Con Đường Khoa Cử Của Bần Gia Tử

Chương 11: Buổi Học Sớm

Như thường lệ, ông Lâm và bà Ngô cứ gần đến giờ Mẹo (5-7 giờ) là thức dậy. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, họ thấy tuyết trắng xóa một mảnh, ý nghĩ đầu tiên của cả hai vợ chồng là: hôm nay trời lạnh như thế này thì Cẩu Tử chắc chắn sẽ không đi học.

Vậy nên ông Lâm lại nằm xuống giường đất, lấy cái gối làm từ vỏ kiều mạch kê sau lưng, rồi ung dung lấy kéo ra cắt thuốc lá. Thấy vậy, bà Ngô không nhịn được mà nói, “Giờ trong phòng còn tối mịt thế này, ông cắt thế thì làm sao mà thuốc mịn được.”

Ông Lâm không để tâm, việc này ông đã làm mấy chục năm rồi, dù trong nhà có sáng hay không, nhắm mắt lại ông vẫn có thể xử lý tốt mấy lá thuốc này.

Còn chuyện thuốc lá cắt có mịn hay không, có gì quan trọng đâu, dù sao cũng chỉ bỏ vào điếu để đốt, ai thèm để ý mấy chuyện này chứ.

Thấy ông chồng không chịu nghe lời khuyên nhủ, bà Ngô cũng đành chịu. Sống với nhau bao nhiêu năm, bà hiểu rõ ông không bao giờ nghe lời mình.

Đúng là cố chấp như một con lừa bướng bỉnh, bảo sao cũng không chịu nghe.

Bà Ngô xoa xoa tay, cảm thấy lạnh thật, rồi chợt nhớ ra phải đi tìm xem trong nhà còn chút bông nào không. Áo bông mới của lão tam đã bán mất rồi, bà phải nhét thêm chút bông vào cái áo bông cũ của nó, nếu không trời lạnh thế này làm sao mà chịu được.

Nghĩ vậy, bà Ngô nhanh chóng xuống giường, mở rương đồ ra lục lọi.

Vợ chồng sống với nhau bao năm, chẳng cần hỏi nhiều, ông Lâm cũng đoán được bà Ngô định làm gì. Nghĩ ngợi một chút, ông lên tiếng, “Bà sửa cái áo bông tốt của tôi cho lão tam mặc đi.”

Nghe vậy, bà Ngô liền phản đối: “Sao mà được chứ, cái áo đó là lễ mừng thọ 50 tuổi mà Đại Ni và Nhị Ni đặc biệt may cho ông đấy.”

Hai năm trước, khi ông Lâm tròn 50 tuổi, hai cô con gái đã may cho ông bà mỗi người một cái áo bông. Áo có lớp ngoài làm bằng vải mềm, bên trong lót sáu lạng bông, mặc vào rất ấm áp.

Đây cũng là bộ quần áo tốt duy nhất của hai ông bà. Thế nên ngày thường cả hai đều rất trân quý, không nỡ mặc.

Bà Ngô thỉnh thoảng còn lấy áo ra mặc vào mỗi dịp giao thừa hay mùng một Tết, còn cái áo của ông Lâm thì vẫn luôn cất ở trong rương.

Bởi vì ông nói, bản thân suốt ngày chỉ quanh quẩn ngoài đồng ruộng hoặc làm việc trên đất. Dù đi đâu, ông cũng mang theo cái điếu thuốc bên người, nếu chẳng may làm cháy áo mới thì đau lòng lắm.

Thế nên cái áo mới ấy gần như chưa từng được ông Lâm mặc lần nào.

Bà Ngô nhất quyết không đồng ý sửa áo bông của ông cho con út mặc. Vì đó là bộ đồ tử tế duy nhất mà họ có. Không kiêng kỵ mà nói, bà nghĩ rằng sau này khi vào quan tài, có thể dùng bộ quần áo này làm đồ khâm liệm, cũng có thể nở mày nở mặt với con cháu.

