Chu Mai may đường kim mũi chỉ rất cẩn thận, nhưng cũng chỉ là khâu cho lành lại mà thôi, vẫn chưa thể tái hiện được cảm giác của chiếc áo sơ mi cổ điển này. Nếu là Trần Vãn, dùng cùng loại đường kim, cậu không chỉ khâu lành mà còn có thể làm cho miếng vá trở nên đẹp hơn hẳn.
Ngay khi nhìn thấy chiếc áo sơ mi, trong đầu Trần Vãn đã hiện lên ba phương án thiết kế. Tuy nhiên cậu lại chưa thể bắt tay vào làm ngay, vì nguyên thân từ nhỏ đến lớn chưa từng cầm kim chỉ bao giờ.
Hứa Không Sơn ăn mặc chỉnh tề rồi định rời đi, Chu Mai giữ lại mời ăn cơm nhưng hắn cũng không ở lại.
“Đại Sơn đâu rồi?” Trần Tiền Tiến vừa đi ra từ nhà vệ sinh, thấy Trần Vãn và Chu Mai đứng trong sân liền hỏi với vẻ ngạc nhiên.
“Cậu ấy về rồi.” Chu Mai cầm chiếc chổi lớn làm từ thân tre dựa vào tường, chuẩn bị quét dọn mấy cành cây khô trong sân gom lại một chỗ.
“Sao không giữ cậu ấy ở lại ăn cơm?” Trần Tiền Tiến nhận lấy công việc từ vợ, vì đã gần trưa, Chu Mai cần vào bếp nấu ăn.
“Chẳng lẽ em tiếc gì một bát cơm sao?” Chu Mai phủi những chiếc lá thông dính trên áo, đáp: “Cậu ấy cứ đòi về, em giữ cũng chẳng được.”
Nói xong về Hứa Không Sơn, cả hai vợ chồng quay sang nhìn Trần Vãn, người đầu tiên trong gia đình tham gia thi đại học.
Trần Vãn biết họ muốn hỏi điều gì, sắc mặt có chút áy náy: "Anh chi, xin lỗi, em thi rớt rồi.”
“Gì? Sao lại thi rớt được?” Chu Mai phản ứng theo thói quen, vì trước đó cậu đã nói tự tin lắm mà.
Trần Tiền Tiến ho khẽ, lấy khuỷu tay huých nhẹ vợ: “Em vào bếp làm cơm đi, Lục Nhi chắc cũng đói rồi.”
Chu Mai nghẹn lời, sau đó miễn cưỡng mỉm cười: “Đúng rồi, đúng rồi, để chị vào nấu cơm. Lục Nhi có đói không? Nếu đói thì trong phòng còn bánh quy đấy, vào ăn vài cái đỡ đói nhé.”
“Em không đói đâu, chị ạ.” Trần Vãn lại một lần nữa xin lỗi: “Em xin lỗi, đã làm anh chị thất vọng.”
“Hừm, có gì mà phải xin lỗi, lần này thi rớt thì còn có lần sau mà, nhà mình cũng đâu phải không nuôi nổi em, đừng nghĩ nhiều quá.”
So với việc thi rớt, Trần Tiền Tiến quan tâm đến cảm xúc của Trần Vãn hơn. Trong nhà, không ai quan trọng kết quả thi đại học bằng cậu, lúc này hẳn cậu đang rất buồn.
Trần Tiền Tiến không quét sân nữa mà quay qua an ủi cậu, Chu Mai muốn hỏi thêm vài câu nhưng nghĩ có thể Trần Vãn còn chưa ăn sáng, nên do dự một lúc rồi đi vào bếp.
Anh em cách nhau 22 tuổi cùng bước vào nhà, Trần Tiền Tiến không ngừng an ủi Trần Vãn, khuyên cậu đừng quá buồn.
Trần Vãn không buồn, nhưng cảm giác hổ thẹn lại xuất phát từ việc bản thân đang thụ hưởng sự ưu ái trong gia đình của nguyên thân.
Có câu nói “con út như cháu đích tôn, là mệnh căn của ông bà” Trần Vãn là con út của nhà họ Trần nên từ khi sinh ra đã được vợ chồng già yêu chiều hết mực. Các anh chị cũng đều thương cậu em út nhỏ bé, ngoan ngoãn và đáng thương này.
Thân thể yếu ớt của Trần Vãn là do mẹ sinh cậu khi bà đã 42 tuổi, độ tuổi nguy hiểm cho sản phụ. Khi ra đời Trần Vãn nặng chưa đến 4 cân, khóc cũng không thành tiếng. Cả các bà đỡ đều nói có lẽ cậu bé này khó mà nuôi sống được.
Khi ấy Trần Dũng Phi— con cả của Trần Tiền Tiến, chỉ mới hơn một tuổi. Vì sữa không đủ, Chu Mai đã cắn răng cai sữa sớm cho con lớn để dành cho Trần Vãn. Nhờ có mẹ và chị dâu thay nhau chăm sóc, cậu bé vượt qua những tháng đầu đầy nguy hiểm, tuy vẫn gầy yếu hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng ít nhất là đã sống sót.
Nuôi trẻ con vốn là việc không hề dễ dàng nhưng Trần Vãn từ trong bụng mẹ đã tỏ ra hiểu chuyện, không bao giờ quấy khóc. Khi mới sinh ra, cậu bé cũng không khóc lóc ầm ĩ, gặp ai cũng cười, lúc uống sữa còn hay dùng đôi mắt đen tròn như trái nho nhìn ngắm người đối diện. Điều đó khiến trái tim Chu Mai như tan chảy, chăm sóc cậu bé này chẳng chút vất vả hay phiền lòng.
Những ký ức thời thơ ấu dĩ nhiên Trần Vãn không thể nhớ, nhưng cậu nghe kể lại từ Chu Mai và những người thân khác. Những gì cậu còn nhớ được là từ khi lên bốn. Do sức khỏe yếu, cậu không phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào trong nhà, điều mà có thể khiến đứa trẻ khác thành ra lười biếng, nhưng Trần Vãn không như vậy, cậu luôn tự giác làm những việc vặt mà sức mình cho phép.
Đến khi Trần Vãn lên bảy, ông Trần quyết định đưa cả cậu và Trần Dũng Phi đến trường. Trần Dũng Phi vốn không thích học nhưng vì muốn chăm sóc cậu út của mình, hắn đã cùng cậu học đến hết cấp hai.
Trần Dũng Phi thường bảo rằng, nếu không có Trần Vãn, thì trình độ của hắn cũng chỉ dừng lại ở tiểu học mà thôi.
Nhờ có bằng cấp hai, Trần Dũng Phi được vào làm việc trong một xưởng máy móc, hai năm sau đã trở thành tổ trưởng với mức lương tháng lên đến 42 đồng.
Khi Trần Vãn mười tuổi, ông Trần qua đời. Vào những năm 60, nuôi nấng một đại gia đình không hề dễ dàng, hai vợ chồng già từng phải ăn cả đất sét và gặm vỏ cây để sống, sức khỏe đã hao mòn từ lâu. Sáu năm sau, khi gia đình vừa xây được căn nhà mới, bà Trần cũng qua đời khi chưa kịp đón sinh nhật 60.