Nhập Vai

Chương 10: Thiên tài hí khúc

Trước khi rời đi, Yến Cô Trần lại một lần nữa dặn dò Giả Văn Vũ, trong lời nói không khỏi mang theo chút tiếc nuối về sự thất truyền và suy tàn của nghệ thuật hí kịch ngày nay.

"Dù sao thì, các cậu vốn không biết “thiên tài hí khúc” đáng sợ đến mức nào."

Chỉ có những người đam mê hí kịch như Yến Cô Trần mới hiểu được bốn chữ “thiên tài hí khúc” mang ý nghĩa gì.

Thiên tài hí khúc vốn sinh ra đã có thể nhập vai.

Họ là những người tồn tại vì hí kịch, sinh ra là để dành cho sân khấu.

***

Khi tiếng chỉ huy dứt khoát của Nguyên Tình Chi vang lên, toàn bộ hiện trường lập tức trở nên náo nhiệt.

Để tránh xảy ra những sự cố không thể kiểm soát, cảnh sát bắt đầu mở rộng phạm vi phong tỏa, bao trùm gần nửa khu phố cổ Thanh Thành. Những người của Ti Thiên Giám đảm nhiệm việc liên lạc với đội ngũ hậu cần, tăng cường nhân lực và thiết bị, nỗ lực tối đa để sớm giải cứu ba danh vai bị ép nhập vai.

Trong khung cảnh bận rộn, Yến Cô Trần nhanh chân tiến đến một góc trống và cầm điện thoại lên.

"Alo… Gì cơ?"

Lúc nhận được cuộc gọi, Trình Nguyệt Hoa đang bận rộn khắp nơi, tìm mọi cách cứu ba danh vai mất tích vì nhập vai.

"Tìm được thiên tài hí khúc duy nhất còn lại trên đời?! Tuyệt vời, thật sự quá tuyệt vời!"

Ông ấy không dám tin, lặp lại hai lần qua ống nghe. Sau khi nhận được lời khẳng định chắc chắn từ Yến Cô Trần, đôi mày đã cau suốt 3 ngày liền của ông ấy cuối cùng cũng giãn ra: "Yên tâm, nếu cô Nguyên đã dặn dò, việc này cứ để lão này lo cho. Tôi sẽ lập tức dẫn người đến bảo tàng Thanh Thành lấy bản gốc tàn quyển của Dạ Hành Ký."

Người thân bạn bè đứng gần đó tò mò hỏi: "Sao rồi, có tìm được cách không?"

"Tìm được rồi." Trình Nguyệt Hoa đặt điện thoại xuống, gương mặt rạng rỡ:

"Đã tìm thấy con gái của lão Liễu."

Một câu ngắn ngủi làm những người xung quanh lập tức hiện lên vẻ ngạc nhiên.

"Sau chuyện năm đó... chẳng phải nhà họ Liễu đã tuyên bố rút khỏi giới hí kịch, từ đó về sau không bao giờ hát nữa sao?"

"Đúng vậy, ngay cả sân khấu nghìn năm tuổi trong Lê Viên cũng bị họ dùng bạt phủ kín, dù chi phí tu sửa đều do nhà nước gánh vác."

"Chuyện đó cũng chẳng còn cách nào khác. Người nhà họ Liễu gần như đều mang bệnh nặng sau sự kiện ấy, suýt nữa tuyệt tự tuyệt tôn."

"Tôi lại nghe nói, mấy năm trước khi người cuối cùng của nhà họ Liễu qua đời, Lê Viên suýt nữa rơi vào cảnh không người kế nghiệp. Mà lạ thật, bao năm nay chẳng ai nghe tin tức gì về cô con gái nhà họ Liễu, không ngờ cô ấy cũng là một thiên tài hí khúc?"

"Đúng vậy. Trong số những người nhà họ Liễu còn sống, giờ chỉ còn lại cô ấy mà thôi. Mặc dù cô ấy… Haiz, thôi bỏ đi, bây giờ tình thế cấp bách, chẳng còn thời gian để lo những chuyện đó nữa."

Trình Nguyệt Hoa cầm lấy chiếc áo khoác treo trên giá:

"Năm đó, khi cô con gái nhà họ Liễu còn nhỏ, tôi từng gặp cô ấy một lần. Không nghi ngờ gì, cô ấy đích thực là thiên tài hí khúc. Nhưng nhiều năm trôi qua, hiện giờ tình hình thế nào thì tôi cũng không rõ lắm. Chỉ là liều một phen, không ngờ lại thật sự để Ti Thiên Giám tìm được cô ấy."

Ở phía bên kia, sau khi bước vào hậu trường sân khấu, Nguyên Tình Chi cũng đã nhận được kịch bản của vở đầu tiên.

Tên đầy đủ của kịch bản là Dạ Hành Ký: Q.u.y.ể.n 1: Ngu Mộng Kinh - Tà Túy.

Cô lật qua hai trang, rồi đột nhiên hỏi: "Vở này… tôi nhớ là rất nổi tiếng thì phải?"

"Dạ Hành Ký quyển một toàn là những vở kịch danh tiếng. Đáng tiếc, một phần đã thất lạc, số vở còn lại thực sự có thể diễn ra thì chẳng còn được bao nhiêu. Haiz, nếu không phải vì vai Ngu Mộng Kinh quá khó diễn, thì suốt 10 năm qua, số lần mở màn hát vở này cũng không ít đến mức đếm trên đầu ngón tay. Bằng không, tứ đại hí kịch cũng chẳng có cái danh như ngày nay."

Vừa nói, Giả Văn Vũ, người đang vất vả ôm một thùng đạo cụ, bỗng nhiên khựng lại, cảm thấy có gì đó sai sai: "Khoan đã… chẳng lẽ cô chưa từng xem vở này sao?"

"Hồi nhỏ tôi thường xuyên xem. Cha tôi là một fan cuồng của Dạ Hành Ký."

Nguyên Tình Chi thở dài: "Nhưng sau này trong nhà xảy ra biến cố, tôi mắc một trận bệnh nặng và quên hết những chuyện trước đây. Sau khi khỏi bệnh, tôi luôn nghe theo lời họ hàng, không còn tiếp xúc với hí khúc nữa. Đối với những vở kịch này, tôi chỉ nhớ được chút da lông sơ sài mà thôi."

"À... là chuyện của Liễu đại tông sư phải không, xin lỗi."

Giả Văn Vũ nhận ra mình lỡ lời, phản ứng kịp liền chỉ muốn tự vả mình một cái thật mạnh.

Liễu Vấn Thanh là nghệ nhân hí khúc cuối cùng thời cận đại được phong danh hiệu "Đại tông sư." Không chỉ sáng lập trường phái hí khúc "Thanh phái," ông còn đưa nghệ thuật hí khúc ra quốc tế, có ảnh hưởng sâu rộng cả trong và ngoài nước.

Nhưng đáng tiếc, một con người như thế lại vì quá đam mê hí khúc, khi hí đài bốc cháy vẫn tiếp tục đứng trên sân khấu biểu diễn. Cuối cùng, ông không kịp thoát ra và bị lửa nuốt chửng.

Cái chết của ông vừa đầy kịch tính vừa lãng mạn, đồng thời cũng đánh dấu sự suy tàn của hí khúc thời cận đại.

Dù đã 20 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến chuyện này, vô số người yêu hí khúc vẫn tiếc nuối không nguôi. Huống chi bây giờ lại nhắc trước mặt con gái ông, khiến Giả Văn Vũ lúng túng đến mức không biết giấu tay mình vào đâu.