Con Đường Khoa Cử Của Bần Gia Tử

Chương 13: Tật Cũ Lại Tái Phát

Nghe thấy giọng của Lâm Đại Trụ, Lâm Viễn Thu có chút ngượng ngùng, trong lòng nghĩ: chắc hẳn cha mình lúc này đang xấu hổ lắm đây!

Nào ngờ, khi Lâm Viễn Thu lén liếc mắt nhìn về phía Lâm Tam Trụ thì phát hiện nhân gia vẫn ung dung ngồi trên giường đất, như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Không những vậy, thấy con trai phân tâm, Lâm Tam Trụ còn liên tục thúc giục không ngừng:

“Cẩu Tử, mau viết đi! Đợi viết kín tờ giấy này rồi, cha sẽ đem cho ông bà nội con xem!” Rõ ràng là đang háo hức muốn đi khoe khoang đây mà.

Quả nhiên, ngay khi Lâm Viễn Thu vừa đặt bút xuống, mực còn chưa kịp khô, Lâm Tam Trụ đã nhanh chóng nhảy xuống giường, cầm lấy tờ giấy chạy ra khỏi phòng.

Nếu không phải sợ chạy nhanh quá làm gió thổi nhăn tờ giấy, chắc chắn hắn sẽ lao đi như một cơn gió.

Ở gian nhà chính, ông Lâm và con trai cả đang ngồi nghiên cứu tại sao đá mài dao nhà mình lại chỉ còn một nửa, thì bỗng tiếng cười “ha ha ha” vang lên khiến mọi người giật thót tim.

Bà Ngô bị dọa nhảy dựng lên, đến khi nghe rõ là tiếng của thằng con thứ ba, bà tức đến mức túm ngay cái chổi lông gà trên giường, chuẩn bị đánh đứa con ngỗ nghịch này một trận vì suýt dọa mẹ già rớt tim.

Lâm Tam Trụ hoàn toàn không hay biết tiếng cười của mình đã dọa mọi người ra sao. Lúc này, tất cả tâm trí của hắn đều dồn vào tờ giấy trong tay: “Cha, mẹ, hai người mau xem chữ viết của Cẩu Tử nhà con này, trông có thần thái chưa!”

Bà Ngô nghe vậy, tức giận mắng: “Thần thái cái gì mà thần thái! Ta thấy là ngươi bị thần kinh thì có!”

Bà giơ chổi định đánh lên lưng Lâm Tam Trụ, nhưng thấy trên tay hắn còn cầm tờ giấy, bà liền thu tay lại. Tờ giấy quý giá lắm, nhỡ đánh nát thì tiếc chết.

“Cha, mau nhìn xem!” Lâm Tam Trụ cẩn thận trải tờ giấy lên giường đất, nụ cười trên môi không giấu được vẻ tự hào.

Ban đầu, ông Lâm không mấy để tâm. Tuy gần đây ông đã có cái nhìn khác về Cẩu Tử, nhưng với một đứa trẻ chỉ mới năm tuổi, dù có thể viết chữ thì cũng có khác gì vẽ bùa chú đâu.

Làm sao mà chữ viết trông có thần thái gì được. Ông chỉ nghĩ rằng lão tam nhà mình đang mù quáng khen con trai quá thôi.

Ngay cả Lâm Đại Trụ cũng có suy nghĩ giống hệt cha mình. Chuyện tam đệ cưng chiều Cẩu Tử, cả nhà ai mà không biết chứ? Làm gì có đứa trẻ nào mới học vài hôm đã viết được chữ đẹp? Nếu viết đẹp như vậy thì chẳng phải là nên đưa đi thi tú tài rồi sao!

Thế nhưng, suy nghĩ này nhanh chóng tan biến khi họ nhìn thấy những chữ viết ngay ngắn trên tờ giấy đang được trải trên giường.

“Lão Tam, chữ này thật sự là Cẩu Tử viết sao?” Ông Lâm và Lâm Đại Trụ đồng thanh hỏi. Nhìn những nét chữ tinh tế, ngay ngắn hiện ra trước mắt, cả hai đều không giấu nổi sự kinh ngạc. Sao thằng nhóc này lại có thể viết giỏi như vậy chứ?

Bà Ngô cũng quên luôn việc đánh con thứ ba, cái chổi trên tay đã bị bà quăng lại trên giường. Hai mắt bà dán chặt vào tờ giấy, nhìn đi nhìn lại từng chữ không biết chán.

