Trở Về Cổ Đại Làm Cá Mặn

Chương 64

Nghĩ đến việc rượu chưng cất xong sẽ đến định giá, Binh Bộ thượng thư quyết định rằng ngày mốt nhất định phải uống cho thật đã, nếu không thì lỗ quá.

Đang suy nghĩ về chuyện này, bên ngoài có người bước vào. Binh Bộ thượng thư ngẩng đầu lên, thấy Dương Đồng tiến vào.

"Chuyện gì vậy, có phải về móng ngựa sắt không?" Nhìn thấy tờ giấy trong tay Dương Đồng, Binh Bộ thượng thư hỏi.

Ngoài chuyện đó ra, Dương Đồng cũng chẳng có lý do nào khác để đến tìm ông.

Dương Đồng không trả lời, đưa tờ giấy trong tay cho Binh Bộ thượng thư

Thực ra, tờ giấy ghi chép này vốn định trình lên Hoàng đế, nhưng Thái tử và những người khác suy đi nghĩ lại, cảm thấy tốt nhất là trình cả hai bên, Hoàng đế và Binh Bộ thượng thư. Nếu không, dù đưa cho bên nào, đến lúc thảo luận cũng phải xem lại, mất thời gian.

Thế là phía Binh Bộ thượng thư do Dương Đồng mang đến, còn phía Hoàng đế thì do Thái tử và những người khác trình lên.

Binh Bộ thượng thư cũng không để ý việc Dương Đồng không nói gì, nhận lấy tờ giấy rồi xem. Điều đầu tiên ông nhìn thấy là tiêu đề: "Làm thế nào để cải thiện tình trạng thiếu thốn quân y trong quân đội."

Tiêu đề thẳng thắn đến mức Binh Bộ thượng thư lập tức nghĩ ngay đến một người – Bùi Thanh.

Ngoài Bùi Thanh ra, có lẽ cả Đại Thịnh này không còn người thứ hai nào viết thẳng thắn đến thế.

Nghĩ đến việc tác giả của sách luận này có thể là Bùi Thanh, Binh Bộ thượng thư lập tức hứng thú, cúi xuống nghiêm túc đọc.

Mặc dù đoán rằng Bùi Thanh có thể có những ý tưởng độc đáo, nhưng Binh Bộ thượng thư hoàn toàn không ngờ rằng sách luậnnày lại có thể phân tích đầy đủ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho tình trạng thiếu quân y như vậy.

Một số nguyên nhân ông từng biết, nhưng cũng có những nguyên nhân ông hoàn toàn chưa nghĩ đến. Đọc xong nội dung trên giấy, nhớ lại những tình huống đã gặp trước đây, ông mới bừng tỉnh.

Các giải pháp đưa ra cũng khiến ông vỗ bàn khen ngợi. Rõ ràng là không quá khó, nhưng khi chưa được nói rõ, lại chẳng ai nghĩ ra được.

"Bùi Thanh đúng là phúc tinh của Binh Bộ chúng ta!" Binh Bộ thượng thư không kìm được thốt lên.

Dương Đồng định giải thích thêm, nhưng Binh Bộ thượng thư lại cúi đầu đọc tiếp, khiến lời của Dương Đồng nghẹn lại không nói được. Mãi đến khi Bộ Binh thượng thư chú ý đến phần ghi tên tác giả.

Có tên Bùi Thanh, nhưng cũng có tên của Thái tử, Cao Nham, Chu Lăng, Dương Đồng, thậm chí còn có một người họ Hứa.

Có tên Bùi Thanh thì không ngạc nhiên, nhưng những cái tên còn lại khiến Binh Bộ thượng thư vô cùng bất ngờ.

"Hứa Chiếu này là ai?" Binh Bộ thượng thư hỏi.

Cuối cùng thì Dương Đồng cũng có cơ hội mở miệng, nhanh chóng giải thích về thân phận của Hứa Chiếu.

Biết được Hứa Chiếu là một đại phu trong Dược Y Viện, Binh Bộ thượng thư càng phấn khởi hơn. Nếu sách luận này có sự tham gia của đại phu, điều đó chứng tỏ các ý kiến đưa ra đã được họ đồng tình.

Vừa rồi, mặc dù cảm thấy các ý tưởng đưa ra rất hay, nhưng ông cũng không dám chắc hiệu quả khi thực hiện, vì bản thân ông không phải là đại phu, chỉ có thể đoán được phần nào. Nhưng giờ đây, tính khả thi của các đề xuất này lại được tăng thêm vài phần.

