Nam Thần Cố Chấp Giả Vờ Ôn Nhu Để Tán Tỉnh Tôi

Chương 5: Tiểu nguyệt lượng

Hoắc Nguyệt Tầm chẳng vì lý do gì mà tặng cho cậu hơn một vạn, còn trực tiếp mở một tấm séc trống, để cậu muốn điền bao nhiêu cũng được.

Khoản tiền mấy vạn này đâu phải là nhỏ. Với số tiền đó, ít nhất trong thời gian tới, Kỷ Chước cũng không cần nghĩ đến việc phải tạm ngừng học.

Chuyện này nào có khác gì bỗng dưng từ trên trời rơi xuống một chiếc bánh bao nhân thịt?

Cổ họng Kỷ Chước chuyển động lên xuống, đánh một câu cảm ơn gửi đi. Ngón tay cậu bất giác chuyển qua giao diện chuyển khoản, đôi mắt đào hoa thoáng ngấn sương mờ.

Dù lời lẽ có nói thế nào, cảm giác cũng khác đi ít nhiều.

Trước đây, Kỷ Chước - thời trước khi gia đình xảy ra biến cố - nhất định sẽ không nhận khoản tiền từ thiện này.

Từ bé đến lớn, cậu luôn là tấm gương trong mắt người lớn, thầy cô, bạn bè. Thành tích tốt, tính cách cũng tốt, lúc cười ánh mắt đào hoa cong cong, răng nanh vừa đẹp vừa phóng khoáng. Bạn bè gặp chuyện bất bình, cậu luôn đứng ra bênh vực, như một tiểu hiệp khách trong các tiểu thuyết võ hiệp xưa.

Sau khi vào cấp ba, gánh nặng quá lớn đè lên vai khiến Kỷ Chước vô thức trở nên trầm lặng. Cậu quên đi nhiều chuyện trước đây, nhưng vẫn còn mơ hồ một vài ký ức về quãng thời gian ấy.

Chừng là năm đầu cấp hai, lớp bên cạnh có một cậu bạn tóc lưa thưa, trông giống hệt một cô bé, tên cũng nghe như con gái, hình như là "Nguyệt" gì đó.

Cậu bé tính tình không tốt, trầm lặng, lại bị cô lập trong lớp, vẻ ngoài tội nghiệp, như một đứa trẻ đáng thương. Cậu vô tình gặp ở cổng chợ, cứ lẽo đẽo theo cậu như cái đuôi nhỏ không bỏ được. Ngày nào cũng mắt ngấn lệ, cứ quấn lấy cậu gọi "Chước ca” "Ca ca" xem cậu như anh hùng mạnh nhất thế giới.

... Nhưng, anh hùng đâu làm những việc như thế này.

Bây giờ cậu đã sa ngã bị tiền tài làm khó. Đến mức phải dựa vào “lừa gạt” người thiện lương và vô tội để kiếm tiền.

Kỷ Chước trầm ngâm một lúc.

Cuối cùng cậu cũng ấn nút chấp nhận, ra vẻ bình tĩnh như thể Hoắc Nguyệt Tầm chẳng biết gì, rằng từ giờ sẽ tiếp tục liên hệ.

Gửi xong hết mọi thứ, điện thoại “cạch” một tiếng rơi xuống mặt bàn. Kỷ Chước mới nhận ra vết thương ở giữa lòng bàn tay bắt đầu nhức rát, đến mức cậu hầu như không thể cầm nổi bút vẽ.

“...Anh?”

Tiếng động khá lớn khiến Kỷ Noãn ngạc nhiên ngẩng đầu, ngơ ngác nhìn cậu: “Anh sao vậy? Có chuyện gì sao?”

Kỷ Chước im lặng hồi lâu mới đưa bát canh xương chưa động mấy gì đổ lại vào hộp, bình thản nói: “Anh vừa nhớ ra có chút việc cần làm, anh sẽ đưa em về bệnh viện với mẹ, em cứ chăm chỉ học hành, biết không?”

Biểu cảm Kỷ Chước không khác gì trước đó, nhưng Kỷ Noãn lại mơ hồ cảm thấy tâm trạng của anh mình lúc này dường như không ổn lắm.

Cô ngập ngừng một chút rồi chỉ dám ngoan ngoãn gật đầu, thu dọn cặp sách.

Hai anh em đều có tâm sự riêng, không ai nói gì, cùng rơi vào sự im lặng.

Tới giờ tan tầm, Kỷ Chước ra phía trước chào chủ tiệm, mượn tạm chiếc xe đạp điện để kịp chở Kỷ Noãn đi.