Lâm Tam Trụ trợn trắng mắt nói: “Không phải Cẩu Tử viết thì chẳng lẽ là người cha lười biếng nhất nhà của nó viết sao?”

Chà, còn rất biết "tự giác" nói mình lười, xem ra cũng tự nhận thức được vấn đề của bản thân.

Ông Lâm cầm tờ giấy lên, nhìn kỹ thêm lần nữa. Các nét chữ ngay ngắn, chỉnh chu, đúng như lời Tam Trụ nói: có thần thái thật.

Dù ông Lâm và Lâm Đại Trụ không biết chữ, nhưng sống mấy chục năm trên đời, họ vẫn đủ khả năng phân biệt chữ viết đẹp hay không.

Mặc dù những nét chữ này chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng so với độ tuổi của Cẩu Tử, việc viết được ngay ngắn và tinh tế như vậy đã là điều rất đáng quý.

Lâm Tam Trụ lúc này cười đến híp cả mắt, đắc ý nói: “Còn không phải là viết chữ đẹp thôi sao! Cũng không nhìn xem nó là con của ai chứ!"

Không chịu nổi vẻ mặt khoe khoang của em trai, Lâm Đại Trụ chuyển chủ đề: "Tam đệ, cục đá mài dao nhà mình sao lại thành ra thế kia?"

Lâm Tam Trụ nhìn cục đá bị mình đập bể chỉ còn lại một nửa, mặt không đỏ, tim không loạn, tỉnh bơ đáp: “Ta làm sao mà biết được, chắc là do mèo hoang đá phải thôi.”

Nói xong, hắn nhanh tay cầm tờ giấy có chữ viết của con trai lên: “Cha, mẹ, con về phòng đây, hôm nay Cẩu Tử còn phải viết thêm mấy tờ nữa, con phải đi giúp nó mài mực!” Vừa thốt ra từ "mài", Lâm Tam Trụ lập tức lấy tay bịt miệng lại.

Ây da, suýt chút nữa thì lộ tẩy rồi.

Còn Lâm Đại Trụ nghe em trai nhắc đến mèo hoang cũng cảm thấy có khả năng, liền quay người ra ngoài tìm nửa cục đá mài còn lại. Dù bị vỡ, nhưng vẫn có thể dùng tạm để mài dao được.

Ông Lâm rít một hơi thuốc dài, trầm ngâm hỏi: “Nhà mình giờ còn bao nhiêu bạc?” Bà Ngô hiểu ngay suy nghĩ của ông, không nói gì, mở tủ giường lấy ra một cái túi tiền bằng vải xám, đáp: "Tính cả mười hai xâu tiền bán Hồng năm nay, tổng cộng là bốn lượng bảy tiền."

Bốn lượng bảy tiền, chưa được năm lượng.

Đừng nói đến chi phí thi cử sau này, ngay cả tiền mua giấy bút hiện tại cũng không lo nổi. Hơn nữa, trong nhà không chỉ có mỗi Cẩu Tử là cháu, nơi cần tiêu tiền còn nhiều lắm đâu.

Dù mong đợi năm sau có thể bán bánh quả Hồng kiếm lời, nhưng bạc chưa vào tay thì chẳng ai dám chắc tương lai sẽ ra sao.

Than ôi, con nhà nghèo, dù có thông minh đến đâu cũng chẳng làm được gì. Không có tiền, cuối cùng cũng chỉ đành chấp nhận số phận mà thôi.

Sau khi viết xong ba trang chữ lớn, đã là hai canh giờ sau. Lâm Viễn Thu xoa xoa cổ tay đang đau mỏi. Đã lâu không cầm bút lông, cậu cảm thấy có chút ngượng tay, sau này phải luyện tập nhiều hơn mới được.

Lâm Tam Trụ cẩn thận trải từng tờ giấy lên giường đất để hong khô. Lúc này, giường vẫn còn hơi ấm nên chữ sẽ khô rất nhanh. Quay đầu lại, hắn thấy con trai lại mở cuốn Tam Tự Kinh ra, đọc từng chữ từng câu một cách chăm chú.

“Cẩu Tử, con không nghỉ mệt một chút à?” Lâm Tam Trụ có chút xót xa. Đã hai canh giờ trôi qua mà con trai hắn vẫn ngồi nguyên trên giường không hề nhúc nhích.