Ông Lâm tất nhiên không biết bà Ngô đã tính đến chuyện hậu sự cho cả hai. Ông mở túi vải treo trên điếu thuốc ra, cho tất cả thuốc lá đã cắt vào túi.

Trong khi đó, bà Ngô lục tung hết cái rương gỗ, kết quả đúng như bà nghĩ, chẳng tìm được chút bông nào.

Bà đóng nắp rương, chuẩn bị mở cái rương khác để tìm thì nghe thấy tiếng mở cửa ở bên ngoài. Chẳng lẽ Cẩu Tử đã dậy rồi? Hai người thấy khó tin, vội đẩy cửa sổ nhìn ra sân.

Chỉ thấy ở cửa sân có một cái ghế gỗ, trên ghế là một thân hình nhỏ bé đang kiễng chân mở chốt cửa. Người này không phải là Cẩu Tử thì còn ai vào đây nữa.

Thấy vậy, ông Lâm không còn tâm trí nào mà cắt thuốc nữa, vội mặc áo rời giường, mở cửa bước nhanh ra sân.

Nghe thấy tiếng động, Lâm Viễn Thu quay đầu lại, cái ghế gỗ hơi lung lay, ông Lâm vội vàng bước tới đỡ. Nhìn thấy trên đầu đứa cháu nhỏ đã phủ đầy tuyết, ông không nhịn được mà hỏi, "Viễn Thu, hôm nay con vẫn đi học à?"

"Vâng ạ, thầy Vương vẫn chưa cho nghỉ Tết!" Nghe ông nội lại gọi mình là Viễn Thu, cậu thấy hơi buồn cười.

So sánh với hình ảnh tối qua khi ông gọi mình là “Cẩu Tử” suốt, cậu cũng rút ra được kinh nghiệm: mỗi lần cậu đeo cặp sách đi học, ông đều gọi tên thật của cậu, còn những lúc khác thì luôn gọi là Cẩu Tử.

Lâm Viễn Thu không khỏi cảm thán, quả nhiên "Vạn nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao quý", người xưa nói chẳng sai chút nào.

Trời hôm nay có tuyết, đường đi trơn trượt, chỉ cần sơ ý một chút là có thể ngã. Vì vậy, cậu từ chối để ông nội đưa đi. Sau khi vẫy tay chào tạm biệt, cậu một mình bước thấp bước cao trên con đường phủ đầy tuyết để đến tộc học.

Hôm nay đi đường mất thời gian hơn bình thường đến gấp đôi, Lâm Viễn Thu thầm nghĩ may là tuyết không đọng quá dày, nếu không thì chắc cậu chỉ còn cách ở nhà thôi.

Thầy Vương chẳng quản trời nắng hay mưa, vẫn như mọi khi, đã ngồi sẵn trong lớp từ sớm. “Chào thầy ạ!” Lâm Viễn Thu lễ phép cúi chào thầy theo nghi thức học sinh.

Đây là ngày đầu tiên đi học, thầy Vương đã dạy cho họ cách chào lễ đúng quy cách của học sinh. Đầu tiên, hai tay đan nhẹ đặt trước ngực, không nắm chặt như cách "ôm quyền" trong võ thuật, cũng không nhẹ nhàng như "chắp tay" thông thường, người hơi cúi về phía trước.

Như vậy, một động tác chào lễ chuẩn mực của học sinh đã hoàn thành.

Sau khi chào xong, Lâm Viễn Thu đi đến chỗ ngồi và phát hiện ra mình là người đến sớm nhất. Có vẻ như trận tuyết hôm nay đã khiến mọi người đều có lý do để lười biếng trong chăn ấm.

Không nghĩ ngợi gì thêm, Lâm Viễn Thu lấy quyển "Tam Tự Kinh" từ trong túi sách, mở ra, dự định đọc lại từ đầu đến cuối một lượt.

Nhưng nghĩ lại, cậu cảm thấy mình nên báo với thầy Vương rằng sách đã được mua rồi, giấy bút cũng đã có đầy đủ, để tránh bị gán cái danh “đứa trẻ nghèo khổ” trên trán mãi, điều này thật sự không cần thiết chút nào.

