Hai người trao đổi WeChat, thỉnh thoảng trò chuyện vài câu. Phụ nữ mà, chỉ cần quen biết một chút là có thể bàn về sở thích, than phiền công việc, bàn luận phim mới ra hay nhà hàng mới mở. Nhưng vẫn chưa đủ thân để nói về chuyện tình cảm riêng tư.
Trước khi sang Mỹ, Lương Kinh Mặc về quê một chuyến, đón Long An từ nhà ông bà nội về nhà bố mẹ cô để cùng nhau trải qua cuối tuần. Đã lâu không gặp mẹ, thằng bé vui mừng không thôi, cứ dính chặt vào lòng cô, nhất quyết không chịu buông. Cô cũng chẳng hiểu sao, từ sau khi ly hôn, tình cảm giữa cô và con trai dường như còn sâu sắc hơn trước.
Gia đình Lương Kinh Mặc có thể xem là một gia đình tri thức điển hình, bố mẹ cô đều là giáo viên trung học. Bố cô dạy lịch sử, mẹ cô dạy toán, đều thuộc nhóm giáo viên giỏi có thể tham gia ra đề thi. Hai người chuyên môn chẳng liên quan gì đến nhau, nghe nói ngày trước là do mai mối giới thiệu. Người mai mối bảo rằng, bố cô suốt ngày nghiên cứu mấy thứ cổ xưa hàng ngàn năm, nên chắc chắn là người hoài cổ, không trăng hoa, rất đáng tin. Còn mẹ cô thì giỏi toán, quản lý tài chính tốt, lo toan gia đình chắc chắn không thành vấn đề. Và thế là họ thành một đôi.
Có lẽ bà mai hồi đó không lường trước được rằng, người thích đồ cổ thì cũng bảo thủ và cứng nhắc, còn người giỏi toán thì khi thúc giục chuyện cưới xin cũng có thể tính toán một cách chi li đến mức nào.
Lương Kinh Mặc đã qua cái tuổi có thể "giương nanh múa vuốt" chống đối như Đường Quế Tâm. Cô chọn cách phản kháng trong im lặng. Bố mẹ cô đã lớn tuổi, tóc bạc ngày càng nhiều, cô không muốn làm họ phiền lòng, nhưng cô cũng có nguyên tắc của riêng mình. Vì vậy, đối với áp lực từ gia đình, cô luôn giữ thái độ hiếu thuận nhưng không thuận theo. Cô thường xuyên về thăm nhà, khi bố mẹ cần tiền thì cô gửi, không nhận tiền thì cô mang quà. Còn chuyện họ liên tục ép cô tái hôn hoặc quay lại với chồng cũ, cô cứ nghe tai này rồi để trôi qua tai kia.
Còn về những lời đàm tiếu hay ánh mắt soi mói từ người đời, cô nghĩ:
"Hắn mạnh thì cứ để hắn mạnh, gió mát thổi qua sườn núi. Hắn ngang ngược thì cứ để hắn ngang ngược, trăng sáng vẫn chiếu khắp sông dài. Hắn ác thì cứ để hắn ác, ta cứ tự dưỡng khí mà sống!"
Bữa tối không chỉ có "thanh niên tài giỏi" theo như lời bố mẹ cô mà còn có vài người họ hàng, một bàn tiệc rôm rả. Đám thanh niên thì săn đón, họ hàng thì nhiệt tình, tất cả cùng nhau bàn tán về chuyện con cái: nào là điểm số kém, yêu sớm, không nghe lời, phải dạy dỗ ra sao, vân vân và mây mây.
Lương Kinh Mặc rất ít nói, thỉnh thoảng chỉ gắp thức ăn giúp Long An khi thằng bé với không tới. Trong lòng cô chỉ hy vọng con trai mình giống như một hạt giống, cô sẽ dùng tình yêu để che chở, tưới nước, bón phân, để thằng bé có thể phát triển thành chính nó, chứ không phải kiểu: "Ta thích ăn chuối, nên ta muốn con nghe ta, lớn lên thành cây chuối." Nhưng nếu bên trong thằng bé là một cây táo thì sao?
Sau bữa tối, họ hàng ai nấy đều biết điều mà về trước, chỉ còn lại hai sinh viên cũ của bố cô đang ngồi trò chuyện trong phòng khách. Thấy ánh mắt ra hiệu của mẹ cô, bố cô cũng ngừng cuộc nói chuyện của mình, đi vào thư phòng.
