Vân Hoán Hoán ngoan ngoãn gật đầu, tỏ ý sẽ phối hợp.
“Tôi tên là Giang Tam Nha, quê ở thôn Hạ Đường, huyện Bình An, Nam Thị. Nhà có sáu người, bố tôi là Giang Kiến Quốc, mẹ là Quý Mai. Gia đình tôi thuộc diện Tam đại bần nông*. Anh chị em tôi đều được đi học, chỉ có tôi là chưa từng được đến trường…”
Nguyên chủ là một cô bé đơn thuần, nhưng Vân Hoán Hoán là người từng trải, nhìn thấu lòng người. Dựa vào ký ức của nguyên chủ, cô nhanh chóng nhận ra nhiều điểm bất thường.
Các nhân viên điều tra cũng phát hiện có điều khác thường, liền hỏi: “Cô bị bắt cóc như thế nào?”
Vân Hoán Hoán đỏ hoe mắt, ánh lệ long lanh: “Tôi không bị bắt cóc… Mà bị chính cha mẹ ruột bán đi. Chỉ với 500 đồng thôi.”
Cô phải đòi lại công bằng cho nguyên chủ, đó là điều duy nhất cô có thể làm cho cô bé ấy.
Hai người phụ trách sững người, trên mặt lộ rõ vẻ không đành lòng.
Bọn họ là công an, bao năm qua có chuyện gì mà chưa từng gặp? Họ đã chứng kiến vô số vụ án ly kỳ, những chuyện thế này cũng chẳng còn xa lạ.
Không phải bậc cha mẹ nào cũng yêu thương con cái. Với một số người, con cái chỉ là công cụ để họ dưỡng già, thậm chí còn là nơi để họ trút giận.
Trong xã hội trọng nam khinh nữ, số phận của các bé gái lại càng bi thảm. Có đứa vừa sinh ra đã bị dìm chết, có đứa may mắn hơn thì được nuôi lớn qua loa, chỉ để sau này bị ép gả đi nhằm đổi lấy sính lễ. Đến khi lấy chồng, các cô gái đó không chỉ phải rời xa gia đình mà còn bị bóc lột để chu cấp cho nhà mẹ đẻ.
Nhưng chuyện này cũng chẳng còn cách nào khác, chỉ có thể nhẫn nhịn.
“Tam Nha, tuy rằng họ làm sai, nhưng dù sao cũng là cha mẹ của cháu. Họ sinh cháu ra, nuôi cháu khôn lớn, suy cho cùng đây cũng chỉ là mâu thuẫn trong gia đình. Cháu nhẫn nhịn thêm vài năm nữa rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi…”
Vân Hoán Hoán cười lạnh trong lòng. Thời đại này, pháp luật vẫn chưa hoàn thiện, đến cả chuyện dìm chết con gái cũng không bị truy cứu. Thay vì trông chờ vào người khác, chẳng bằng tự dựa vào chính mình.
“Vậy nên, các người còn định đưa tôi về đó để tiếp tục chịu khổ sao?”
Các đồng chí phụ trách nhìn nhau, tuy rất đồng cảm với cô bé này, nhưng có những chuyện họ cũng bất lực, không thể can thiệp.
Cha mẹ cô vẫn còn khỏe mạnh, không thể đưa cô vào cô nhi viện.
Nhưng Vân Hoán Hoán không thể quay về ngôi nhà đó, càng không thể để người khác tùy ý định đoạt số phận của mình.
“Bọn họ không phải cha mẹ ruột của tôi.”
Câu nói ấy như một quả bom nổ tung, khiến hai người kia sững sờ.
“Tại sao cháu lại nói vậy? Chỉ vì họ đã bán cháu sao? Chuyện này không ổn đâu…”
Vân Hoán Hoán nhớ lại vô số ký ức vụn vặt, đã nhận ra có nhiều điểm bất thường.
“Trong số các anh chị em, chỉ có mình tôi chưa từng được đi học, tên cũng hoàn toàn khác hẳn so với họ.”
Những đứa con của nhà họ Giang đều có tên đàng hoàng: Giang Hồng Tinh, Giang Hồng Quân, Giang Hồng Vân. Chỉ riêng Giang Tam Nha là ngoại lệ. Đây là điểm đáng ngờ đầu tiên.
“Từ nhỏ đến lớn, bọn họ luôn được ăn no mặc ấm, còn tôi thì phải chịu đói, chưa từng một lần được no bụng.” Đây là điểm đáng ngờ thứ hai.
Cô run rẩy vén ống tay áo lên, để lộ những vết thương chồng chất trên cánh tay.
“Cả nhà họ muốn mắng thì mắng, muốn đánh thì đánh, tôi chính là nơi để họ trút giận. Nếu chỉ vì trọng nam khinh nữ, vậy tại sao Giang Hồng Vân chưa từng bị đánh?”
Các đồng chí phụ trách tròn mắt kinh ngạc, không thể tin nổi. Chuyện này thật quá đáng!
“Không chỉ vậy, họ còn nhồi nhét vào đầu tôi những tư tưởng lệch lạc, nói rằng tôi sinh ra là để làm trâu làm ngựa cho họ, được hầu hạ họ chính là phúc phận của tôi.”
“Thật kỳ lạ, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đổi mới rồi, sao vẫn còn kiểu tư tưởng nô dịch và bóc lột như bọn tư sản thế này chứ?”
“Nhưng rõ ràng gia đình họ thuộc diện Tam đại bần nông cơ mà.”
*Tam đại bần nông (三代贫农) là một thuật ngữ xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, dùng để chỉ những gia đình thuộc tầng lớp bần nông (nông dân nghèo) qua ba thế hệ liên tiếp.
Một gia đình được gọi là Tam đại bần nông khi cả ba thế hệ (ông bà, cha mẹ và con cái) đều thuộc tầng lớp bần nông, tức là:
Không sở hữu ruộng đất hoặc sở hữu rất ít, phải làm thuê để kiếm sống.
Luôn trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và đường lối vô sản.
Được coi là có lập trường “hồng”, có lợi thế hơn trong chính sách ruộng đất, phân phối tài nguyên và các cơ hội khác trong xã hội.
Trong bối cảnh truyện, việc gia đình Giang Tam Nha thuộc diện Tam đại bần nông nhưng lại có tư tưởng bóc lột, nô dịch người khác là một điều mâu thuẫn, khiến các đồng chí công an ngạc nhiên.