Cậu khẽ hắng giọng một chút, sau đó đứng dậy, “Thưa thầy, hôm qua cha học trò đã mua cho học trò quyển Tam Tự Kinh rồi ạ.”

Thầy Vương nhìn cuốn sách trong tay Lâm Viễn Thu, khẽ gật đầu tỏ ý rằng mình đã biết.

“Thưa thầy, cha con cũng đã mua cho con cả bút mực nữa.” Lâm Viễn Thu đặt quyển sách xuống rồi lấy bút mực ra, giơ lên cho thầy xem.

Thầy Vương lại tiếp tục gật đầu, tỏ vẻ hài lòng, khen rằng không tồi. Khóe miệng của Lâm Viễn Thu không khỏi nhếch lên một nụ cười.

Đúng rồi, cậu còn chưa nói về giấy đâu. Nghĩ đến đây, Lâm Viễn Thu lại đứng dậy, “Thưa thầy, nhà con còn một cuộn giấy trắng to nữa ạ.”

Khuôn mặt nhỏ nhắn hiện lên vẻ đắc ý, nét ngây thơ hồn nhiên được bộc lộ một cách sinh động. Lâm Viễn Thu không biết hành động của mình trẻ con đến mức nào, chỉ cảm thấy sau khi báo cáo xong, cả người trở nên thoải mái và phấn chấn hẳn lên.

Có vẻ như tính sĩ diện cũng không phụ thuộc vào lứa tuổi nào. Cậu vẫn luôn bị các bạn cùng lớp coi là “đứa trẻ nghèo khổ” điển hình, điều này khiến cậu rất phiền lòng.

Thầy Vương không kìm được, khóe miệng hơi giật giật. Khi Lâm Viễn Thu vừa vào lớp, thầy đã để ý thấy cái túi sách trên lưng cậu không còn nhẹ tênh như trước, đoán rằng có thể đã mua được sách rồi.

Vừa định hỏi, nhưng chưa kịp mở miệng thì cậu nhóc đã vui mừng “báo cáo” tất tần tật với thầy.

Thầy Vương cố nén cười, cảm thấy cậu học trò luôn ra vẻ người lớn này cuối cùng cũng bộc lộ ra nét ngây thơ đáng yêu đúng với tuổi của mình.

Sau khoảng thời gian ước chừng đủ uống hai chén trà trôi qua, lần lượt có thêm mười mấy học trò khác vào lớp. Chờ thêm một lát, không thấy ai đến nữa, có lẽ vì tuyết rơi mà không đến được.

Nhìn ra ngoài thấy tuyết vẫn chưa ngừng, thầy Vương nghĩ rằng những học sinh có thể đến được chắc đã đến cả rồi, liền bảo cả lớp đóng sách lại, bắt đầu điểm danh và gọi từng người lên đọc thuộc lòng.

Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây, khiến nhiều học sinh trong lớp hận không thể chui đầu vào trong bụng để tránh bị gọi tên.

Nhưng đây không phải là chuyện muốn tránh là có thể tránh được. Người đầu tiên bị gọi tên là Lâm Vân An. Thầy Vương đọc: “Ấu mà học, tráng mà đi.”(*)

Lâm Vân An gãi đầu, ấp a ấp úng tiếp lời: “Thượng trí quân, hạ... hạ trạch dân, nổi danh thanh, hiện cha mẹ, quang với trước, dụ dụ dụ dụ...”(*)

Lặp lại chữ “dụ” cả buổi mà chẳng nói được thêm câu nào hoàn chỉnh.

Thầy Vương mặt trầm xuống, cầm thước kẻ bước đến gần, Lâm Vân An đành ngoan ngoãn giơ tay ra, lòng bàn tay ngửa lên.

Chỉ nghe chát chát chát - ba tiếng vang lớn, cây thước đánh vào lòng bàn tay, nghe âm thanh thôi đã thấy đau rát.