Lâm Viễn Thu lắc đầu, chuyện này có gì đâu mà mệt. So với những người nông dân vất vả lao động ngoài đồng, cậu đã thoải mái hơn họ không biết bao nhiêu lần rồi.

Huống hồ, nếu ngay cả chút khổ cực này cũng không chịu được, thì sau này chỉ còn cách ra đồng mà cuốc đất thôi.

Nhìn người cha tuy nghèo khổ nhưng ánh mắt đầy tình thương đang chăm chú quan sát mình, lại nghĩ đến vết thương trên cổ cha vẫn chưa lành. Cậu xúc động thốt lên: “Cha, con nhất định sẽ học hành chăm chỉ, sau này để cha được hưởng phúc lớn!”

Lâm Tam Trụ sững sờ ba giây, sau đó không kiềm được mà cười vui sướиɠ: “Được được được! Cha sẽ đợi ngày Cẩu Tử để cha hưởng phúc lớn!”

Nước mắt dâng lên trong mắt Lâm Tam Trụ, hắn sợ con trai nhìn thấy nên vội quay lưng lại, vừa nói vừa bước nhanh ra cửa: “Cẩu Tử, con cứ ngoan ngoãn ở đây học bài đi, cha qua bên ông bà con một lát!”

Vừa đi hắn vừa lau khô nước mắt rồi mới bước đi thong thả về hướng nhà chính.

Trong lòng bà Ngô cảm thấy khó hiểu. Từ trước đến nay, con thứ ba luôn sợ bị bà càm ràm, hễ thấy bóng dáng bà là tránh như tránh tà. Quanh năm suốt tháng, chẳng đến nhà chính được mấy lần. Vậy mà hôm nay lại đến tận ba lần, thật lạ!

Nhìn tay hắn trống không, chẳng phải đến để trả bàn nhỏ. Bà Ngô tự hỏi, một ngày đi tới đi lui ba lần, rốt cuộc là phát cái gì thần kinh vậy không biết?

Lâm Tam Trụ cười tươi đến tận mang tai, nói lớn: “Cha, mẹ, Cẩu Tử nhà con nói sau này sẽ để con được hưởng phúc lớn đó!”

Hừ, hóa ra là đến để khoe khoang đây mà. Bà Ngô lườm một cái, “Mẹ tay bồng tay ẵm, thay tã đút cơm nuôi con khôn lớn, thế khi nào con mới để cho mẹ được hưởng phúc đây?”

Lâm Tam Trụ vẫn cười hớn hở: “Mẹ nói gì thế? Con hưởng phúc thì chẳng phải cha mẹ cũng sẽ hưởng phúc sao? Mẹ, đợi Cẩu Tử thành đạt, con sẽ mua trâm vàng cho mẹ cài đầu, mua thuốc lá thượng hạng cho cha tha hồ hút. Còn nữa, con sẽ mua thêm hai cái vòng vàng cho mẹ đeo, bảo đảm mẹ sẽ xinh đẹp hơn cả phu nhân nhà địa chủ!”

Nghe vậy, bà Ngô như thể đã cầm vòng vàng trong tay, lập tức cười tươi như hoa. Đứa con ngoan này quả không phí công bà nuôi dưỡng mà.

Ông Lâm ngồi bên cạnh nhìn cảnh này nghĩ thầm: Cuối cùng thì cũng hiểu tại sao bà vợ mình lại thiên vị lão tam rồi. Chỉ với cái miệng ngọt như rót mật thế này thì lão đại với lão nhị dù có cưỡi ngựa cũng đuổi không kịp.”

...

Gần đến giờ Dậu, những người đi chơi bên ngoài cũng dần trở về. Trước tiên là Lâm Viễn Hòe và Lâm Viễn Bách.

Cả hai vừa chơi xong trận chiến ném tuyết với lũ trẻ ngoài kia, trên người đầy vệt nước, từ quần áo đến giày vải đều ướt nhẹp. Nhìn bộ dạng này, chắc chắn sẽ không thoát khỏi một trận đòn rồi.

Quả nhiên, Chu thị và Lưu thị tức giận lao đến, mỗi người túm lấy tai con trai mình kéo về phòng dạy dỗ.

