Chỉ có Đường Nguyệt biết rằng: Tiểu Đường Nguyệt của ngày trước đã ra đi. Người hiện tại đã không còn là nàng ấy nữa.
Nghĩ đến tâm nguyện cuối cùng của thiếu nữ kia: cầu mong ai đó giúp nàng tiếp tục gánh vác hiệu cầm đồ, không để tâm huyết bao đời sụp đổ, Đường Nguyệt khẽ thở dài.
Bên trong tâm trí, âm thanh rì rầm quen thuộc bỗng vang lên:
“Tiểu Tiệm Bạc, em còn đó chứ? Khởi động đi.”
“Oa! chủ nhân, em vẫn còn đây! Lập tức khởi động!”
“Hoan nghênh chủ nhân đến dị thế giới, khởi động tiệm bạc. Khẩu hiệu của chúng ta là: "Bạn có hiệu cầm đồ, mình có ngân lượng. Cứu vớt kẻ hữu duyên, cùng nhau đi đến đỉnh cao nhân sinh."
“Ai nha... năng lượng của Tiệm Bạc không đủ, vô pháp khởi động. Kính xin chủ nhân hoàn thành phòng làm việc, chế tác trang sức bạc còn dang dở, mới có thể kích hoạt Tiệm Bạc.”
Lời khẩu hiệu vừa vang lên khí thế bao nhiêu, kết cục lại bi thảm bấy nhiêu.
Một khắc sau, cảnh tượng vốn nghiêm trang lập tức hóa thành nực cười.
Khóe miệng Đường Nguyệt co giật, bất đắc dĩ đáp một tiếng.
Không sai! Thứ mà cô dùng để mở hiệu trang sức bạc ở thời hiện đại chẳng những xuyên không theo, mà còn hóa thành yêu quái!
Đường Nguyệt vốn sinh ra ở thế kỷ 21, chuyên ngành thiết kế trang sức. Sau khi tốt nghiệp, cô tận dụng cổ phần trong gia tộc, mở một tiệm trang sức bạc ở Kinh Thị.
Tập đoàn Đường thị kinh doanh trang sức, sản phẩm trải rộng từ vàng, bạc, bạch kim, phỉ thúy, mã não, trân châu... bất cứ loại trân bảo nào cũng đều có. Thị phần mà tập đoàn chiếm lĩnh lên đến chín thành.
Khi thành lập hiệu trang sức bạc, cô đặt định hướng: “Tâm ý độc nhất, thanh nhã đỉnh cao”. Mỗi món trang sức đều dựa theo ý nguyện của khách hàng để thiết kế riêng, sau đó chế tác thủ công, tạo ra những kiệt tác mang đậm dấu ấn cá nhân, không thiếu sự tinh tế và trang nhã.
Việc này có liên quan đến một trải nghiệm của Đường Nguyệt khi cô còn đi du ngoạn. Năm đó, trong chuyến hành trình đến vùng đất của đồng bào Miêu tộc, cô lần đầu tiên chứng kiến trang sức bạc với những hoa văn độc đáo cùng kỹ nghệ tinh xảo. Dù độ tinh khiết của bạc mà các cô nương nơi đó đeo không cao, nhưng nét thanh nhã cùng khí chất đặc trưng của chúng vẫn thu hút ánh nhìn và nhận được nhiều lời tán thưởng.
Sau khi thấu hiểu ý nghĩa ẩn chứa trong các hoa văn cùng kỹ thuật chế tác tinh vi, Đường Nguyệt mỗi năm đều tận dụng kỳ nghỉ đông và nghỉ hè để quay lại vùng đất Miêu tộc, bái sư học nghệ. Cô tìm đến bậc đại sư có tay nghề chế tác trang sức bạc cao nhất địa phương, dốc lòng lĩnh hội những tinh túy của nghề thủ công.
Từ thiết kế, mài giũa, nung luyện, làm lạnh, chạm khắc, định hình cho đến áp quang, mỗi bước trong quá trình chế tác, cô đều nắm rõ, tâm tay hợp nhất, thành thạo thuần thục.
Sau khi mở cửa hàng, cô dung hòa thiết kế cá nhân cùng thủ công chế tác, lấy sự độc đáo trong tư tưởng cùng tinh vi trong tay nghề làm điểm sáng. Chính điều này đã thu hút không ít khách hàng, giúp danh tiếng cửa tiệm nhanh chóng lan xa, khiến tiệm bạc của cô trở nên có tiếng ở Kinh Thị, sinh ý ngày một phát đạt.
Thế nhưng, ngay trước khi xuyên qua, cô đang ở trong phòng làm việc của tiệm, cẩn thận chế tác một chiếc vòng tay họa tiết trúc tiết theo đơn đặt hàng. Bất ngờ, phòng làm việc gặp sự cố mất điện. Trong bóng tối, sau khi thích ứng một chút, cô đứng lên định kiểm tra xem cầu dao có bị ngắt hay không, nhưng không ngờ lại vấp phải chân bàn, ngã mạnh xuống đất. Ý thức cô lập tức chìm vào hư vô.