Ánh mắt bọn họ không mấy thân thiện mà giống như những chiếc kim châm dày đặc bắn tới.
Trong số những người đang ngồi trong này còn có cả kế mẫu Ngô thị của Cửu Ninh và mấy đường tỷ hay bắt nạt nàng ở học đường.
Cửu Ninh hơi mỉm cười, đảo mắt quét một lượt trong đài cao trước vô số ánh mắt dò xét.
Thái độ thản nhiên, ngó lơ ánh mắt mọi người khiến ai nấy đều khó chịu, mấy phụ nhân nhếch môi, hậm hực nhìn sang chỗ khác.
Không hổ là nữ nhi của Thôi thị, nữ nhi giống mẫu thân, nhỏ tuổi mà đã tự cao tự đại, coi thường người khác, không biết lớn lên còn thế nào nữa!
Loại người này đáng bị cô lập, ai bảo lúc mẫu thân nàng còn sống kiêu ngạo thế làm gì?
Cửu Ninh rất bình tĩnh, nhìn một vòng rồi tập trung vào một ông lão râu tóc bạc trắng được mọi người vây quay đang ngồi ở vị trí trung tâm.
Rõ ràng mọi người rất kính trọng ông lão này, đây chắc hẳn là Chu sứ quân nổi tiếng hiền hậu, được dân chúng khắp nơi ca ngợi.
Chu thứ sử trông già hơn Chu đô đốc, đầu đội khăn cao, gương mặt hiền từ, nụ cười thân thiện, đang ngồi khoanh chân trên giường. Ông ta vẫy tay gọi Cửu Ninh đến gần.
Cửu Ninh mỉm cười duyên dáng, lúm đồng tiền thoáng hiện lên, nàng bước vào trong trước ánh mắt chăm chú của mọi người rồi lễ phép cúi chào.
Chu thứ sử cầm một quả lựu hiếm thấy ở Giang Châu đưa cho nàng: "Hôm nay mấy huynh trưởng của cháu đều tham gia thi đấu, cháu cũng nên ra ngoài chơi đi, đừng ở trong viện mãi."
Cửu Ninh nhận lấy quả lựu, đôi mắt sáng rực lên: "Thật ạ? Huynh trưởng và Tam ca đều thi sao?"
Trông nàng chẳng khác gì một bé con hào hứng muốn nhìn thấy dáng vẻ anh dũng của các huynh trưởng.
Đây vẫn chỉ là một đứa trẻ thôi, chẳng hiểu gì cả, người lớn bảo gì thì nàng đều ngoan ngoãn làm theo.
"Hôm nay Tam ca cháu phải đi học, các đường huynh, đường chất của cháu đều thi."
Chu thứ sử liếc mắt ra hiệu cho thị tỳ dẫn Cửu Ninh đến bên lan can xem cuộc tranh tài bên dưới.
Thị tỳ khom lưng vâng dạ rồi dắt tay Cửu Ninh đi ra căn nhà nhỏ bằng gỗ.
Trước lan can có đặt sẵn ghế thêu, có khoảng mười vị tiểu thư búi tóc đôi đang cầm quạt tròn ngồi sau bức bình phong bằng trúc xanh, thân thiết tụ tập lại nhìn các công tử đang di chuyển khắp sân qua lớp vải mỏng của bức bình phong. Thỉnh thoảng, họ lại ghé vào tai nhau thì thầm gì đó rồi lại cười khúc khích nhìn một vị công tử tuấn tú nào đó.
Có mấy người nhìn không rời mắt, đến nỗi cái quạt tròn trong tay rơi xuống lúc nào cũng không hay biết.
Cửu Ninh bước tới.
Những tiểu nương tử đó đều liếc nhìn nàng nhưng chỉ khẽ hừ một tiếng, liếc nhìn nhau ra vẻ ngầm hiểu rồi quay đi không thèm nhìn nàng.
Cửu Ninh cũng bình thản như thường, không nhìn ai, cũng chẳng thèm quan tâm những người không liên quan.
Tiểu hoàng đế tin lời nịnh bợ, hoạn quan lộng quyền chư hầu tranh đoạt, thế lực khắp nơi ngo ngoe rục rịch, tình thế thiên hạ đại loạn ở ngay trước mắt. Đến khi khói lửa chiến tranh lan đến Giang Châu, nam chính Chu Gia Hành thừa cơ quật khởi, nữ chính Cao Giáng Tiên gặp dữ hóa lành. Còn kết cục của nàng sau khi mất đi sự che chở của Chu đô đốc lại càng thê thảm.
Trong thời đại loạn lạc, đệ nhất mỹ nhân Trung Nguyên phải làm thế nào để bảo vệ bản thân giữa đám lang sói đây?
Cửu Ninh chẳng có tâm tư nào mà đôi co với đám tiểu thư chỉ biết đến những chuyện phong hoa tuyết nguyệt này.
Trận đấu dưới sân đang diễn ra rất sôi nổi.
Thường thì các công tử trẻ tuổi được chia thành hai đội.
Tất cả mọi người đều mặc áo tay nhỏ, buộc chặt đai eo, làm nổi bật vai rộng chân dài, sắc mặt rạng rỡ tràn đầy khí chất thanh xuân của những thiếu niên ngây ngô.
Một đội buộc khăn đen trên đầu, gậy đánh bóng cũng được quấn vải đen; đội còn lại buộc khăn đỏ, gậy quấn dây đỏ.
Hai đầu sân bóng được dựng một tấm bảng dài, có một cái lưới tròn thủng lỗ bên dưới. Hai đội cưỡi ngựa đuổi theo một quả bóng nhỏ được sơn đỏ chỉ to bằng nắm tay, đội nào dùng gậy đánh bóng đưa được hai quả vào lưới của đối phương sẽ được viên quan ngoài sân gõ công đọc điểm, mỗi điểm được tính là một điểm dẫn đầu.