Lâm Viễn Hòe và Lâm Viễn Bách kêu gào thảm thiết, mong ông bà nội sẽ thương xót mà can ngăn. Ở nhà khác, khi cháu trai bảo bối bị cha mẹ đánh thì ông bà nội thường sẽ chạy đến bảo vệ.

Nhưng ông Lâm và bà Ngô lại giả vờ như không nghe thấy. Trong mắt hai người, trẻ con nghịch ngợm mà không dạy dỗ thì sau này không biết còn làm trời làm đất gì nữa. Huống chi, cha mẹ nào nỡ đánh mạnh tay, cùng lắm chỉ vỗ vài cái vào mông cho chừa rồi xong.

Quả nhiên, chưa đến nửa khắc sau, hai người lại chạy nhảy tung tăng đến tìm Lâm Viễn Thu chơi. “Cẩu Tử đệ đệ, hôm nay chúng ta chơi ném tuyết vui lắm!” Lâm Viễn Hòe nói một cách hớn hở, ra vẻ tiếc nuối vì đệ đệ không tham gia.

"Đúng đó, đúng đó! Chơi ném tuyết thật sự rất vui!" Lâm Viễn Bách gật đầu đồng tình. “À, vừa rồi ở trên núi chúng ta còn thấy một con thỏ hoang nữa, nhưng chỉ chớp mắt nó đã chạy mất tiêu rồi.”

Hai anh em thở dài. Nếu bắt được thì tối nay đã có thịt ăn rồi. Nghĩ đến thịt, Lâm Viễn Bách liền nhớ đến đùi gà to vào đêm Giao thừa, bèn quay qua hỏi tam ca: “Tam ca, còn bao lâu nữa thì đến Tết vậy?”

Lâm Viễn Hòe lắc đầu, tỏ vẻ không biết. Nhưng cha nói tuyết rơi là sắp đến Tết rồi. Hôm qua vừa có tuyết rơi, vậy chắc cũng không xa nữa.

Lâm Tam Trụ đang ngồi bên cạnh thu dọn nghiên mực tự chế, nghe mấy đứa trẻ nói chuyện mà không nhịn được cười. Người ta thường nói: “Trẻ con mong Tết, người lớn sợ Tết” quả là không sai.

Lúc nhỏ, hắn cũng ngày ngày mong Tết đến. Nhưng từ khi lập gia đình, có nhi nữ, hắn lại sợ đến Tết nhất, tất cả chỉ vì không có tiền.

Giống như bây giờ, dù đã làm được một cái "nghiên mực" cho con, nhưng cũng chỉ có thể để nó dùng ở nhà. Nếu mang đến tộc học, chưa nói đến việc dùng có thuận tiện không, nhưng chắc chắn sẽ bị bạn bè chê cười.

Vậy nên, hắn vẫn phải nghĩ cách khác. Có lẽ hắn nên đi trấn trên thêm một lần nữa. Nhớ đến lần trước nhà họ Hà bố thí tiền mừng và bánh màn thầu trắng, Lâm Tam Trụ có chút động lòng.

Gần cuối năm, người tổ chức gả cưới cũng nhiều hơn. Những dịp đại hỉ như vậy, chắc chắn sẽ có những gia đình giàu có rải tiền mừng như nhà họ Hà. Nếu đi, biết đâu hắn lại kiếm được hai, ba mươi văn tiền.

Nghĩ đến viễn cảnh nếu một ngày may mắn gặp được năm sáu bảy tám lần như vậy, thì tiền mua nghiên mực cho Cẩu Tử chẳng phải đã có rồi sao? Càng nghĩ càng thấy khả thi, Lâm Tam Trụ quyết định ngày mai sẽ lên trấn trên thử vận may.

Lúc gần đến giờ cơm, Phùng thị bước chân nhẹ nhàng từ bên ngoài trở về, có lẽ vì hôm nay tám chuyện cùng mọi người rất vui vẻ.

Bà Ngô không phân công nhiệm vụ cụ thể cho các con dâu, nên việc nấu cơm đều do ba chị em dâu cùng làm. Thấy hai chị dâu lớn đã bắt đầu nhào bột làm bánh ngô, Phùng thị vội ngồi xuống trước bếp, lấy củi nhóm lửa đun nước.