Đám học trò đều cúi thấp đầu gần sát mặt bàn, thầm nghĩ nếu biết hôm nay sẽ bị thế này, thà trốn ở trên giường ấm còn hơn.

“Lâm Văn Tiến!” Thầy Vương đi đến dãy bàn đầu tiên, đọc lớn: "Một mà mười, mười mà trăm, trăm mà ngàn, ngàn mà vạn."(*)

Lâm Văn Tiến nhanh chóng tiếp lời, “Tam tài giả, thiên địa người, tam quang giả, nhật nguyệt tinh, tam cương giả, quân thần nghĩa, phụ tử thân.”(*) Thầy Vương gật đầu hài lòng, cho phép ngồi xuống.

Không bị phạt, Lâm Văn Tiến đắc ý quay sang nhìn Lâm Viễn Thu bên cạnh, mong rằng người tiếp theo bị gọi tên sẽ là cậu ta, để có cơ hội nhìn thấy cảnh Lâm Viễn Thu bị thầy đánh thước như thế nào.

Vậy nên, khi thầy Vương thật sự gọi tên Lâm Viễn Thu, đôi mắt ti hí của Lâm Văn Tiến đã cười đến mức chỉ còn lại một đường chỉ.

Lâm Viễn Thu không để ý ánh mắt hả hê của bạn cùng bàn. Cậu có một thói quen đặc biệt là luôn có thể tập trung toàn tâm toàn ý vào một việc. Chỉ cần đã bắt tay vào làm thì gần như sẽ không bị xao nhãng bởi mọi thứ xung quanh.

Đây cũng là lý do chính khiến thành tích học tập của cậu ở kiếp trước luôn vượt trội.

Giống như vừa rồi, dù người đọc bài không phải là cậu, nhưng Lâm Viễn Thu vẫn lặng lẽ lắng nghe và ngầm phân tích trong đầu.

Thầy Vương hai tay chắp sau lưng, để cây thước ngay trên bàn cách chỗ Lâm Viễn Thu không xa. “Mà sở sinh, có cỏ cây, này thực vật, biến thuỷ bộ.”(*)

Lâm Viễn Thu tiếp lời: “Có trùng cá, có điểu thú, này động vật, có thể bay chạy, lúa lương thục, mạch kê kê, này sáu cốc, người sở thực, mã dê bò, gà chó thỉ, này lục súc, người sở nuôi…”(*)

Thầy Vương chưa yêu cầu dừng lại, nên Lâm Viễn Thu cứ thế tiếp tục đọc cho đến khi ngâm đến câu “Giới chi thay, nghi nỗ lực”(*) mới dừng lại.

Lúc này, Lâm Văn Tiến ngạc nhiên đến há hốc miệng. Cậu ta hoàn toàn không thể ngờ được rằng Lâm Viễn Thu lại có thể thuộc lòng hết cả đoạn còn lại, phải biết rằng, đoạn này mới chỉ học từ hôm qua mà thôi!

Hơn nữa, Lâm Viễn Thu làm gì có sách? Sao có thể nhớ được tất cả như vậy?

Điều này cũng khiến thầy Vương vô cùng bất ngờ. Hôm qua thầy chỉ giảng sơ qua một lượt, không ngờ Lâm Viễn Thu đã thuộc lòng hết cả đoạn, quả là trí nhớ phi thường.

Chính vì nhận ra điều này, trong lòng thầy Vương lại càng thêm tiếc nuối. Từ xưa đến nay, việc thi cử vốn cần học thức và tiền bạc, không thể thiếu một trong hai.

Không có tiền tài trợ giúp, dù có học giỏi đến đâu cũng khó mà tiến xa được. Than ôi, thật là đáng tiếc!

Lâm Viễn Thu đương nhiên không hề biết những suy nghĩ của thầy Vương lúc này. Sau khi kết thúc giờ học sáng, cậu đeo túi sách lên vai và nhanh chóng về nhà ăn sáng.