Hồi nhỏ, Lương Kinh Mặc rất thích trò chuyện với bố. Ông là người có kiến thức sâu rộng, có thể kể vanh vách chuyện từ hàng nghìn năm trước. Cô cũng thích đọc sách, điều này phần lớn là nhờ vào bầu không khí học thuật trong gia đình. Nhưng càng lớn, cô càng có suy nghĩ riêng, không còn hoàn toàn tiếp thu quan điểm của bố mẹ nữa. Đến khi cô kết hôn rồi ly hôn, bầu không khí giữa họ bỗng trở nên khác biệt. Với tư cách là những trí thức, bố mẹ cô dường như coi đây là một "vết nhơ" trong việc giáo dục con cái của họ, đồng thời cũng lo rằng sau này cô sẽ cô đơn khi về già.
Dù vậy, họ lại rất khó để trò chuyện một cách bình đẳng như trước đây.
Lương Kinh Mặc chợt hoài niệm những ngày cả nhà ba người cùng ngồi trong phòng khách thảo luận đủ thứ chuyện, nhưng nếu có thể quay ngược thời gian, cô cũng không muốn quay lại quá khứ. Cuộc sống của người trưởng thành có nhiều khó khăn, nhưng đó là những khó khăn do chính mình lựa chọn. Còn tuổi thơ, dù có vui vẻ đến đâu thì cũng là do người khác tạo ra, không mang quá nhiều ý thức cá nhân.
Hai sinh viên của bố cô rất biết cách nói chuyện, từ giải Nobel đến lịch sử của giải Nobel, từ phim truyền hình đang hot đến các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Nhưng Lương Kinh Mặc lại chẳng còn hứng thú bàn luận nữa. Cô viện cớ muốn kể chuyện trước khi ngủ cho Long An rồi lên lầu, để lại hai người kia nhìn nhau không biết nói gì tiếp.
Sau khi Long An ngủ say, điện thoại cô rung nhẹ. Mở ra xem, là một tin nhắn từ Đường Quế Tâm, kèm theo một đoạn nhỏ:
"Đừng để cuộc sống bào mòn hết khát vọng của cô. Cô vẫn còn thơ ca và những chân trời xa:
Sườn hầm nóng hổi, canh thơm,
Thịt nướng bánh kẹp, ăn cơm cũng vừa.
Tôm tươi cùng với gạch cua,
Lẩu cay bốc khói, xiên vừa thơm ngon.
Vịt quay Kinh Thị giòn tan,
Thịt bò nước lẩu, thơm ngàn dặm xa.
Cà phê quyện chút ca-ra(mel),
Bánh quy giòn rụm, sữa dê béo bùi.”
Lương Kinh Mặc đọc xong, bật cười rồi gửi lại một biểu tượng cười kèm lời chúc ngủ ngon, sau đó tắt điện thoại. Thật ra... cô cũng bắt đầu thấy đói.
Cô xuống lầu thì thấy mẹ đang nấu mì.
"Vừa định gọi con xuống ăn. Lúc nãy thấy con không ăn được mấy, ăn chút gì lót dạ đi."
Lương Kinh Mặc cảm thấy ấm áp trong lòng, nhận lấy bát mì, dịu dàng nói: "Cảm ơn mẹ."
Mẹ cô ngồi xuống bên cạnh, nhìn cô ăn rồi thở dài: "Con xem con đi, một mình vất vả như vậy, không có đàn ông thì sao mà sống? Bóng đèn hỏng, bồn cầu hỏng, ai sửa? Gạo, ga ai khiêng?"
"Mẹ à, ba con cũng đâu có sửa bóng đèn, cũng đâu có vác gạo hay bình ga." Lương Kinh Mặc nhắc nhẹ một câu.
Mẹ cô á khẩu, nhưng vẫn cố nói: "Không giống nhau, có đàn ông thì cũng có người để nhờ vả..."
"Thôi mà mẹ, thành phố có thợ sửa, có dịch vụ giao hàng tận nơi, phục vụ tận cửa luôn, mẹ đừng lo chuyện này nữa."
Mẹ cô vẫn chưa từ bỏ: "Hai sinh viên kia của ba con, có ai hợp mắt không?"
Lương Kinh Mặc bật cười lắc đầu: "Không có, không có đâu ạ. Mẹ mau đi ngủ đi, để con dọn dẹp."
Bố mẹ, với cô, vừa là sự ấm áp, vừa là điều cô muốn thoát khỏi.