“Đại tẩu nhị tẩu, hai người nghe tin này chưa? Quế tử trong thôn mình đã định ra vị hôn thê rồi đấy! Cô nương này là bà mối Trương làm mai, người thôn Tân Loan. Nghe nói chỉ riêng tiền cảm ơn bà mai đã lên đến hai mươi văn đấy. Để ta kể cho hai người nghe…” Phùng thị vừa ngồi xuống đã bắt đầu thao thao bất tuyệt.

Lâm Viễn Phong sang năm tròn 15 tuổi, còn Lâm Viễn Tùng cũng bước sang tuổi 14, nên chuyện mai mối, cưới vợ đương nhiên khiến Chu thị và Lưu thị đặc biệt quan tâm. Ba chị em dâu liền túm tụm bên bếp lửa, vừa sưởi ấm vừa bàn tán sôi nổi.

Đến khi bà Ngô vào bếp định gọi các con dâu dọn cơm, đập vào mắt bà là cảnh tượng như thế này: Trên nắp vung đặt bảy, tám cái bánh ngô đã nặn xong; nửa cục bột đen còn dang dở nằm trên thớt; nước trong nồi đang sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút.

Vậy mà ba nàng dâu tốt của bà lại ngồi tụ tập cười đùa vô cùng rôm rả, mỗi người một câu, người nói người cười không dứt.

Bà Ngô hừ một tiếng thật to, khiến cả ba như chim sợ cành cong, vội vàng tản ra. Ngay sau đó, người nhóm lửa lại tiếp tục nhóm lửa, người cắt bánh thì tiếp tục cắt bánh, còn người nặn bánh ngô thì nhanh tay nặn tiếp.

Cả ba nhanh chóng tạo nên cảnh tượng bận rộn chuẩn bị bữa cơm chiều, như thể không có chuyện gì xảy ra.

Bà Ngô đảo mắt nhìn quanh tìm cây chổi, chuẩn bị dạy cho cả ba một bài học, đặc biệt là Phùng thị. Từ ngày Phùng thị về làm dâu, con dâu cả và con dâu thứ đều bị ảnh hưởng theo, càng ngày càng lười biếng làm việc không đâu vào đâu.

Lâm Viễn Phong nhanh mắt nhanh tay, vớ ngay cây chổi tre rồi chạy biến ra sân sau: “Bà nội ơi, cháu ra quét sân sau đây!” Bà Ngô ngẩng đầu nhìn trời. Tối mịt thế này, quét cái nỗi gì chứ?

...

Vì còn nghĩ đến chuyện phải đi lên trấn, Lâm Tam Trụ dậy rất sớm, trời mới tờ mờ sáng đã mặc quần áo rồi ra khỏi phòng.

Nghe tiếng động ngoài sân, ông Lâm cứ tưởng là cháu trai dậy sớm, trong lòng lấy làm lạ: Chẳng phải vẫn còn một ngày nghỉ nữa sao? Sao nó dậy sớm thế nhỉ?

Ông chưa kịp mở cửa sổ nhìn, thì đã nghe tiếng con thứ ba ngoài cửa: "Cha ơi, con muốn đi lên trấn một chuyến."

Bà Ngô vội mở cửa phòng ra, hỏi: “Trời lạnh thế này, con lên trấn làm gì?” “Không làm gì cả, con chỉ muốn đi dạo một vòng thôi!” Lâm Tam Trụ vừa nói vừa mở cổng sân.

Trời lạnh thế này thì có gì mà đi dạo? Bà nghĩ bụng, chắc là bệnh cũ của con trai lại tái phát rồi. Ai... mới đàng hoàng được mấy ngày thôi mà đã chứng nào tật ấy thế này.

Bà Ngô hơi phiền lòng, nhưng nghĩ đến chuyện con thứ ba còn chưa ăn sáng, bà vội quay vào giường đất, mở quầy lấy ra hai đồng tiền rồi nhanh chân đuổi theo.

Ông Lâm ngồi trên giường, hút từng hơi thuốc lá, trong lòng nghĩ. Con mình sinh ra, mình hiểu rõ nhất. Chắc chắn lão tam lại ôm mộng đi cướp tiền mừng nữa rồi. Một lần “may mắn” làm nó cho rằng ngày nào cũng có chuyện vui để cướp tiền mừng đây mà.

Ông lắc đầu, nghĩ bụng: cứ để nó đi vấp ngã một lần cũng tốt, cho nó khỏi mơ mộng mãi chuyện bánh từ trên trời rơi xuống.