngày. Đối với người dân vùng tây Sơn Đông đang chịu hạn hán lâu ngày khi đó, những chiếc bánh ngô này chính là mạng sống của cả gia đình.

Chỉ trong một buổi sáng, tất cả những người đàn ông khỏe mạnh trong làng đều đến bờ sông. Tên Nhị Cẩu Tử với mái tóc Hán gian hất hàm ra lệnh cho dân làng đào, khi nào đào được cát sỏi mới được dừng. Gần trăm người làm việc ngày đêm, nhưng vì thiếu ăn lâu ngày nên thể chất của dân làng đều rất kém, thường xuyên có người ngất xỉu. Bọn Nhị Cẩu Tử khiêng người ra ngoài, không những không cho lương thực mà còn mắng chửi không tiếc lời.

Cụ nội tôi tuy là trưởng làng nhưng trước mặt đám Nhị Cẩu Tử hống hách cũng chẳng làm được gì. Đến trưa ngày thứ ba, chuyện lạ xảy ra. Có người hô lên rằng đào được tấm đá có khắc hình rồng. Dân làng và lính Nhật lập tức xúm lại. Đến gần xem mới thấy, con rồng lớn trên tấm đá được chạm khắc sống động như thật, hai mắt rồng to bằng nắm tay được khảm bằng ngọc phỉ thúy. Thoạt nhìn, đôi mắt rồng xanh biếc ấy như muốn ăn tươi nuốt sống người ta.

Quân Nhật lập tức thốt lên ba tiếng "Yoshi" (tốt), ra lệnh cho dân làng đào quan tài lên. Văn hóa Sơn Đông thâm sâu, văn hóa tang lễ cũng rất phát triển. Thời đó, nhiều người dân vì không có cái ăn mà buộc phải trở thành kẻ trộm mộ, vì vậy khi gặp quan tài, mọi người cũng không lấy làm lạ.

Nhưng ngay khi mọi người chuẩn bị động thổ, một ông lão đang làm việc gần đó chạy đến. Ông ta nằm sấp trên nắp quan tài và kêu lên: "Không được, quan tài này không thể đào!"

"Ông đừng có nói bậy, Đại tá Kawasaki của Hoàng quân ở đây, có gì mà không thể đào!" Đội trưởng đội hiến binh hỏi.

Ông lão vừa dập đầu vừa vái lạy, van xin nói rằng chiếc quan tài này có lai lịch rất lớn, là quan tài đá được dùng để trấn áp long mạch của sông từ thời Chiến Quốc, bên trong quan tài là Long Vương sông Vệ Hà. Ông ta còn nói ai động vào sẽ gặp đại họa.

Bọn Nhị Cẩu Tử để thể hiện lòng trung thành với Hoàng quân, đội trưởng đội hiến binh liền cho ông lão một báng súng. Hai tên lính khác trói ông lão lại, còn lớn tiếng nói rằng Long Vương cũng phải nghe theo Thiên Hoàng.