Binh Bộ thượng thư đang mải nghĩ ngợi thì một thái giám bước vào, thông báo rằng Hoàng đế triệu kiến gấp.

Lần này được triệu kiến cùng ông còn có Thái Y Lệnh của Thái y Viện. Vừa nghe nói bị triệu gấp, Thái y còn tưởng Hoàng đế bị bệnh đột xuất. Mãi đến khi thấy Binh Bộ thượng thư, ông mới nhận ra có thể không phải chuyện đó.

*Thái Y Lệnh: là người đứng đầu Thái Y Viện

"Đến rồi à? Thái Y Lệnh ông xem bài viết này đi." Hoàng đế nói, một thái giám bên cạnh đưa tờ giấy lên.

Thái Y Lệnh vừa nhìn tiêu đề đã giật mình. Là Thái Y Lệnh, ông quá hiểu suy nghĩ của các đại phu trong viện. Ai nấy đều chỉ muốn ở lại kinh thành, rất ít người chịu đi địa phương, chứ đừng nói đến việc làm quân y trong quân đội.

Thái Y Lệnh thực sự không nghĩ ra được cách nào để khiến họ sẵn lòng làm quân y, ngoại trừ các biện pháp cưỡng chế. Nhưng vấn đề là làm đại phu không chỉ cứu người, mà còn có thể hại người.

Trừ khi có một đại phu khác giỏi hơn, nếu không chỉ cần một sơ suất nhỏ, xảy ra chuyện cũng không biết nguyên nhân do đâu.

Với tâm trạng có phần bi quan, Thái Y Lệnh vẫn cẩn thận đọc bài viết. Biểu cảm trên khuôn mặt ông dần thay đổi, từ không mấy quan tâm đến bị chấn động sâu sắc.

Một số điều kiện đưa ra trong bài viết, Thái Y Lệnh tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, phát hiện mình cũng sẽ bị thu hút.

Đúng như vậy, nếu chỉ làm quân y mãi thì chắc chắn không ai muốn. Nhưng nếu coi việc làm quân y như một công trạng, lấy đó để ghi nhận công lao, thì vẫn có người sẵn lòng.

Hoàng đế lặng lẽ quan sát sự thay đổi trên khuôn mặt của Thái Y Lệnh, trên mặt không kìm được nụ cười.

Lúc đầu, khi đọc bài viết, Hoàng đế cũng kinh ngạc như Thái Y Lệnh. Nhưng điều khiến ông bất ngờ nhất không phải là điều này. Bùi Thanh đã từng làm nhiều việc kỳ lạ, ông cũng quen với sự sáng tạo của Bùi Thanh rồi.

Điều khiến ông vui mừng chính là lần này không chỉ Bùi Thanh tham gia, mà Thái tử cũng góp phần vào. Thậm chí, Thái tử còn bổ sung và đưa ra một số ý kiến của riêng mình. Điều này khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng.

Trước đây, Thái tử thường bắt đầu mọi câu nói bằng: "Lão sư nói rằng", "Sách viết rằng", rất ít khi thể hiện quan điểm cá nhân. Hoàng đế từng lo lắng vì chuyện này. Nhưng giờ đây, dường như đã nhìn thấy ánh sáng giải quyết vấn đề.

"Ngươi có nghe tin chưa? Vì đại quân chuẩn bị xuất chinh, Binh Bộ dâng tấu, nói cần tuyển thêm một nhóm quân y đi theo."

"Chuyện khi nào? ngươi không nghe nhầm chứ?"

"Chuyện mới mấy ngày trước thôi, nghe nói Hoàng đế hôm đó triệu Thái Y Lệnh vào để hỏi ý kiến."

Mặc dù mệnh lệnh cụ thể chưa được ban ra, nhưng tin đồn đã lan truyền trong Dược Y Viện.

Biết được tin này, các đại phu trong viện bắt đầu hoảng hốt. Ai nấy đều không muốn làm quân y. Làm quân y chẳng khác nào chấm dứt con đường thăng tiến, tiền đồ mờ mịt từ đây.

Có người đột nhiên nhớ ra rằng trước đây, Hứa Chiếu từng được người của Binh Bộ gọi đi. Thời gian chính là trước khi Binh Bộ dâng tấu chương, có vẻ như họ muốn dò hỏi điều gì đó từ Hứa Chiếu, nhưng Hứa Chiếu hoàn toàn giả vờ như trước đây mình chưa từng nghe gì, hỏi gì cũng không biết.

Không phải ông không muốn nói, mà là ông không thể nói.