Nhưng khi cả hai sắp xuất phát, cô bé ở bếp lại chạy tới, đưa chiếc ô mà Hoắc Nguyệt Tầm để trên xe cậu lúc sáng.

“Kỷ Chước! Anh để quên ô này.” cô bé ngượng ngùng cười, đưa ô cho Kỷ Noãn, nhỏ nhẹ nói: “Em gái anh dễ thương quá, hai người đi cẩn thận nhé.”

Kỷ Noãn nhanh chóng nhận lấy: “Cảm ơn chị ạ!”

Kỷ Chước cũng đáp một tiếng, rồi xe khởi động.

Kỷ Chước nhìn phía trước, cảm nhận cơn đau ở vết thương, cố ép mình quên đi niềm vui thoáng chốc của việc tạm bỏ qua nỗi lo nghỉ học. Bất chợt, giọng của Kỷ Noãn vang lên đầy thắc mắc: “Ơ?”

Lo cô bé bỏ quên thứ gì, Kỷ Chước hỏi: “Sao vậy?”

“Không có gì… Anh, cái ô này anh lấy từ dưới giường ra ah?”

Kỷ Noãn nhìn dòng chữ khắc trên cán ô, hơi ngập ngừng hỏi.

Kỷ Chước mơ hồ: “Không phải, bạn anh cho mượn giữa trưa.”

“Vậy à? Chắc em nhầm.” cô suy tư một chút, nói khẽ: “Nhưng em nhớ hồi cấp hai, có cậu bạn nhỏ hay đi theo anh, trước ngày chuyển trường đã tặng anh một chiếc ô giống thế này.”

“Em còn nhớ… anh cứ gọi cậu ấy là ‘tiểu nguyệt lượng’ đấy.”

---

Đèn trong trang viên vừa lên, bóng đêm dần buông xuống.

Trong khu trang viên Tùy Ngọc, những ngọn đèn dẫn lối ở hai bên lối đi chiếu sáng xa xa, tạo nên khung cảnh mờ ảo. Cánh cổng lớn bằng đồng thau, chạm trổ hoa văn tinh xảo, từ từ mở ra, chào đón khách vào trong với sự trang trọng.

Hoắc Nguyệt Tầm đi theo quản gia vào biệt thự.

Tầng một của phòng khách rộng lớn được bao phủ trong ánh đèn ấm áp, phản chiếu qua tường kính của lò sưởi, làm sáng bừng cả không gian, phảng phất hương thơm từ các món ăn.

“Tiểu Nguyệt Lượng?”

Một giọng nói nhẹ nhàng, có chút vui tươi vang lên.

Hoắc Nguyệt Tầm quay về phía phòng bếp nhỏ, nơi một người phụ nữ thanh tao đang bưng chén canh đi ra. Dung mạo bà đẹp đến ngỡ ngàng, chỉ một ánh nhìn cũng đủ làm người khác say mê; dù đã hơn bốn mươi tuổi nhưng vẫn trẻ trung như thiếu nữ, không có dấu vết của năm tháng.

“Vâng, mẹ.”

Hoắc Nguyệt Tầm tiến lên nhận lấy chén canh từ tay mẹ, nhẹ nhàng mỉm cười: “Hôm nay mẹ thế nào?”

Nghe vậy, nụ cười trên mặt Trần Tĩnh Oánh thoáng nhạt đi.

Sau vài giây, bà lấy một tờ khăn giấy, khẽ lau ngón tay, cổ tay áo rũ xuống theo động tác. Giọng bà trầm xuống: “Ông ấy mới rời đi không lâu, mẹ vẫn ổn.”

“……”

Vậy có nghĩa là, không ổn lắm.

Hoắc Nguyệt Tầm đã sớm biết rằng quan hệ giữa cha mẹ mình không giống những đôi vợ chồng bình thường khác.

Cha của hắn, Hoắc Nghiêm Thanh, là người xuất sắc nhất trong thế hệ Hoắc gia, một người tài giỏi và liêm chính. Ông đi theo con đường chính trị mà gia tộc định sẵn, sự nghiệp thuận lợi không gặp trở ngại nào. Cho đến một ngày, ông tình cờ xem một buổi diễn của đoàn múa ba lê và trúng tiếng sét ái tình với Trần Tĩnh Oánh trên sân khấu.

Thế nhưng, Trần Tĩnh Oánh không hề thích kiểu đàn ông như Hoắc Nghiêm Thanh. Trước sự theo đuổi mạnh mẽ và hào phóng của ông, bà chỉ ôn hòa, mỉm cười từ chối một cách dịu dàng.

Người có tình nhưng kẻ vô ý, câu chuyện tưởng chừng đã nên dừng lại từ đây.