Trong số các thanh niên trí thức đang tạm trú tại nhà cũ của Trần gia, Trương Nghị là người lớn tuổi nhất, năm nay 27 tuổi. Gia cảnh của anh cũng bình thường, những người bạn cùng đợt xuống nông thôn với anh đều đã tìm được cách về lại thành phố, chỉ có Trương Nghị còn lủi thủi ở lại. Thi đậu đại học là con đường duy nhất để anh cứu lấy tương lai của mình, vì vậy từ khi nghe tin kỳ thi được phục hồi, anh đã không nghỉ ngơi một ngày nào. Sau khi thi xong, anh lau mặt qua loa, chẳng kịp thu dọn hành lý mà ngã lên giường ngủ mê mệt.
Hai nữ thanh niên trí thức khác cũng căng thẳng suốt hai ngày nay, giờ vừa thả lỏng là cảm giác mệt mỏi xâm chiếm, tưởng chừng cả người rã rời. Khác với Trương Nghị, họ cẩn thận hơn, vào bếp nấu nước nóng để rửa mặt và ngâm chân sau đó mới lên giường nghỉ ngơi.
Lưu Cường sau khi ăn trưa thì theo cha lên núi đốn củi, nên lúc Trương Nghị và hai cô gái kia về thì hắn đã ra ngoài. Khi họ nghe tin Trần Vãn bị cảm, trời cũng đã sẩm tối.
Dù trời tối, họ vẫn không ngại đi thăm bệnh, chỉ cần vài bước là tới nhà Trần gia. Sau khi ăn tối qua loa, Trương Nghị mang theo đèn pin, cùng hai nữ thanh niên trí thức đến nhà Trần Vãn.
Chiều khoảng 5 giờ, Trần Tiền Tiến đánh thức Trần Vãn, bảo cậu dậy đi lại cho thư giãn, chứ cứ ngủ mãi thì tối khó mà ngủ tiếp được.
“Gió bên ngoài lớn lắm, em đừng ra ngoài. Trên bếp có món bí đỏ xào mà chị dâu em nấu đấy, Dũng Dương với các chị của nó cũng sắp về rồi.”
Ngoài Trần Dũng Phi, Chu Mai còn có hai con gái và một con trai. Chị hai Trần Tinh và chị ba Trần Lộ đang học cấp hai ở trấn trên, còn cậu út Trần Dũng Dương năm nay 9 tuổi, đang học lớp 3 tiểu học. Trong thôn hiếm có gia đình nào như nhà họ Trần, cho tất cả con cái đi học, bởi vì đa số không đủ điều kiện kinh tế. Những đứa trẻ từ mười mấy tuổi trở lên ở nhà đều có thể làm việc, chia sẻ gánh nặng cho cha mẹ.
Giọng Trần Vãn vẫn khàn, chỉ khẽ ậm ừ rồi cúi đầu, cảm thấy buồn bực, mũi nghẹt.
Tiểu học tan học sớm hơn cấp hai, Trần Dũng Dương ngoan ngoãn chờ trước cửa lớp của chị ba. Khi Trần Lộ đeo cặp ra khỏi lớp, thấy cậu bé lại ngồi bệt dưới đất liền quở trách: “Dũng Dương, em lại ngồi đất rồi đấy!”
Cô bé kéo cậu nhóc đứng dậy, phủi bụi trên mông cho em, rồi hai chị em nắm tay nhau tìm Trần Tinh. Trên đường đi, Dũng Dương hào hứng nói to: “Chắc chắn cậu út đang đợi chúng ta ở nhà!”
Trong lòng Trần Dũng Dương nhỏ bé, người luôn không mắng mỏ, lại còn hay cho cậu bé đồ ăn như Trần Vãn luôn đứng đầu danh sách những người mà nhóc yêu mến nhất. Bình thường tan học chưa bao giờ cậu bé về nhà trước một tiếng, nhưng hôm nay chỉ hơn bốn mươi phút là đã chạy một mạch về tới nơi, để hai chị gái đuổi theo đằng sau đến thở không ra hơi.
“Cậu út!” Trần Dũng Dương lao thẳng vào cổng sân, đôi chân tíu tít chạy về phía phòng của Trần Vãn. Đến trước cửa, cậu nhóc phanh gấp, ngước lên hỏi: “Cậu út, con vào được không?”