Thực ra, cậu cũng có thể để túi sách lại ở lớp, nhưng Lâm Viễn Thu không dám làm vậy. Phải biết rằng cha cậu đã rất khó khăn mới có thể gom đủ tiền mua sách vở, bút mực cho cậu, nên mang theo bên người vẫn thấy yên tâm hơn.

...

Nhìn thấy em họ đeo túi sách về nhà, Lâm Viễn Bách nhanh chân chạy đến, rồi từ trong túi áo phồng lên của mình lấy ra vài quả sơn tra, “Cẩu Tử đệ đệ, cho em nè!”

Lâm Viễn Thu đã không còn hơi sức để phàn nàn chuyện bị gọi là "Cẩu Tử" nữa rồi. Cậu nghĩ thích gọi là Cẩu Tử thì cứ gọi đi, dù sao người ta thường nói rằng tên xấu thì dễ nuôi. Hy vọng nó sẽ giúp bản thân cậu mạnh khỏe trưởng thành ở thời cổ đại này.

Nói đến cái tên "Cẩu Tử", lúc đầu đúng là vì nghĩ tên xấu thì dễ sống, nên cha mẹ cậu mới đặt như vậy.

Trước Lâm Viễn Thu, cha mẹ cậu từng có hai người con trai nhưng không may một người qua đời vì đậu mùa khi mới bảy tuổi, người còn lại cũng mất khi còn trong tã lót do sốt cao.

Thế nên, khi Lâm Viễn Thu sinh ra, Lâm Tam Trụ vì quá sợ hãi nên lập tức đặt cho con trai mình một cái tên "xấu" để dễ nuôi – gọi là "Cẩu Tử."

“Tứ ca, anh đi hái sơn tra ở trên núi đấy à?” Lâm Viễn Thu nhìn đôi giày ướt đẫm của Lâm Viễn Bách, đoán rằng số sơn tra này là vừa hái về từ trên núi.

Ngày tuyết rơi, những quả sơn tra bình thường không nổi bật lại hiện lên rõ nét nhờ nền tuyết trắng. Vì thế, nhiều đứa trẻ nghịch ngợm thường đi hái quả sơn tra trên núi vào lúc này.

“Suỵt!” Lâm Viễn Bách vội ra hiệu bảo giữ im lặng. Nếu để mẹ biết cậu chạy lên sau núi vào ngày tuyết rơi thế này, chắc chắn sẽ bị mắng cho một trận.

Lâm Viễn Thu cầm lấy quả sơn tra đỏ rực lên hỏi Lâm Viễn Bách, “Có chua không?” Cậu vốn rất sợ vị chua. Lâm Viễn Bách lắc đầu, “Không chua chút nào!”

Lâm Viễn Thu vẫn bán tín bán nghi, “Nếu không, anh ăn thử một quả trước cho em xem.”

Ăn thì ăn! Lâm Viễn Bách liền bỏ ngay một quả vào miệng, nhai nhồm nhoàm để cho Lâm Viễn Thu thấy rõ, quả nhiên trên mặt không hề có biểu hiện nào là bị chua.

Lâm Viễn Thu yên tâm, vội vàng cầm một quả bỏ vào miệng. Kết quả, vừa nhai được vài cái, gương mặt nhỏ nhắn của cậu lập tức nhăn lại vì chua, trông y hệt cái bánh bao.

“Ha ha ha ha!” Lâm Viễn Bách đắc ý cười vì trò đùa tinh quái đã thành công, vừa cười vừa nhanh chóng nhổ quả sơn tra trong miệng ra. Đúng là chua muốn chết!

(*) Ấu mà học, tráng mà đi: Học khi còn nhỏ, hành động khi trưởng thành

(*) Thượng trí quân, hạ trạch dân, nổi danh thanh, hiện cha mẹ, quang với trước: Trên phụng sự quân vương, dưới ban ơn cho dân chúng, làm rạng danh tiếng, vinh hiển cha mẹ, tỏa sáng cho đời trước.

- (Trên phụng sự quân vương): Thể hiện lòng trung thành và trách nhiệm của một người đối với vua hoặc người lãnh đạo.