Trong khi toàn bộ các đại phu của Dược Y Viện đang thấp thỏm chờ đợi, sắc lệnh đã được ban hành. Quả thật là sẽ điều động đại phu từ Dược Y Viện để làm quân y, nhưng người tham gia là tự nguyện đăng ký, hơn nữa không phải làm quân y lâu dài, mà chỉ làm trong thời gian theo quân xuất chinh. Khi chiến sự kết thúc, họ có thể trở về Dược Y Viện và sẽ được đãi ngộ tốt trong quân đội.

Nhìn thấy sắc lệnh này, một số đại phu của Dược Y Viện thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, họ lo lắng rằng sẽ bị ép buộc đi làm quân y. Nhưng nếu là tự nguyện, vậy thì họ hoàn toàn có quyền chọn đi hay không.

Các đại phu bắt đầu dò hỏi ý định của nhau, và khi xác nhận rằng phần lớn đều không muốn đi, họ quyết định sẽ không tham gia. Nếu chỉ có một số ít người không đi có thể bị nhắm đến, nhưng nếu hầu như không ai đi, thì "pháp bất trách chúng" (luật pháp không thể trách phạt số đông).

Tuy nhiên, đãi ngộ mà Binh Bộ đưa ra quả thực cũng khiến một số đại phu động lòng. Dù vậy, họ vẫn lo ngại rằng mặc dù sắc lệnh nói chỉ cần làm quân y một thời gian, nhưng nếu thiếu quân y, Binh Bộ có thể trì hoãn không cho họ về. Với phong cách làm việc của Binh Bộ, chuyện này không phải không thể xảy ra.

Nghĩ đến khả năng này, những đại phu đã dao động vì lương bổng lại không dám mạo hiểm. Họ cân nhắc rằng việc định cư ở kinh đô tiêu tốn nhiều tiền, nhưng nếu phải ở quân doanh lâu dài, họ cũng không cần nhiều tiền như thế nữa.

Viện trưởng Dược Y Viện nhìn sắc lệnh ghi rõ "tự nguyện", nhưng không thể thả lỏng như các đại phu khác. Có thể ban hành sắc lệnh này, dù đã được Thái Y Lệnh và Binh Bộ thương lượng để không ép buộc, nhưng chắc chắn phải có điều kiện nhất định — ít nhất phải có một số đại phu tham gia làm quân y.

Nếu không có ai đăng ký, Binh Bộ có khả năng sẽ trở mặt.

Trước đây, Binh Bộ cũng đã nhiều lần phản ánh việc thiếu quân y, nhưng các đề xuất đều không được thông qua. Lần này hiếm hoi được phê duyệt, nếu vẫn không tuyển được quân y nào, Binh Bộ chắc chắn sẽ không bỏ qua.

Khi viện trưởng đang đau đầu, Hứa Chiếu đã đến đăng ký. Ban đầu, Hứa Chiếu định đợi các đồng liêu đăng ký rồi lặng lẽ tham gia để tránh gây chú ý. Nhưng không ngờ, chẳng ai có động thái gì, bản thân đành phải chủ động.

Mặc dù biết rằng sau này có thể bị nghi ngờ là biết trước điều kiện mới đi, Hứa Chiếu vẫn không còn cách nào khác.

“Ngươi chắc chắn muốn đi?” Viện trưởng kinh ngạc nhìn Hứa Chiếu.

Viện trưởng có chút ấn tượng về Hứa Chiếu, biết rằng đối phương rất khao khát được vào Thái Y Viện. Nhưng nếu làm quân y tạm thời mà Dược Y Viện cử quá ít người khiến Binh Bộ bất mãn, họ có thể giữ Hứa Chiếu lại. Trong trường hợp đó, Dược Y Viện cũng không thể vì một vài đại phu mà tranh cãi với Binh Bộ, và Hứa Chiếu sẽ không còn cơ hội vào Thái Y Viện.

Hứa Chiếu gật đầu, viện trưởng hỏi thêm vài lần nữa để chắc chắn, rồi mới ghi tên Hứa Chiếu lên danh sách đăng ký, cũng là cái tên đầu tiên.

Khi Từ Chiếu bước ra khỏi phòng viện trưởng, có người tò mò hỏi anh vừa làm gì. Từ Chiếu nói thật, khiến mọi người kinh ngạc không thôi, không hiểu sao anh lại nghĩ không thông như vậy.

“Ta giỏi nhất là trị thương ngoại, đến quân doanh sẽ có cơ hội nâng cao tay nghề, vì chẳng nơi nào có nhiều bệnh nhân bị thương như trên chiến trường cả. Hơn nữa, lương bổng cũng rất tốt, không phải lỗ vốn.” Hứa Chiếu giải thích.