Nghe tiếng Trần Dũng Dương, Trần Vãn không kiềm được mà nở một nụ cười, mở cửa cho cậu bé: “Lại chạy một mạch về nữa hả?”
“Hehe” Trần Dũng Dương đặt chiếc cặp sách lên móc treo, nhờ Trần Vãn lấy giúp, rồi tự hào khoe “Hai chị đuổi không kịp con đâu.”
Trần Vãn xoa ngực cậu nhóc, thấy cả người đầy mồ hôi, liền lấy khăn lau khô cho cậu nhóc: “Lần sau không được chạy nhanh như vậy nữa.”
“Vâng” Trần Dũng Dương ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế nhỏ của Trần Vãn, tự giác lấy sách và vở bài tập ra, bắt đầu làm bài vẽ.
Trần Vãn đi vào bếp rửa tay, rồi bóc cho mỗi đứa một quả quýt, tiện thể gọi hai cô cháu gái vào nhà cùng làm bài. Bàn học tuy thấp nhưng đủ rộng để cả ba chị em cùng ngồi làm bài tập chung với nhau.
Chu Mai làm xong vườn rau ngoài sân thì Trần Vãn cũng kiểm tra xong bài tập của Trần Dũng Dương.
“Cậu út, con làm xong rồi” Trần Lộ kéo ghế đứng lên, “Con đi giúp mẹ nấu cơm đây.”
“Vậy lát nữa để con rửa chén” Trần Tinh vừa nói, vừa cắm cúi tiếp tục làm bài, vì bài tập của lớp chín vừa nhiều vừa khó nên còn lâu mới xong.
Cả hai chị em phân công rõ ràng, còn Trần Dũng Dương thì hớn hở nói to: “Con với cậu út sẽ lo chuyện ăn cơm!”
Câu nói làm Trần Vãn ngượng ngùng, linh hồn đã hơn hai mươi tuổi mà lại bị cuốn theo trò đùa cùng đứa nhỏ.
“Ăn cơm xong Tinh Tinh tiếp tục làm bài nha.” Trần Vãn vừa vuốt tóc Trần Dũng Dương vừa nói, “Còn Dũng Dương thì sẽ rửa chén.”
Trần Dũng Dương nhăn nhó, hét lên: “Sao con lại phải rửa chén?”
“Bởi vì chị hai con có nhiều bài tập, chị ba thì giúp nhóm lửa, còn con chẳng làm gì cả.” Trần Vãn nhớ lại trong nhà từng có một cậu nhóc nghịch ngợm đến mức ai cũng gọi là “tiểu ma vương.” Trước kia cậu chưa biết đó là ai, nhưng nhìn phản ứng của Trần Dũng Dương bây giờ, cậu thấy nhóc này có vẻ đúng là người đó.
Tốt nhất không nên có tâm lý trốn tránh, cậu quyết định ra tay dứt khoát ngay từ đầu, cắt đứt mọi khả năng từ gốc rễ. Thằng bé biết vào nhà phải xin phép trước, chứng tỏ bên trong vẫn tốt.
“Cậu út cũng có làm gì đâu?” Trần Dũng Dương vẫn không phục, cái miệng chu ra đến mức có thể treo cả quả cân lên.
“Thế nên cậu sẽ cùng con rửa chén” Trần Vãn không muốn né tránh trách nhiệm “Còn gì thắc mắc nữa không?”
“Dạ, không có.” Trần Dũng Dương đuối lý, tiu nghỉu nhét lại vở bài tập vào cặp sách.
Chứng kiến từ đầu đến cuối màn đối đáp giữa cậu cháu, Trần Tinh nhịn không được cười thầm, nói: “Cậu út, lát nữa để con rửa cho, không làm chậm trễ bài tập của con được.”
Mắt Trần Dũng Dương lập tức sáng lên, tràn đầy hy vọng nhìn về phía Trần Vãn. Nhưng đáp lại là cái lắc đầu của Trần Vãn, cậu dứt khoát từ chối đề nghị của Trần Tinh.
Ôi thôi, đêm nay cậu bé không thể thoát được rồi.
Thấy hy vọng tan tành, Trần Dũng Dương ỉu xìu như cà tím bị sương.
Tác giả có lời muốn nói:
Trần Vãn: Việc dạy dỗ phải bắt đầu từ khi trẻ còn thơ dại.