- (Dưới ban ơn cho dân chúng): Chỉ việc đem lại phúc lợi và sự giúp đỡ cho người dân.

- (Làm rạng danh tiếng): Gây dựng danh tiếng tốt đẹp, để tên tuổi được biết đến rộng rãi.

- (Vinh hiển cha mẹ): Làm rạng danh cha mẹ, mang lại sự tự hào cho gia đình.

- (Tỏa sáng cho đời trước): Làm vẻ vang cho tổ tiên, khiến các thế hệ trước được thơm lây nhờ công đức và thành tựu của con cháu.

(*) Một mà mười, mười mà trăm, trăm mà ngàn, ngàn mà vạn: Một thành mười, mười thành trăm, trăm thành ngàn, ngàn thành vạn. Đây là cách diễn đạt mang tính lũy thừa, từ cái nhỏ bé dần dần lớn lên, chỉ sự phát triển và gia tăng không ngừng. Nó cũng thể hiện quy luật tích lũy trong cuộc sống, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp.

(*) Tam tài giả, thiên địa người, tam quang giả, nhật nguyệt tinh, tam cương giả, quân thần nghĩa, phụ tử thân: Ba tài là trời, đất, người. Ba ánh sáng là mặt trời, mặt trăng, sao. Ba cương là vua tôi nghĩa, cha con thân.

- (Ba tài là trời, đất, người): Khái niệm cổ điển trong triết học Nho giáo, tượng trưng cho sự hài hòa giữa:

o Trời: Đại diện cho thiên nhiên, vũ trụ.

o Đất: Nơi sinh tồn của vạn vật.

o Người: Chủ thể trong mối quan hệ với trời và đất.

- (Ba ánh sáng là mặt trời, mặt trăng, sao): Là các nguồn sáng tự nhiên quan trọng nhất:

o Mặt trời: Ánh sáng ban ngày.

o Mặt trăng: Ánh sáng ban đêm.

o Sao: Tạo thành bầu trời đêm lung linh.

- (Ba cương là vua tôi nghĩa, cha con thân): Nguyên tắc luân lý xã hội quan trọng trong Nho giáo:

o Vua tôi nghĩa (君臣义): Quan hệ vua tôi cần dựa trên nghĩa lý, trung thành và bổn phận.

o Cha con thân (父子亲): Cha con phải gần gũi, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

(*) Mà sở sinh, có cỏ cây, này thực vật, biến thuỷ bộ: Đất sinh ra cây cỏ, đó là thực vật, mọc khắp nơi trên đất liền và dưới nước.

- (Đất sinh ra): Nhấn mạnh đất đai là nguồn gốc nuôi dưỡng sự sống, nơi khởi nguồn của cây cỏ và các loại thực vật.

- (Có cây cỏ): Chỉ các loại thực vật bao gồm cỏ nhỏ, cây lớn, thể hiện sự phong phú của hệ sinh thái.

- (Đó là thực vật): Giải thích rõ ràng cây cỏ thuộc nhóm thực vật, đưa ra khái niệm cơ bản.

- (Mọc khắp nơi trên đất liền và dưới nước): Chỉ ra rằng thực vật có khả năng sinh trưởng ở nhiều môi trường khác nhau, từ đất liền (陆) đến sông hồ, ao, biển (水).

(*) Có trùng cá, có điểu thú, này động vật, có thể bay chạy, lúa lương thục, mạch kê kê, này sáu cốc, người sở thực, mã dê bò, gà chó thỉ, này lục súc, người sở nuôi: Có côn trùng và cá, có chim và thú, đây là động vật, có thể bay, có thể chạy. Có lúa, cao lương, đậu, kê, ngô và tắc, đây là sáu loại ngũ cốc, con người dùng để ăn. Có ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn, đây là sáu loại gia súc, con người nuôi dưỡng.

(*) Giới chi thay, nghi nỗ lực: Phải cẩn thận thay, nên cố gắng hết sức.