Xuyên Sách Thập Niên 70: Góa Phụ Vô Tình Vớ Được Nam Chính

Chương 26: Đi tìm cha ruột

Chẳng phải bà đã nói rồi sao? Thà nhận cô góa phụ kia làm con gái, còn hơn nhận anh làm con trai.

Là một người bạn chí cốt, Mục Nhiên cảm thấy vừa buồn cười, vừa cảm động đến muốn rơi nước mắt.

Vừa đi, anh vừa nghĩ: chuyện này mà truyền ra ngoài, chắc chắn người muốn giới thiệu đối tượng cho Cố Khinh Chu sẽ càng nhiều.

Vì sao ư?

Bấy lâu nay ai cũng tưởng anh ta kén chọn, khó ai lọt vào mắt. Giờ thì hay rồi, ngay cả góa phụ cũng được giới thiệu. Vậy những cô gái khác có lý do gì mà không được chứ?

Tất nhiên, cũng có người đầu óc linh hoạt, nghĩ sâu hơn.

Cố Khinh Chu mới 26 tuổi mà mẹ anh đã đi tìm góa phụ cho anh rồi!

Chẳng trách trên đường về, Mục Nhiên gặp lão Chính ủy Trần, ông cứ bóng gió dò hỏi xem liệu Cố Khinh Chu có bị thương chỗ nào trong những lần làm nhiệm vụ trước.

Ông còn ám chỉ rằng, con gái duy nhất của ông giờ đã có đối tượng rồi.

Lúc đó Mục Nhiên thấy kỳ lạ, rõ ràng con gái ông Trần đã thích Cố Khinh Chu nhiều năm, sao bỗng dưng lại nói có đối tượng mới?

Hóa ra là có nguyên nhân.

Nghe mà đau lòng, ai nghe cũng phải rơi nước mắt.

"Đang nghĩ gì thế? Còn nhiệm vụ đấy." Cố Khinh Chu giơ tay nhìn đồng hồ:

"Toàn đội tập hợp."

------

Thanh Mai từ trụ sở đại đội đi ra, bụng bắt đầu thấy đói.

Cô nghĩ trong nhà vẫn còn ít bánh bao nếu có thể, sẽ lấy ít mỡ heo và lạc ra để ăn cùng

Về đến nhà, cô đi vòng quanh sân trước, sân sau, tìm khắp nơi nhưng không thấy bà nội.

Nhà Trần Xảo Hương sát vách vẫn đóng chặt cửa, còn nhà bên kia thì đi thăm họ hàng vẫn chưa về.

Không còn cách nào, Thanh Mai đành nhịn đói, vừa đi vừa tìm bà nội khắp thôn.

Cuối cùng, cô gặp được một thím tốt bụng, thím nói:

"Chắc bà nội cháu sợ cháu bị nhà chồng bắt nạt, nên đã ngồi xe lừa của nhà lão Đặng vào thành phố tìm cha cháu rồi."

Cái tên cầm thú đó? Tìm ông ta thì có ích gì chứ?!

Kiếp trước, khi bà nội ốm nặng, Thanh Mai từng bị đuổi ra khỏi nhà và đã đến tìm cha mình cầu xin giúp đỡ. Nhưng ông ta không những không gặp, mà mẹ kế còn xách cả thùng nước bẩn hắt thẳng lên người cô.

Cả nhà đó chỉ mong bà cháu cô chết quách đi ở thôn Đông Hà, để bọn họ được sống tự do, hưởng thụ cuộc sống nhàn hạ.

Thanh Mai thở ra một làn khí trắng trong tiết trời lạnh giá, ánh mắt kiên định, cứng rắn bước về phía cổng thôn.

Cô đi bộ suốt 40 phút, đến bến xe buýt trên sườn dốc của thôn, chờ thêm nửa giờ nữa mới thấy một chiếc xe cũ kỹ lắc lư chạy tới.

Lên xe, Thanh Mai đưa 2 xu, ngồi thẳng đến cổng khu tập thể của Trường Trung học số 3.

So với vài năm trước, cuộc sống của giáo viên đã tốt hơn đôi chút. Các vụ đập phá trường học, đánh đuổi giáo viên đã giảm bớt, một số trường học cũng dần khôi phục việc giảng dạy.

Nhưng dù vậy, không khí nơi này vẫn còn u ám, tiêu điều, chưa thể khôi phục được vẻ nhộn nhịp trước kia.

Cổng vòm và tường bao quanh khu tập thể Trường Trung học số 3 đã bị phá bỏ, chưa kịp xây lại. Từ xa, Thanh Mai đã nghe thấy giọng lanh lảnh, the thé vọng ra từ phía bên trong khoảng sân của khu nhà:

"Già rồi mà còn lê lết đến đây! Tôi đã bảo là chú Hách không có ở nhà, bà không nghe à? Muốn chờ thì ra xa kia mà đứng, đừng chắn đường tôi!"

Người mà cô ta gọi là “chú Hách” chính là cha ruột của Thanh Mai.